Quen nhau qua mạng internet, dù cách nhau nửa vòng trái đất, khác nhau về văn hóa, dân tộc, màu da, chàng lại già gấp đôi tuổi nàng nhưng cặp “trai già - gái trẻ” vẫn yêu nhau thắm thiết, họ quyết vượt qua nhiều rào cản về thời gian và không gian mới đến được với nhau.
Sau cuộc hội ngộ ngoài đời, nghe nàng nỉ non có khó khăn về tài chính, chàng đã hào phóng chuyển về giúp nàng trên 40 ngàn đô la. Không ai ngờ đoạn cuối của cuộc tình lãng mạn xuyên lục địa lại đi đến tan vỡ, cực chẳng đã chàng kiện nàng ra TAND TP.HCM để đòi khoản “tình phí” đã trao…
Mối tình xuyên lục địa
6 năm trước, trong một đêm buồn lướt web, ông Jose Andres, quốc tịch Tây Ban Nha, quen biết bà Nguyệt Hằng sinh sống tại TP.HCM. Quá trình chuyện trò trên thế giới ảo, hai con người ở hai bán cầu cảm thấy rất tâm đầu ý hợp và nảy sinh quan hệ tình cảm.
Hè năm đó, chàng mời nàng sang Tây Ban Nha du lịch để được gặp “người trong mộng”, thỏa nỗi nhớ mong. Sau chuyến du lịch miễn phí khắp trời Tây kéo dài cả tháng trời, nàng trở về Việt Nam nhưng tình cảm hai người vẫn nồng thắm, thường xuyên chát chít, điện thoại cho nhau. Thậm chí, cả hai còn “thề non hẹn biển” sẽ tiến tới hôn nhân.
Nghe người tình trẻ nỉ non đang có chút khó khăn về tài chính, chàng đã hào phóng giang tay giúp đỡ. Cụ thể, ông Jose hai lần gửi tiền về Việt Nam cho bà Hằng bằng cách chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, tổng cộng số tiền trên 40 ngàn đô la.
Vào lúc tình cảm đang cao trào, người ta sẵn sàng dâng hiến cho nhau cả cuộc đời còn chẳng tiếc nên ông Jose cũng không thỏa thuận rõ việc vay mượn và không yêu cầu người tình cam kết việc hoàn trả. Để rồi sau đó, ông Jose phải vất vả lao đao vì tình đã hết mà tiền thì vẫn chưa dứt điểm.
Hai người yêu nhau nhưng lại cách nhau nửa vòng trái đất như vậy nên khó tránh khỏi tình trạng “xa mặt, cách lòng”. Sau những giận hờn xa cách, tưởng rằng “hết giận lại thương”, không ngờ tình yêu của hai người đã diễn biến theo chiều hướng xấu, dẫn đến kết cục khó tránh khỏi là chia tay.
Khi tình yêu tan vỡ, ông Jose đòi bà Hằng món tiền trước kia đã chu cấp, giúp đỡ người tình nhưng bà Hằng không trả. Cực chẳng đã, người tình ngoại quốc kiện bà Hằng ra TAND TP.HCM để đòi nợ.
Trong đơn khởi kiện, ông Jose yêu cầu bà Hằng trả lại số tiền nêu trên với lý do đây là tiền bà Hằng mượn để kinh doanh và hứa trả sau một năm. Bà Hằng thừa nhận có nhận tiền của “người trong mộng” nhưng cho rằng ông Jose tự nguyện cho bà vì hai bên có tình cảm với nhau và dự định đi đến kết hôn; bà đã chi tiêu cá nhân và kinh doanh chứng khoán thua lỗ nên không còn và bản thân bà cũng không có nghĩa vụ phải trả.
Tại bản án sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên buộc bà Hằng phải có trách nhiệm trả cho ông Jose toàn bộ số tiền mà bà đã nhận vì cho rằng bà Hằng không chứng minh được số tiền đã nhận của ông Jose là do ông Jose cho, nên có căn cứ xác định số tiền mà ông Jose gửi cho bà Hằng là tiền cho mượn nên tuyên buộc bà Hằng phải trả lại.
Sau đó bà Hằng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do khoản tiền đó là quà tặng của tình yêu, hoàn toàn không có chuyện vay mượn, nợ nần nên không có nghĩa vụ phải hoàn trả. Tại phiên tòa phúc thẩm, TANDTC tại TP.HCM không chấp nhận kháng cáo của bà Hằng, tuyên y án sơ thẩm. Bà Hằng tiếp tục khiếu nại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.
“Bắc thang lên trời” đòi “tình phí”?
Vụ án trên sau đó bị Chánh án TANDTC kháng nghị giám đốc thẩm theo hưởng tuyên hủy toàn bộ án phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại từ đầu. Tại phiên họp giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hủy cả hai bản án; giao xét xử sơ thẩm lại theo hướng bà Hằng không phải trả lại khoản tiền “quà tặng tình yêu” vì đó không phải là tài sản vay mượn.
TANDTC căn cứ theo quy định tại Điều 512 Bộ luật Dân sự: “Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”. Theo quy định tại Điều 465 Bộ luật Dân sự: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận”. Các tài liệu mà ông Jose và bà Hằng xuất trình đều là các thư điện tử email. Trong các thư bà Hằng gửi cho ông Jose không có nội dung nào xác định việc bà Hằng nhận tiền là “mượn” tiền, cũng không có nội dung nào thể hiện bà Hằng xác định bà có nghĩa vụ trả tiền hay lẽ ra phải trả nhưng do khó khăn mà chưa trả được. Như vậy, ông Jose chưa có đủ chứng cứ để chứng minh đã cho bà Hằng mượn tiền. Trong các thư ông Jose gửi do bà Hằng xuất trình cũng không có nội dung nào thể hiện dứt khoát ý chí của ông Jose tặng cho bà Hằng số tiền đã gửi. Như vậy, bà Hằng cũng chưa có đủ chứng cứ chứng minh việc bà nhận tiền là từ hợp đồng tặng cho.
Vì các lẽ trên, TANDTC đã tuyên hủy bản án phúc thẩm và sơ thẩm; giao xét xử sơ thẩm lại từ đầu theo hướng bác yêu cầu của ông Jose, bà Hằng không phải trả lại khoản “tình phí” 40 ngàn đô la mà trước đó đã nhận.H.N“Vấn đề cốt lõi của vụ án này là Tòa án phải xác định thực chất hợp đồng dân sự trong vụ án là loại hợp đồng gì? Nếu là hợp đồng vay mượn tài sản thì phải có các dấu hiệu đặc trưng của loại hợp đồng vay mượn theo quy định của pháp luật, theo đó có nội dung quan trọng cần thiết là sự thỏa thuận về khoản vay, tiền lãi nếu có và thời điểm phải hoàn trả. Nếu là hợp đồng tặng cho, đương nhiên bên nhận không có nghĩa vụ phải hoàn trả.
Thực tiễn áp dụng pháp luật thấy rằng, không phải cứ không là quan hệ tặng cho thì sẽ là vay mượn. Nguyên tắc của tố tụng dân sự là đương sự phải tự chứng minh, nguyên đơn không chứng minh được việc cho vay thì sẽ bị Tòa án bác yêu cầu, mặc dù phía bị đơn cũng không chứng minh được họ được cho số tài sản đó vì thực chất họ không có nghĩa vụ phải chứng minh mình đã được tặng cho.
(Ý kiến của một thẩm phán TANDTC)