Theo AP, sau nhiều tháng liền trì hoãn và tranh cãi, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) cuối cùng cũng đã đạt được sự đồng thuận vào rạng sáng 24/9 về một giải pháp sâu rộng và toàn diện hơn đối với cuộc khủng hoảng di cư mà châu Âu đang phải đối mặt. “Khi đối mặt với một thách thức lớn, châu Âu không thể chỉ nói chúng ta sẽ không giải quyết tình hình. Điều này là hoàn toàn sai trái. Chúng ta phải cùng nhau tìm ra câu trả lời” – Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sau cuộc họp.
AFP dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk cho hay, tại cuộc họp diễn ra ở Brussels, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí huy động thêm 1 tỉ USD cho cơ quan về người tị nạn của Liên Hợp quốc và Chương trình lương thực thế giới nhằm giúp đỡ những người tị nạn ở các nước xung quanh Syria. Bên cạnh đó, Brussels cũng đã nhất trí tăng cường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan cùng một số nước ở khu vực Balkan nằm trên tuyến đường chính tới EU của người di cư, bao gồm việc tăng đáng kể viện trợ cho các nước này thông qua Quỹ Tín thác khu vực của EU.
“Chúng ta cần phải làm nhiều việc hơn nữa để ổn định tình hình ở các quốc gia và khu vực mà những người di cư sẽ tới đó” – Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố trước khi cuộc họp diễn ra. Trong bài phát biểu này, ông Cameron cho biết thêm rằng Anh cam kết sẽ hỗ trợ thêm 152 triệu USD cho các nỗ lực hỗ trợ người tị nạn đến từ Syria.
Tuy nhiên, ông Tusk cho hay, các nhà lãnh đạo EU cũng đã nhất trí tăng cường kiểm soát đường biên giới bên ngoài khối bằng cách tăng cường các nguồn lực bao gồm nhân lực và thiết bị từ các nước trong khối, để giúp cơ quan biên giới của châu Âu Frontex, Europol và các cơ quan khác của EU, thực hiện nhiệm vụ của họ trong việc đối phó với làn sóng người tị nạn. Bởi, theo Chủ tịch EU Donald Tusk, câu hỏi cấp thiết nhất mà khu vực hiện phải trả lời là làm thế nào để duy trì sự kiểm soát đường biên giới bên ngoài của khu vực.
Cũng tại cuộc họp diễn ra hôm qua, EU đã đi đến thống nhất về việc thiết lập các “điểm nóng” trung tâm tiếp nhận người di cư ở các nước tiền đồn có thể là Hy Lạp hoặc Italia để nhanh chóng phân loại người tị nạn xung đột và những người di cư kinh tế.
Cũng tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi đẩy mạnh nỗ lực do Liên Hợp quốc dẫn đầu nhằm chấm dứt chiến tranh ở Syria, vốn là nguyên nhân khiến khoảng 12 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Bên cạnh đó, Thủ tướng Đức Merkel cũng đã kêu gọi sự ủng hộ từ Mỹ, Nga và các nước Trung Đông khác trong việc xử lý triệt để các nguyên nhân đưa đến làn sóng người tị nạn.
Các biện pháp nói trên là một phần của nỗ lực chung của EU nhằm ngăn chặn dòng người di cư sang khu vực này trong bối cảnh đã có khoảng nửa triệu người di cư tìm đến châu Âu, khiến EU chia rẽ sâu sắc trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới II cho đến nay. Trước Hội nghị thượng đỉnh nói trên, ngày 23/9, các Bộ trưởng Nội vụ EU cũng đã buộc phải thông qua thỏa thuận phân bổ 120.000 người tị nạn. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo làn sóng lớn nhất của những người tị nạn và di cư vẫn còn phía trước.