* Kỳ 1: Dưới mái đình làng Việt: Đình Thổ Tang – Nơi duy nhất nước Việt thờ ba chữ “Hòa Vi Quý”
“Hai vị thần cây” canh gác đình
Ngôi đình Tân Đông tọa lạc giữa một cánh đồng, mặt tiền được hai cây bồ đề to lớn tỏa bộ rễ chằng chịt níu giữ. Toàn bộ ngôi đình được bao bọc bởi hàng trăm búi rễ. Theo lời của các bậc cao niên trong làng, ngôi đình Tân Đông từng nhận được sự ưu ái của Thái hậu Từ Dũ (1810 – 1902) vì nơi đây là quê hương của bà. Theo đó, năm 1904 bà Từ Dũ đã cho dời ngôi làng từ khu vực hẻo lánh ra mảnh đất đắc địa ngày nay.
Tuy nhiên, do gặp thiên tai nên mãi đến năm 1907, ngôi đình mới được an vị tại địa điểm này. Để đảm bảo chất lượng và tính mỹ thuật, bà Từ Dũ đã cho mời thợ của Huế để vào đây thi công. Do vậy, những dấu tích chạm khắc còn sót lại trên các đầu cột kèo tại đình đều mang nét truyền thống của nhà rường Huế.
Phần chính điện vẫn được giữ nguyên bức tường có hai cây bồ đề bám vào. |
Qua lời kể của những vị cao niên trong làng, thời hoàng kim của ngôi đình gắn liền với những hội hè, lễ tế thu hút cả ngàn lượt người khắp cả vùng về hội tụ, vui chơi vào các ngày lễ hội trong năm.
Cách đây khoảng chừng hơn 30 năm ngôi đình lại xuất hiện 3 cây bồ đề mọc vươn cao lên trên đỉnh của ngôi đình, rễ cây của những cây bồ đề vươn ra bám vào tường, một số rễ chạy dài theo các rãnh khe nứt của đình trở thành cột, kèo chạy dọc, chạy ngang để giữ ngôi đình vững chắc.
Chính những rễ cây này đã trở thành cột, thành kèo chạy dọc, chạy ngang để giữ vững ngôi đình tồn tại đến hiện nay. Một số rễ chạy dài theo các rường của mái đình, tạo thành những giá đỡ song song để phần mái, cột đã mục đến 8/10 vẫn không bị sụp xuống. Sau khi một cây bị mất, hai cây bồ đề được người dân giữ lại và canh chừng cẩn thận. Với người dân nơi đây, bồ đề được xem như hai cây thần vừa canh gác đình vừa làm nhiệm vụ nâng đỡ đình vượt qua thời tiết khắc nghiệt, gió bão triền miên.
Đình Tân Đông thờ vị thần nào?
Theo như nhiều bậc cao niên nhận định rằng ngôi đình có từ thời vua Minh Mạng. Nhưng kiến trúc hoa văn và họa tiết khắc nổi trên đình lại mang đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn. Nội thất của đình theo lối nhà rường bằng gỗ ba gian hai chái, những mảng đục chạm ở đây được thể hiện vô cùng tinh xảo và đẹp mắt, tinh xảo.
Gian giữa của đình là bệ thờ cổ, trên đó có chữ Thần mới được viết lại bằng sơn vàng trên nền đỏ. Bốn góc đình là bốn chữ Tiền vãng, Hậu vãng. Hai gian bên thờ Tả ban, Hữu ban. Trên đầu hồi còn những bài thơ chữ Hán đã mờ. Phía sau tường chánh điện có một bệ thờ được xây áp vào với hai bên là câu đối chữ Hán không còn đọc được rõ.
Công trình độc đáo có niên đại hơn 100 năm. |
Mặt tiền của đình là năm cửa vòm theo kiểu châu Âu, gian giữa cửa lớn, các gian bên nhỏ dần. Vòm cửa giữa được đắp hình cuốn thư nhỏ, đề 1907. Ở một cây cột bên cửa chính lộ ra khoảng trống giữa đám rễ cây có ba chữ đầu của một vế đối “Bị thánh trạch…”, nghĩa là ân thánh bao trùm.
Kiến trúc mái bằng ba gian ở phía trước đình được sử dụng làm nơi hát bội mỗi khi diễn ra lễ hội. Đối diện với kiến trúc này là bệ thờ lớn, có hai chữ Thần Nông, hai bên tả hữu có miếu thờ Thổ thần và Ngũ hành, cùng kiểu mái bằng.
Sau nhiều năm đình Tân Đông xuống cấp nghiêm trọng do không có nguồn vốn để sửa chữa thì vào năm 2020, đình đã được trung tu, sửa chữa. Sau khi trùng tu, ngôi đình vẫn giữ được nét riêng, độc đáo của đền chính là hai gốc cây bồ đề bám chặt vào bức tường phần chính điện. Đơn vị trùng tu đã cắt tỉa tạo dáng sao cho gốc rễ bồ đề không ăn vào các chi tiết, xử lý chống thấm và chống xuống cấp công trình. Theo nhiều người ngôi đình Tân Đông rất linh thiêng, ai cầu cũng linh ứng, phụ nữ ít khi dám vào, trừ khi đến cúng bái, cầu xin.
Bên trong đình Tân Đông. |
Người dân ở ấp Tân Đông từ lâu nay vẫn cho rằng đình Tân Đông là nơi thờ Tả quân Lê Văn Duyệt (1763 hoặc 1764– 28/8/1832). Ông là một trong các chỉ huy chính của quân đội chúa Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với Tây Sơn. Tuy nhiên, theo một bài viết trên báo Công an Nhân dân của tác giả Nguyễn Phan Khiêm thì thông tin này có nhiều điều không hợp lý. Tả quân Lê Văn Duyệt là một nhà chính trị, quân sự tài giỏi, đại công thần của nhà Nguyễn. Tuy nhiên, dưới triều vua Minh Mạng, ông và nhà vua có nhiều bất đồng, xung đột.
Đêm 30/7 năm Nhâm Thìn (1832), Tổng trấn Lê Văn Duyệt qua đời, thọ 69 tuổi. Triều đình truy tặng ông chức “Tá vận công thần đặc tấn Tráng võ tướng quân – Tả Quân đô thống phủ Chưởng phủ sự, Thái bảo Quận công. Nhưng không lâu sau đó, triều đình đã hạch tội Lê Văn Duyệt, bắt bớ tôi tớ của ông.
Phải đến triều vua Thiệu Trị, Tả quân Lê Văn Duyệt mới được minh oan. Do đó, đình Tân Đông không thể được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng để thờ Tả quân Lê Văn Duyệt, và càng không thể có sắc phong.
Những chùm rễ hai gốc cây bồ đề bám chặt lấy từng trụ cột của ngôi đình. |
Cũng theo tác giả Nguyễn Phan Khiêm, căn cứ vào bốn kỳ lễ trong năm của đình Tân Đông thì có lễ cầu Ông vào ngày 16/11 (Âm lịch) là một căn cứ qua trọng để biết người dân “cầu Ông” là cầu ông nào, vị thần được thờ ở đình là ai.
“Tả quân Lê Văn Duyệt mất đêm 30 tháng Bảy, thường giỗ vào ngày 1 tháng Tám, như vậy thêm một căn cứ để biết nơi đây không thờ Lê Văn Duyệt. Tra cứu các ngày lễ gắn liền với nhiều vị thần được thờ ở Nam Bộ như Trương Định, Thủ khoa Huân, Võ Tánh… thì đều không có ai trùng với ngày lễ cầu Ông ở Tân Đông, trừ Đốc binh Kiều”, tác giả Nguyễn Phan Khiêm nhận định.
Đốc binh Kiều (? - 1886) có tên là Nguyễn Tấn Kiều trong dân gian gọi tôn là Quan Lớn Thượng. Ông là Phó tướng của Võ Duy Dương trong cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Đồng Tháp Mười vào nửa cuối thế kỷ 19 tại Việt Nam. Tương truyền Đốc binh Kiều là người miền Trung di cư vào Nam lập nghiệp ở huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường, về sau đổi thành huyện Cai Lậy thuộc tỉnh Mỹ Tho (ngày nay là tỉnh Tiền Giang).
Sau khi thành Gia Định thất thủ (1859), ông đến Gia Định đầu quân cho Võ Duy Dương tức Thiên hộ Dương, được phong Đốc binh và trở thành Phó tướng cùng nhau chiến đấu chống thực dân Pháp. Nghĩa quân dưới sự dẫn dắt của Tả quân Lê Văn Duyệt đã lập được nhiều chiến công khiến giặc Pháp điêu đứng.
Khi Đốc Binh Kiều mất, nghĩa quân mang thi hài ông về chôn cất tại nền đồn Trung ở Gò Tháp, đồng thời cũng làm vài ngôi mộ giả để nghi trang. Hiện nay, ở Gò Tháp có đền thờ chung, thờ ông và chủ tướng Võ Duy Dương. Và hàng năm, từ chiều 14 đến rạng sáng 16/11 (Âm lịch), đều có tổ chức lễ hội để tưởng niệm.
Trong dân gian còn lưu truyền bài thơ ca ngợi ông như sau: “Vì nước quên mình bởi chữ trung/ Thương dân chi sá chốn sình bùn/ Mấy năm Đồng Tháp danh vang dội/ Cọp rống ngoài truông, cáo hãi hùng/ Hai thước im lìm nơi thạch động/ Đồng bào tưởng nhớ đứng thờ chung/ Nỗi lòng nghỉ đến nhiều năm trước/ Hương lửa đều không cảnh lạnh lùng”.
Dù chưa có kết luận cuối cùng từ các nhà nghiên cứu và cơ quan văn hóa địa phương về việc đình Tân Đông đang thờ tự vị thần nào. Nhưng dù đó có là ai thì cũng là người có công với nhân dân, được người dân địa phương ca tụng, biết ơn và tôn thờ hàng trăm năm qua.
(Còn nữa)