Con gái nuôi của đơn vị Bế Văn Đàn
Cuối năm 1953, chiến dịch Điện Biên Phủ đang trong giai đoạn ác liệt nhất, đại đội của Bế Văn Đàn được giao nhiệm vụ bao vây Pháp ở xã Mường Pồn (huyện Mường Lay, tỉnh Điện Biên). Đơn vị đóng quân tại một con suối cạn ở cạnh bản, quân Pháp đã liên tục dùng pháo yểm trợ để phản kích hòng phá vòng vây.
Pháo địch bắn như mưa vào đội hình và các bản xung quanh. Nhiều ngôi nhà ở Mường Pồn bị cháy, nhiều người dân đã chết. Pháo vừa ngưng, các chiến sĩ trong đại đội chạy vào bản để dập lửa, cứu người.
Bên trong một ngôi nhà đổ nát có tiếng khóc yếu ớt của trẻ nhỏ. Bước vào trong, một cảnh tượng hết sức thương tâm diễn ra trước mắt người chiến sĩ trẻ, bên cạnh thi thể của một người phụ nữ bị nát tươm vì đạn pháo là một bé gái chừng 2-3 tháng tuổi bị thương.
Đứa trẻ đang cố nhoài người, nhay bầu vú đã lạnh ngắt của mẹ để tìm dòng sữa.
Đói, khát và bị thương khiến tiếng khóc của nó chỉ khào khào yếu ớt như tiếng kêu của mèo con. Bé gái được bộ đội cứu sống, chăm sóc và trở thành con nuôi của đơn vị.
Các anh đặt tên cho bé là Phơi (hay gọi là noọng Phơi), theo tiếng Thái là em bé bị bỏ rơi.
Trận chiến diễn ra ngày càng ác liệt, trong một lần phản kích của quân địch, Bế Văn Đàn đã anh dũng lấy thân mình làm giá súng và hi sinh ở Mường Pồn. Từ đó đơn vị của anh mang tên người anh hùng Bế Văn Đàn. Bởi vậy, người ta thường nhớ đến noọng Phơi với tên gọi “con gái nuôi của đơn vị Bế Văn Đàn”.
Chiến dịch ngày càng căng thẳng, quyết liệt, đơn vị được điều động tiến sâu vào phía trong. Việc mang một đứa trẻ mới biết bò vào trận địa là một việc làm rất nguy hiểm cho cả em bé và cả các chiến sĩ.
Do vậy, đại đội đành gửi em Phơi lại cho một cặp vợ chồng hiếm muộn ở địa phương là ông Lò Văn Pâng và bà Lò Thị Hưa nuôi nấng. Cô bé mồ côi được cha mẹ nuôi đặt tên là Lò Thị Phơi.
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, những chiến sĩ trong đại đội người mất, người còn. Em bé Mường Pồn cũng đã có cuộc sống êm ấm bên cạnh cha mẹ nuôi tốt bụng.
Tưởng chừng câu chuyện đẹp về một bé gái là con nuôi của bộ đội sẽ trôi vào quên lãng như bao nhiêu câu chuyện khác trong thời chiến.
Nhưng anh chiến sĩ trẻ mới hơn 20 tuổi Phạm Thanh Tâm, khi đó đang là phóng viên kiêm họa sĩ chiến trường, nghe được câu chuyện cảm động đó thì nhớ mãi. Chiến tranh kết thúc, họa sĩ Phạm Thanh Tâm tìm được người lính đã phát hiện và cứu sống em Phơi năm xưa, anh quyết định lên Mường Phồn gặp lại cô bé nhân chứng lịch sử.
Bức tranh em bé Mường Pồn |
60 năm trôi qua, người họa sĩ trẻ năm nào nay đã là một vị đại tá già 84 tuổi. Ông có cuộc sống giản dị cùng gia đình trong căn nhà nhỏ ở quận Tân Bình (TP HCM).
Nhớ về ký ức xưa, người họa sĩ già cho biết, khi bộ đội tìm thấy Phơi thì em còn ẵm ngửa, đến lúc họa sĩ Tâm tìm đến thì em đã 6 tuổi, biết bưng cam lên mời khách.
Bên bếp lửa bập bùng, ông Lò Văn Pâng, người cha nuôi của Phơi đã kể cho khách nghe những ngày tháng đầu tiên vợ chồng ông nuôi em bé vất vả như thế nào. Mấy ngày đầu, mỗi khi đói em khóc ngằn ngặt, đổ nước cơm, nước cháo nhất định không chịu nuốt. Nhiều lúc nhìn con khóc lả vì khát sữa mà hai ông bà rơi nước mắt.
Khóc như vậy suốt 7 ngày, rốn em bé bị lòi ra một đoạn, cha mẹ nuôi phải lấy quả trứng gà vừa day vừa ấn vào.
Dần dần em bé cũng chịu nuốt ít nước cháo, bớt khóc hơn. Tuy nhiên, lúc này người mẹ nuôi phát hiện một số chỗ bị thương trên người bé đã lên da non, chỉ có vết thương dưới chân cứ mưng mủ mãi không khỏi.
Khi vết thương vỡ ra, ông bà phát hiện một vài mảnh đạn lẫn trong mủ. Ông Pâng phải vào rừng lấy lá thuốc rịt, da thịt em bé mới liền lại được.
Từ câu chuyện xúc động về cô bé Thái mồ côi, họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã vẽ bức tranh “Em bé Mường Pồn” hay còn gọi là “noọng Phơi” nổi tiếng. Trong tranh là bé gái có gương mặt tròn xinh xắn. Em bận bộ váy Thái, đầu đội khăn piêu, tay đeo vòng bạc. Phía sau em là rặng cam quả đỏ hây hây.
Mặc dù em bé là nhân chứng sống trong cuộc chiến tranh nhiều đau thương, mất mát của dân tộc, nhưng khi xem tranh, người ta lại thấy hình ảnh một bé gái hồn nhiên, ngây thơ giữa khung cảnh thanh bình của núi rừng, lúc đó người xem cảm thấy như những ký ức đau thương, mất mát dường như đã ở rất xa.
Từ đó đến nay, mỗi khi có dịp ông lại thu xếp về Mường Pồn thăm noọng Phơi. Trong phòng khách của căn nhà nhỏ của gia đình ông ở quận Tân Bình là bức tranh lớn vẽ một thiếu nữ đứng giữa rừng cam. Đó là một trong số những bức vẽ khác mà họa sĩ Tâm vẽ về Phơi.
Chuyến đi gần đây nhất là vào năm ngoái, khi cả nước tưng bừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Tâm chống gậy cùng vợ bay từ TP HCM ra Điện Biên thăm lại chiến trường xưa. “Cô bé” năm nào giờ đã thành thiếu phụ 61 tuổi, có 7 đứa con, cuộc sống nhiều lam lũ, vất vả.
Người bạn đời của họa sĩ Tâm chia sẻ: “Cách đây mấy năm ông ấy đã phải mổ một lần nên sức khỏe rất yếu. Năm ngoái ông ấy nói muốn đến Điện Biên một lần nữa, gia đình ai cũng lo vì đã hơn 80 tuổi, chân thì run, đi lại trong nhà còn khó khăn.
Tôi biết ông ấy nhớ những kỷ niệm về đồng đội, về đồng bào dân tộc đã gắn bó với mình trong những năm tháng vào sinh ra tử nên quyết hộ tống chồng ra tận nơi. Khi nhìn thấy ông Tâm, Phơi khóc nức nở. Mặc dù cô ấy nói tiếng Kinh không sõi nhưng hai người tay bắt mặt mừng trò chuyện ríu rít như bố con xa nhau lâu ngày.
Lúc chia tay về, Phơi còn tặng vợ chồng tôi chiếc khăn piêu làm kỷ niệm”.