Những chỉ đạo từ Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đã được Cục QLTT Đăk Nông xử lý kịp thời.
Báo cáo về vụ việc từ Đăk Nông cho thấy, Cục QLTT Đăk Nông đã chỉ đạo Đội QLTT số 3 phối hợp với Phòng cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) và Thanh tra Cục thuế tỉnh kiểm tra khi các đối tượng đang chào bán sữa bột Omega 369 Q10 ALASKA tại thị xã Gia Nghĩa.
Sản phẩm này được giới thiệu là của Trung tâm nghiên cứu phát triển dinh dưỡng quốc gia, chi nhánh Công ty TNHH Phát triển Dược phẩm Trường Thọ (ở địa chỉ 102 đường D1, khu phố Thống Nhất, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), sản xuất tại Công ty TNHH Dược phẩm Công nghệ cao Minh Chung có địa chỉ ở Khu công nghiệp Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Giá bán lên đến 485.000/hộp 400gam, 115.000/hộp 150gam.
Qua kiểm tra, xác minh thì thấy các đối tượng dùng hình thức tổ chức hội thảo, chào bán cho khách hàng bằng hình thức khách hàng đăng ký tên tuổi, số điện thoại và nhân viên sẽ giao hàng tận nơi cho khách hàng theo từng cụm. Đối tượng mà Công ty này nhắm đến đa phần là người cao tuổi.
Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng giao hàng nhưng không lập hóa đơn cho khách, xác minh ban đầu cho thấy có dấu hiệu vi phạm về ghi nhãn hàng hóa. Toàn bộ hàng hóa đã bị thu giữ ngay trước khi giao cho những người cao tuổi ở thị xã Gia Nghĩa.
Sau khi đấu tranh, làm rõ, các đối tượng khai nhận có tập kết hàng tại tổ 10 phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa. Kiểm tra kho hàng, đội QLTT số 3 thu được 1.170 hộp 400 gam và 3.936 hộp 150gam. Tổng giá trị sữa thu được (theo giá bán lẻ niêm yết) là hơn 1,1 tỷ đồng
Kiểm tra chất lượng sữa tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường 3 cho thấy, các mẫu sản phẩm dinh dưỡng sữa bột Omega 369 Q10 ALASKA có một số chỉ tiêu (hàm lượng protein, kẽm, Omega3 chỉ đạt mức từ 40% trở xuống) không phù hợp với mức quy định tương ứng mà Trung tâm nghiên cứu phát triển dinh dưỡng quốc gia, chi nhánh Công ty TNHH Phát triển Dược phẩm Trường Thọ đã công bố.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc thông tin qua đường dây nóng đã được Tổng cục QLTT chỉ đạo làm rõ.
Những cuộc gọi thử độ nóng của… hotline
Nguyễn Thị Diễm Mỹ, chuyên viên Văn phòng Tổng cục QLTT, người trực đường dây nóng của Tổng cục cho biết đã có rất nhiều cuộc gọi đến số hotline. Tất cả những thông tin này đều được cô ghi lại cẩn thận, chính xác và làm văn bản báo cáo để Tổng cục chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý.
Tuy nhiên, cũng có những cuộc điện thoại rất… trời ơi như gọi để thử xem đường dây nóng có… nóng thật không. My kể, có những hôm, nửa đêm thấy chuông báo của số hotline là cô lại hồi hộp nhưng cuối cùng lại đa phần là các cuộc gọi thử độ nóng của hotline.
Cũng có trường hợp, nhiều người biết mình bị lừa khi nhận được những thông báo nhận được giải thưởng của công ty ABC nào đó cũng gọi đến để tố cáo sự việc…
Đã có rất nhiều vụ việc gọi đến hotline của Tổng cục được xử lý như vụ bán xăng cao hơn giá trần mà Liên Bộ Công Thương - Tài chính quy định ở Quảng Bình; vụ bán mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, vụ bán hàng giả nhãn hiệu Adidas ở TP Hồ Chí Minh; Thậm chí, bán nông sản phá giá ở Bình Phước cũng được Tổng cục QLTT chỉ đạo, xử lý rốt ráo và ra các mức phạt theo quy định của pháp luật.
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, năm 2019, lực lượng QLTT đã có thêm một nguồn tin báo rất quan trọng. Đó chính là nguồn tin báo từ người dân thông qua đường dây nóng. Đây là nguồn tin cơ sở rất quan trọng vì muốn tìm ra được những tụ điểm, ổ nhóm, đường dây thì phải có thông tin qua đường dây nóng này.
Theo thống kê, số lượng tin báo về đường dây nóng có độ chính xác rất cao, đạt khoảng 60-70%. Nhiều trường hợp, nhận được tin nóng thì phải xử lý tức thời vì nếu chậm một chút thôi là để lỡ thông tin, sự việc. Do đó, theo ông Linh, xây dựng được cơ sở báo tin là nghiệp vụ rất quan trọng của lực lượng QLTT, phải xây dựng được lòng tin từ quần chúng nhân dân mới đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác nghiệp vụ.
Ông Trần Hữu Linh khẳng định, đường dây nóng của Tổng cục QLTT (1900.888.655) lúc nào cũng… nóng, bất kỳ một cuộc gọi nào của người dân cũng được phân loại, chỉ đạo xử lý. Ông khẳng định, thông tin từ người dân là một nguồn tin đóng góp tích cực trong công tác quản lý thị trường, giúp các cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều đường dây, ổ nhóm sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.