Đảng viên có sai phạm phải bị xử lý
Trao đổi với Tiền Phong, một nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho biết, về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban chấp hành T.Ư đã có quy định số 30- QĐ/TW: Thi hành chương VII và VIII điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Theo đó, đảng viên sau khi chuyển sinh hoạt đảng sang tổ chức đảng mới, nếu phát hiện hoặc bị tố cáo có vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì do tổ chức đảng cấp trên của các đảng bộ nơi quản lý đảng viên trước đây và hiện nay xem xét, xử lý.
Việc kiểm tra, xem xét, xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm được tiến hành ở các tổ chức đảng hiện đang quản lý đảng viên đó. “Tức là khi anh đã nghỉ hưu rồi mà phát hiện khi còn đương chức vi phạm thì vẫn bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng”, vị này nói.
Nói thêm về trường hợp gần đây nhất là ông Vũ Huy Hoàng bị cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2016, vị này cho biết, ông Hoàng không còn chức vụ đó nữa thì không còn quyền lợi về mặt chính trị.
“Ông Hoàng không còn được hưởng một số quyền lợi như không còn được giới thiệu trong lý lịch của mình là nguyên bộ trưởng. Trong lý lịch bản thân không còn là nguyên bộ trưởng. Phải xóa hết cái đó. Về mặt danh dự của chức vụ từng nắm giữ cũng bị xóa”, ông nói.
Nhận định thêm, vị này cho rằng, quy định này thể hiện tính nghiêm minh của Đảng. “Ví dụ như bên Nhà nước thì những vi phạm hành chính chỉ sau 24 tháng mà phát hiện ra là không xử lý nữa. Thậm chí một số tội phạm hình sự sau một thời gian nhất định không phát hiện ra thì cũng thôi, trừ một số tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia.
Nhưng với Đảng thì không có chuyện quy định thời hiệu bao nhiêu năm phát hiện thì sẽ không bị xử lý. Điều này thể hiện tính nghiêm minh của Đảng. Cái này để khắc phục tư duy nhiệm kỳ, hạ cánh an toàn. Bây giờ không có chuyện đó nữa. Bây giờ nếu hạ cánh rồi nhưng sau này phát hiện ra thì vẫn phải xem xét xử lý”, vị này nói.
Phải bồi hoàn những cái đã được hưởng?
Phân tích về Quy định 30 của Ban chấp hành T.Ư Đảng, ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng, vấn đề cách chức nguyên lãnh đạo thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng là không có vùng cấm, không có vùng trống, không có sự nể nang, sai phạm đến đâu xử lý đến đó.
Tất cả đã thể hiện trong quy định của Đảng. Khi cách những chức không còn nữa, thì ngoài ý nghĩa về mặt danh dự còn có ý nghĩa khác.
“Danh dự này tức là anh không giữ được chức, không được ghi nhận nữa. Châm ngôn có câu mất tiền là mất ít, mất danh dự là mất nhiều, mất lòng tin là mất hết. Người tuy đã nghỉ hưu rồi nhưng mà bị xử lý thì thứ nhất là mất danh dự, thứ hai là mất lòng tin. Đó là tổn thất rất lớn với người đó”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh đến quy định “Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không được xử lý nội bộ. Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi hoàn” trong quy định 30 của Ban chấp hành T.Ư Đảng.
Ông Hùng cho rằng, đây là vấn đề đặt ra cho thực tiễn. Những người bị cách chức nguyên lãnh đạo mới bị xử lý sai phạm về mặt Đảng nhưng còn về mặt nhà nước là bồi hoàn những tổn thất. “Vậy phải có những quy định mới, bồi hoàn như thế nào để khả thi. Chứ nếu một quy định không sát thực tế thì không khả thi. Nhưng rõ ràng phải bồi hoàn”, ông Hùng nói.
Ông Hùng phân tích thêm, những người bị xử lý kỷ luật cách chức nguyên lãnh đạo phải bồi hoàn lại tất cả những chế độ được hưởng khi đương chức. “Ví dụ như tôi là bộ trưởng mà bị cách chức. Ví dụ trong 5 năm, thì phải xem trong thời gian đó, tôi hưởng lương gì, hưởng phụ cấp, trợ cấp gì. Ngoài chuyện mất danh dự rồi còn phải trả cái đó. Tức là có hồi tố cái đó”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, về lương thì dễ, nhưng tiêu chuẩn bộ trưởng được rất nhiều quyền lợi như sử dụng các phương tiện... Cần phải làm chi tiết chuyện này chứ chưa nói đến chuyện phải bồi hoàn những tổn thất gây ra cho lĩnh vực, tổ chức. Ông cũng cho rằng, phải xem xét lại lương hưu của những người bị xử lý kỷ luật.
“Mỗi người khi về hưu thì tính theo số % lương khi đương chức. Nếu sai phạm, bị cách chức thì một là phải đền bù, hai là phải tính lại. Nên các cơ quan bảo hiểm lúc này cũng phải vào cuộc. Nói để thấy sự việc này, nếu chỉ nghĩ đến việc cách đi cái chức “nguyên” thì quá đơn giản.
Đằng sau đó mới thể hiện được tính nghiêm minh, tính thực tiễn, sát thực của quyết định này. Như thế cũng là một nhắc nhở với những người bị xử lý, đừng nghĩ là đã yên ổn đâu”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, từ thực tiễn hiện nay phải không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật để kiểm soát quyền lực, để thực hiện cái mà bấy lâu nay dư luận nói là không thể, không dám, không muốn. “Xưa nay, có những sai phạm được cho là không thể, không dám, không muốn. Làm cương quyết để khắc phục được ba cái đó”, ông Hùng nói.