Động thái này thể hiện sự nghiêm minh và tác động lớn đến những cán bộ đang nắm giữ những cương vị quan trọng cần phải cẩn trọng và có trách nhiệm với công việc lãnh đạo cũng như điều hành, đặc biệt trong quản lý kinh tế, xây dựng.
Tuy nhiên, chịu trách nhiệm, phải trả giá cho những sai lầm của mình trong quá khứ chỉ có ý nghĩa là bài học kinh nghiệm cho hiện tại, bởi những hậu quả mà họ gây ra không thể khắc phục được nữa. Cái đích nhắm đến là siết chặt kỷ cương đội ngũ cán bộ đương thời và để những sai lầm tai hại tương tự không thể tái diễn.
Mặt khác, chịu trách nhiệm trong quá khứ thì phải tạo ra tâm thế có trách nhiệm đối với tương lai. Chẳng hạn, “không đổi môi trường để phát triển kinh tế” là một phương châm ứng xử với tương lai. Gần đây, hai vụ phá rừng tự nhiên để nuôi bò và phá rừng phòng hộ làm sân gôn xảy ra ở Phú Yên không những làm dư luận bất bình mà các vị nguyên lãnh đạo tỉnh này cũng yêu cầu phải xử lý đến nơi đến chốn.
Chỉ nhìn vào sự diễn biến của 2 vụ này ở một địa phương thôi cũng đủ để thấy cách quản lý hời hợt và sự xử lý nhẹ tay như thế nào, hẳn rằng những người chịu trách nhiệm về việc này không sợ phải chịu trách nhiệm quá khứ và cũng chẳng có trách nhiệm với tương lai.
Vụ việc bị phát hiện đều là chưa được cấp phép, được giải thích là do “nóng vội”, “kịp cho cuộc thi hoa hậu”, đã xử lý bằng cách “rút kinh nghiệm sâu sắc” và cho triển khai tiếp tục,... thậm chí cả những lời vu khống đối với nhóm phóng viên phanh phui sự việc này.
Đối phó với dư luận như vậy, tỏ rõ “cái tâm, cái tầm” của người quản lý và trong một thái độ coi thường dư luận, người ta còn đến tận chỗ phá rừng trao giấy khen và khích lệ đơn vị thi công đã có thành tích làm trụi hơn 100 ha rừng phòng hộ.. Hiện tại, có đến 4 cơ quan khác nhau từ Trung ương đến để kiểm tra, thanh tra việc này.
Hầu hết các dự án có vấn đề bị phát hiện thì mới phanh phui ra hoặc là chưa được cấp phép, hoặc là đánh giá tác động môi trường chưa đầy đủ, hoặc nhập thiết bị cũ theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”... Thế nhưng, những người chịu trách nhiệm, có chức năng quản lý lĩnh vực hầu như vô can trong chuyện này, tình trạng “tiền trảm, hậu tấu” vẫn xảy ra thường xuyên, vai trò quản lý ở đâu?
Các dự án, công trình xây dựng để xảy ra những việc khuất tất, vi phạm pháp luật không bị xử lý đến nơi đến chốn, dư luận cho rằng có “chống lưng”, có “thế lực đằng sau”. Ai “chống lưng”, ai đứng đằng sau thì sự nghiêm minh đòi hỏi phải vạch mặt, chỉ tên kịp thời chứ khi đã là “trách nhiệm quá khứ” thì tình trạng đã khó có thể vãn hồi.
Sự nghiêm minh trong việc siết chặt kỷ cương đội ngũ cán bộ không chỉ là mang lại niềm tin cho nhân dân vào chế độ mà còn tạo ra những con người có trách nhiệm với tương lai đất nước!