Mối tương quan với bệnh không lây nhiễm
Theo Bộ Y tế, trong những năm gần đây, các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh hô hấp mạn tính đã tăng và có xu hướng trẻ hóa. Ước tính số người tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm hơn 80% tổng số tử vong trên toàn quốc. Nguyên nhân chính của sự gia tăng này là do thay đổi nhanh chóng trong lối sống và thói quen ăn uống của người dân, bao gồm sự chuyển đổi từ thực phẩm truyền thống sang thực phẩm chế biến có nhiều chất béo, muối và đường. Trong đó, chế độ ăn thừa muối và natri có mối tương quan mật thiết tới các bệnh không lây nhiễm.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết natri rất cần thiết đối với cơ thể người nhưng ăn thừa natri lại gây tác hại cho sức khỏe. Tiêu thụ thừa natri là yếu tố chính gây tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ (như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim), làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và những rối loạn sức khỏe khác. Ngoài ra, việc tiêu thụ quá nhiều muối cũng tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương,...
Từ lâu, ăn mặn là thói quen phổ biến và khó bỏ của người Việt Nam. Trong mỗi gia đình, các gia vị như muối, bột canh, nước mắm, xì dầu... là “linh hồn” không thể thiếu của các món ăn. Từ quá trình sơ chế, tẩm ướp, nêm nếm cho đến khi thưởng thức, đều có sự góp mặt của các loại gia vị. Tuy nhiên, cách chế biến lạm dụng gia vị, muối đã và đang gây ra ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân. Ngoài ra, việc người dân tiêu thụ nhiều mì ăn liền, thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn nhanh - nguồn thực phẩm chứa nhiều muối và natri, cũng là một vấn đề đáng quan ngại tại Việt Nam. Một nghiên cứu tại TP HCM với 467 người trong độ tuổi 19 - 39 cho thấy 47% thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, đặc biệt là nam giới và thanh, thiếu niên (16 - 24 tuổi).
Theo cuộc điều tra quốc gia do Bộ Y tế và WHO tiến hành, sau 5 năm (2015 - 2021), mức độ tiêu thụ natri của người dân Việt Nam giảm từ 3.760mg/người/ngày xuống 3.360mg/người/ngày (tương ứng với 9,4g và 8,4g muối). Đây là một con số đáng mừng, thế nhưng người Việt vẫn ăn mặn ở mức cao so với khuyến cáo của WHO. Theo khuyến cáo của WHO, mỗi ngày người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 2.000mg natri, tức 5g muối (tương đương 1 thìa cà phê).
Tăng cường truyền thông giảm muối ăn bảo vệ sức khỏe
Nhận thấy mối nguy hại đến sức khỏe cộng đồng, WHO đã ban hành Tài liệu Hướng dẫn các biện pháp thay đổi thói quen ăn muối của người dân và khuyến nghị các quốc gia áp dụng để lập kế hoạch can thiệp giảm tiêu thụ muối. Trên cơ sở khuyến nghị đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2033/QĐ-BYT ngày 28/3/2018 về phê duyệt Kế hoạch quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2018 - 2025.
Trong giai đoạn triển khai, Bộ Y tế luôn tăng cường các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tiêu thụ muối nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi góp phần giảm tiêu thụ muối trong khẩu phần ăn của người dân. Qua đó, các hoạt động truyền thông đã đạt được những hiệu quả bước đầu quan trọng. Từ việc hầu hết người dân không nhận thức đầy đủ về những tác hại của việc tiêu thụ muối quá mức đối với sức khỏe. Giờ đây, qua các kênh truyền thông, rất nhiều người dân ở các địa phương đã được tiếp cận thông tin và nhận thức được rằng ăn muối quá nhiều có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tai biến mạch máu não và các bệnh không lây nhiễm khác.
Là một phần của nỗ lực liên tục nhằm giảm tiêu thụ muối và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, ngày 28/3/2024, Cục Y tế dự phòng đã có Công văn số 249/DP- KLN gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức triển khai truyền thông, phổ biến Khuyến nghị “Hàm lượng natri tối đa cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam”. Dựa trên Khuyến nghị của WHO và kết quả rà soát, khuyến nghị hàm lượng natri tối đa trên 100g thực phẩm đối với 11 nhóm thực phẩm chính và 46 tiểu nhóm thực phẩm phù hợp với danh mục quản lý tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP và các sản phẩm có tại thị trường Việt Nam.
Đơn cử, với nhóm thực phẩm là bánh ngọt, bánh quy và các loại bánh khác, ngưỡng natri được khuyến nghị tối đa là 300mg/100g; đồ ăn nhẹ vị mặn tối đa 600mg/100g; ngũ cốc ăn sáng tối đa 100mg; phô mai tối đa 720mg; thực phẩm chế biến sẵn, tiện lợi và món ăn tổng hợp tối đa 1.200mg; bơ và các loại dầu, mỡ khác tối đa 400mg; bánh mì, các sản phẩm từ bánh mì và bánh mì giòn tối đa 330mg...
Trước đó, tháng 12/2023, Cục Y tế dự phòng đã phối hợp với WHO tổ chức họp góp ý dự thảo Khuyến nghị về hàm lượng natri cho một số thực phẩm chế biến bao gói sẵn tại Việt Nam. Theo đó, khuyến nghị hàm lượng natri dùng để khuyến nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm áp dụng để sản xuất các thực phẩm giảm natri nhằm cung cấp đến người dân các sản phẩm thực phẩm tốt hơn cho sức khỏe và để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng các thực phẩm giảm natri góp phần nâng cao sức khỏe, phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.