Lời khẩn cầu của người cha khốn khổ
Khi bị cáo Nguyễn Xuân Tú (SN 1979, ngụ xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) vừa được áp tải xuống xe và vào phòng xử án, người ta đã thấy cặp mắt ngấn nước mắt của y. Nhiều tiếng thút thít cũng bắt đầu phát ra từ những người ngồi hàng ghế dự khán. Họ chỉ biết nhìn nhau và khóc, bởi bị cáo và những người liên quan được mời tham dự tòa là anh em một nhà. Dù phiên tòa không có lòng thù hận ghen ghét nhưng bao trùm không khí đau thương.
Ngồi ở bục khai báo, Nguyễn Xuân Tú luôn ôm mặt khóc, lộ rõ vẻ mệt mỏi, đau buồn. Có lẽ những ngày qua đối với Tú đã là một cực hình khi biết được sự thật mình đã mãi mất đi người mẹ. Để trấn an tinh thần bị cáo, vị chủ tọa nhắc nhở: “Tôi biết đây là một vụ án đau lòng. Tuy nhiên, để việc xét xử diễn ra được khách quan, đảm bảo cho việc luận tội và đưa ra mức án phù hợp với quy định của pháp luật, đề nghị bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại kiềm chế xúc động, khai báo thành khẩn, trung thực”.
Phiên tòa bắt đầu, hành vi của bị cáo Tú một lần nữa được nhắc lại sau nhiều tháng tưởng như đã lắng yên. Theo đó, tối 6/10/2020, sau khi uống rượu về, giữa Nguyễn Xuân Tú và bà Bùi Thị L. có nảy sinh cãi vã, thách thức nhau. Khi bà L. đi ra sân thì bị Tú cầm dao chém liên tiếp nhiều nhát vào người khiến nạn nhân gục xuống.
Biết mình đã ra tay sát hại mẹ, Tú nằm xuống, ôm mẹ khóc than. Sau đó, Tú chạy vào trong nhà, dùng 1 con dao khác tự đâm vào bụng mình tự tử. Khi vợ của Tú phát hiện ra sự việc thì mọi chuyện đã muộn. Nạn nhân được kết luận tử vong do đa vết thương dẫn đến mất máu cấp. Còn Tú sau khi dùng dao tự đâm vào bụng đã được mọi người đưa đi cấp cứu kịp thời, sau đó bị bắt giữ.
Đại diện hợp pháp của người bị hại cũng là anh chị em của bị cáo đến tham dự tòa đều hiện rõ sự đau đớn. |
Bị truy tố và đưa ra xét xử về tội Giết người, bị cáo Nguyễn Xuân Tú liên tục khóc, thể hiện sự hối hận. Vị luật sư bào chữa cho bị cáo trình bày trước tòa: “Do tuổi cao, mắc trọng bệnh, sức khỏe yếu lại vừa trải qua cú sốc tinh thần quá lớn nên ông Nguyễn Xuân Hải - cha của bị cáo, cũng là chồng của bị hại không thể có mặt tại phiên tòa hôm nay được.
Trước khi phiên tòa diễn ra, ông Hải có gọi điện cho tôi, nhờ chuyển lời đến HĐXX. Ông mong HĐXX xem xét cho hoàn cảnh của bị cáo các con còn thơ dại để đưa ra một mức án nhẹ, cho bị cáo sớm được trở về cùng với vợ chăm sóc, dạy dỗ các con”.
Nghe những lời khẩn cầu của người tha thông qua vị luật sư khiến những đứa con ngồi tham dự tòa của ông khóc sụt sùi. Tú cùng bật khóc nức nở vì chính mình là kẻ đã tước đi mạng sống của mẹ.
Bài học đắt giá từ rượu
Sau nhát dao tự kết liễu đời mình bất thành, một đoạn ruột của bị cáo Tú cũng bị đứt, không thể thực hiện chức năng bài tiết như bình thường. Các bác sỹ phải tạo cho Nguyễn Xuân Tú 1 hậu môn nhân tạo, chất bài tiết được đưa ra ngoài theo đường ấy và tích tụ vào chiếc túi mang lủng lẳng bên hông. Suốt phiên xử, bị cáo Tú nhiều lần đưa tay ôm bụng để dịu bớt sự đau đớn do vết thương tự mình gây ra. Bị cáo cho hay, vết thương đó cũng khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều.
Trước câu hỏi về nguyên nhân vụ án mạng, bị cáo Tú cho rằng thời điểm gây án do say rượu nên không nhớ cụ thể. Người đàn ông này cũng phủ nhận việc việc giết mẹ là có động cơ, mục đích mà cho rằng lúc đó do rượu nên không kiểm soát được hành động của mình.
“Bị cáo say quá nên không nhớ được gì. Sau này tỉnh rượu, được nghe kể lại mới biết mình giết mẹ”, bị cáo Tú bật khóc nức nở. Vị hội thẩm dân nhân nghiêm khắc: “Bị cáo đừng đổ lỗi cho rượu. Rất nhiều vụ án đau lòng, thậm chí anh em trong nhà sát hại nhau vì rượu. Bị cáo không lấy đó làm bài học cho bản thân mà khi uống rượu say lại đi chửi bới, gây sự, thách thức rồi giết mẹ mình. Bị cáo phải nghiêm khắc nhìn lại bản thân mình”. Nghe những lời nhắc nhở của vị hội thẩm, Tú cúi mặt xuống…
Vợ của bị cáo cũng như những người anh, chị có mặt tại tòa đều khẳng định quan hệ giữa mẹ con Tú là bình thường, không có mâu thuẫn gì. Tú là con thứ 4 trong gia đình có 6 anh chị em. Do hoàn cảnh khó khăn nên Tú chỉ học hết lớp 3 rồi nghỉ và chọn công việc tay chân nặng nhọc để mưu sinh. Cách đây hơn chục năm, Tú lập gia đình với người phụ nữ ít hơn 6 tuổi. Dù không phải là con trai cả nhưng Tú nhận trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ.
Anh chị em trong nhà đều ghi nhận sự hy sinh, chịu khó của Tú. Tuy vậy, họ không hiểu vì sao hôm đó Tú lại ra tay máu lạnh với chính mẹ của mình. Một người chị của bị cáo sụt sùi phát biểu: Bình thường em ấy cũng rất chăm chỉ làm lụng, chăm lo cho cha mẹ già và nuôi 3 đứa con nhỏ. Việc cậu gây ra, pháp luật khó dung thứ nhưng mong HĐXX xem xét, cho cậu một mức án nhẹ để sớm được trở về chăm sóc cha và nuôi dạy các cháu.
Nhận được sự bao dung của đại diện bị hại, Tú bật khóc, cúi đầu xin lỗi cả gia đình. Trong lời nói sau cùng, bị cáo xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về phụng dưỡng cha già, lo hương khói cho người mẹ đã khuất và bù đắp lỗi lầm cho vợ con, gia đình.
HĐXX nhận định trong vụ án này mặc dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ (thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đại diện hợp pháp của người bị hại có đơn xin giảm án), tuy nhiên, hành vi của Nguyễn Xuân Tú là đặc biệt nghiêm trọng, giết hại mẹ của mình, gây bức xúc trong dư luận do đó cần phải đưa ra một bản án tương xứng với hành vi phạm tội, đủ sức răn đe và phòng ngừa chung. Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Xuân Tú 20 năm tù về tội “Giết người”. Về phần dân sự, do đại diện bị hại không yêu cầu nên tòa không xem xét.
Bản án được tuyên, vợ và các anh chị của bị cáo bật khóc thành tiếng. Nguyễn Xuân Tú ôm bụng lê bước ra khỏi phòng xét xử để về trại giam, đợi ngày thi hành án để chuộc lại lỗi lầm đã gây ra với mẹ và gia đình mình. 20 năm nữa, liệu người cha khốn khổ có đợi được Tú về tạ tội và báo hiếu.