Không thể không nhìn nhận, những năm vừa qua, đạo Phật đã có sự phát triển mạnh mẽ ở nhiều góc độ. Trong hoạt động từ thiện, mỗi một năm, con số mà Phật giáo đóng góp cho xã hội hơn 10 nghìn tỉ đồng. Trong hoạt động tinh thần, hàng ngàn, chục ngàn khóa tu mỗi năm dành cho nhiều đối tượng như trung niên, người già, sinh viên, học sinh… đã góp phần đem đến những lối sống lành mạnh, suy nghĩ tích cực hơn, xoa dịu nhiều khổ đau cho những người bất hạnh…
Tuy nhiên, đây đó vẫn có những “con sâu” với hành vi thiếu chuẩn mực làm ảnh hưởng đến uy tín của hoạt động Phật giáo. Đó là những hoạt động cúng bái, kêu cầu, hoạt động mê tín dị đoan núp bóng Phật giáo.
Đó đây, còn những ngôi chùa, những cá nhân khoác áo tu hành có hành xử vi phạm đạo đức, tôn chỉ Phật giáo, khiến nhiều người có cái nhìn không thiện cảm về Phật pháp. Câu hỏi “Đức Phật đang ở đâu” được đặt ra trong bối cảnh như thế. Khi mà nhiều người vẫn hoang mang về con đường đi hiện tại của các vị tăng ni Phật giáo, về Chánh pháp, chánh đạo…
Phật là giá trị minh triết, Phật ở trong tâm
Trả lời câu hỏi “Đức Phật đang ở đâu”, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM cho biết: “Câu hỏi này có lẽ cần được tiếp cận ở 3 góc độ. Về phương diện lịch sử, Đức Phật ra đời ở Lumbini, Nepal.
Sau khi ngài qua đời vào năm 544 trước Tây lịch, di thể của Đức Phật, hay còn gọi là xá lợi, hiện nay còn được ở 3 tháp: Tháp xá lợi ở Sarnath đã được thả xuống sông Hằng. Một xá lợi được tôn trí tại Viện bảo tàng quốc gia New Delhi và một xá lợi đang được tôn trí tại Viện bảo tàng Patna. Nếu đứng từ góc độ nhân chủng học, di thể Đức Phật vẫn còn ở Ấn Độ.
Về phương diện triết lý có hai trường phái khác nhau lý giải. Nhưng tóm lại, Đức Phật sẽ có mặt không nơi này thì nơi khác, không hành tinh này thì hành tinh khác có sự sống con người, bằng sự phát nguyện của lòng từ bi.
Về phương diện thứ ba, tôi muốn nói đến giá trị Phật. Giá trị Phật ở đây chính là giá trị minh triết, giá trị chuyển hóa và giá trị trị liệu. Có lẽ, cái mà nhiều người đang quan tâm hiện nay là các giá trị ấy có đang tồn tại trong các ngôi chùa với diện tích to và nhỏ, nổi tiếng hay không nổi tiếng? Đó là một câu hỏi rất thú vị đưa đến nhiều quan điểm, nhiều tranh cãi quanh đạo và đời”.
“Phật ở trong tâm chứ Phật ở đâu xa” – đó là lời khẳng định của TS. Bùi Hữu Dược là người đã có nhiều năm gắn bó, nghiên cứu về Phật giáo cũng như đảm trách nhiệm vụ quản lý nhà nước về Phật giáo trong vai trò là Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ.
Theo TS. Bùi Hữu Dược, dân gian có rất nhiều quan niệm về Phật giáo khác nhau, có người cho rằng, Phật tại tâm, chỉ cần tu tâm thiện, dưỡng tính lành, hành động tốt đó là Phật. Cũng có người cho rằng, Phật ở trên chùa, Phật có ở những nơi tôn nghiêm, tôn kính và Phật phải ngự trên cao. Những quan niệm đó xuất phát từ chính cách nhìn nhận, nhận thức và sự trải nghiệm của mỗi con người.
Theo TS. Bùi Hữu Dược, chúng ta hãy trở về với dân tộc Việt hơn 700 năm trước khi Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo chống gậy trúc khuyên dân dẹp bỏ mê tín dị đoan và khuyên dân lấy Phật giáo làm gốc của đời sống xã hội. Ngài nói rằng, Phật tại tâm, tâm lành, tính thiện chính là Phật.
Ảnh minh họa |
Vì thế, hiểu lời dạy của Phật hoàng, mỗi người hãy nhận diện và bằng việc làm của mình để sống thiện với chính mình, với gia đình, với xã hội, đoàn kết và hạnh phúc. Đó chính là trong mỗi người, trong mỗi nhà, trong mỗi xã hội có Phật.
Tuy nhiên, để xã hội có Phật, để mỗi cá nhân có Phật thì phải có môi trường để giáo dục Phật pháp. Đó là các nhà sư, những người tu hành chân chính và gương mẫu. Đó là những ngôi chùa, những nơi cơ sở thờ tự tôn nghiêm.
Có chùa, có sư thì Phật pháp mới được lan truyền. Thế nên xưa các cụ đã nói là Phật giáo có Tam bảo bao gồm có Phật – có Pháp – có Tăng. Phật thì đã nhập Niết Bàn, Pháp là kinh sách, giáo lý, chùa cảnh, Tăng là những tăng sĩ gương mẫu sống đời phẩm hạnh để hướng con người đến với Phật pháp.
Ba yếu tố đó hết sức quan trọng trong đời sống Phật giáo và người nào có đủ điều kiện để gặp gỡ ba yếu tố đó thì càng quý, nếu không thì hãy dùng năng lực của mình mà hướng tới tâm lành, tính thiện. Đó chính là Phật ở trong tâm chứ không ở đâu xa.
Chùa nhỏ, tượng nhỏ có kém thiêng?
Chùa to, tượng lớn hay chùa nhỏ, tượng nhỏ thì ở đó đều thờ Phật, đều là môi trường giáo dục Phật pháp, theo TS. Bùi Hữu Dược. Tuy nhiên, trong đời sống của con người và trong thực tiễn của xã hội, giá trị của chùa to, tượng lớn sẽ để lại nhiều ảnh hưởng hơn chùa nhỏ, tượng nhỏ vì ngoài việc thể hiện sự vĩ đại về tầm vóc thì nó còn thể hiện sự vĩ đại của khát vọng con người.
Bởi vì phải có lòng hướng thiện, tâm khát khao, con người đóng góp cùng nhau để xây dựng chùa to, tượng lớn để người đời nay và đời sau chiêm ngưỡng. “Lấy ví dụ đơn giản thế này, một bát gạo nuôi sống một người, một cân gạo nuôi sống nhiều người, một tấn gạo nuôi sống cả trăm người. Gạo vẫn chỉ là gạo, nhưng số lượng đã tạo nên sự thay đổi lớn hơn.
Tương tự, một cái nhẫn vàng, một lượng vàng, và một núi vàng thì tất thảy đều là vàng duy chỉ khác nhau ở khối lượng. Nhưng chính sự khác nhau về khối lượng này quyết định giá trị ảnh hưởng của nó.
Trên đây chỉ là những so sánh về mặt giá trị ảnh hưởng, còn nếu nói chùa to, tượng lớn thiêng hơn chùa nhỏ, tượng nhỏ thì hoàn toàn không phải vì sự linh thiêng bắt nguồn từ tâm linh con người như lời các cụ xưa đã dạy “Linh tại ngã, bất linh tại ngã” – linh thiêng hay không là do mình, ở mình. Và một điều nữa cũng cần lưu ý rằng chùa to, tượng lớn hay chùa nhỏ tượng nhỏ đều thiêng vì cùng là kính Phật” – TS. Bùi Hữu Dược nhấn mạnh.
Ảnh minh họa |
Trả lời cho câu hỏi về “giá trị” Phật hiện có ở trong các ngôi chùa, trong những người tu hành, đặc biệt là trong những nơi, những người đang bị chi phối bởi cuộc sống vật chất hiện đại, Thượng tọa Thích Nhật Từ lý giải, bản chất Phật tính có mặt bên trong mỗi người. Như Đức Phật nói: “Ta là Phật đã thành, còn người là Phật sẽ thành”.
Nếu ở góc độ như thế, các ngôi chùa, dù chưa làm đúng với sứ mệnh, chức năng của mình thì tương lai cũng sẽ thành chùa chân chính. Vì vẫn có tiềm năng phụng sự và “chất liệu Phật” vẫn ở đó chứ không mất đi.
Ở một giai đoạn nào đó, vị trụ trì, hoặc tăng ni chưa phát huy hết 3 giá trị Phật nói trên thì ngôi chùa đó mất đi, hoặc giảm bớt khả năng nhập thế, giảm bớt giá trị phụng sự nhân sinh, nhưng chất Phật không mất đi.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, không nên dùng một vài hiện tượng để đánh giá cả bản chất vấn đề. Không thể vì một vài ngôi chùa, một vài tăng ni chưa làm đúng với chủ trương của đạo Phật, chưa phục vụ nhân sinh mà chỉ dừng lại ở hoạt động mang tính hình thức mà phê phán toàn bộ là không công bằng.
Bất cứ tổ chức nào, từ chính trị, xã hội, tôn giáo… đều có những con người bất toàn, cũng có những sinh hoạt chưa phù hợp với chủ trương hoạt động của người sáng lập ra nó. “Theo tôi, khi nói về hiện tượng, không nên vơ đũa cả nắm, cố chấp vào chủ nghĩa cầu toàn mà nên có cái nhìn thoáng rộng, chỗ nào sai thì điều chỉnh, chỗ nào tốt thì phát huy.
Ở nơi nào, ngôi chùa nào chưa làm đúng tinh thần Phật giáo, nơi đó người đứng đầu phải chịu sự phê phán, chịu trách nhiệm, nỗ lực để khắc phục. Để rồi từ đó chủ trương nhập thế, phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo, sáng soi đạo pháp, lợi quốc an dân của Phật giáo càng được phát huy cao nhất. Ở góc độ đó, tôi tin rằng “chất Phật” sẽ có mặt ở trong mọi người, ở khắp mọi nơi”, Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ.