“Cuộc chiến” giành quyền nuôi con
Đến phiên tòa từ khá sớm, chị Đặng Thị Hoàn (SN 1987, ngụ phường Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ngồi lặng lẽ trong khán phòng trống trơn. Trong khi chờ đợi, chị lôi ảnh bé gái khá bụ bẫm, đôi mắt tròn đen láy, môi chúm chím cười ra ngắm.
Thấy có người, chị vội đứng dậy nhưng lại buông thõng ánh mắt thất vọng. Bước ra ngoài cửa sổ, người phụ nữ đứng lặng một hồi rồi vui vẻ khi thấy cô bé buộc tóc hai bên được bố và bà nội dẫn vào.
Vợ chồng chị Hoàn ngồi cùng hàng ghế nhưng cả hai đều chọn cho mình nơi khá xa người còn lại. Giữa hai người là đứa bé vẫn vô tư cười đùa. Dù đã vượt qua khoảng cách địa lý hàng trăm cây số để đến với nhau, nhưng họ đã không giữ được hạnh phúc.
Sống chung với bố mẹ chồng khoảng 3 năm, vợ chồng trẻ thuê một cửa hàng nhỏ ở Phú Diễn buôn bán. Được khoảng 1 năm, giữa hai người phát sinh nhiều mâu thuẫn. Chị Hoàn làm đơn ly hôn. Nhiều lần hòa giải không thành, cả hai gặp nhau tại tòa án.
Chị Hoàn và chồng đã được tòa án huyện Đan Phượng ghi nhận thuận tình ly hôn. Hai người không có tranh chấp về tài sản. Cháu bé 4 tuổi được giao cho mẹ nuôi dưỡng.
Không đồng tình với phán xét này, người chồng làm đơn kháng cáo xin nuôi con nhỏ. Tại phiên tòa phúc thẩm, anh giữ nguyên yêu cầu chống án.
Người chồng cho rằng từ trước đến nay con gái do mình và bố mẹ chăm sóc phần nhiều. Chỉ có thời gian thuê trọ ngắn ngủi là mẹ bé trông nom. Khoảng gần một năm gần đây, sáng nào anh cũng đưa con đi học, chiều ông bà nội đón cháu về nhà chăm sóc.
Anh “chạy sô” hai công ty cùng lúc nên thu nhập khá ổn định, đủ điều kiện nuôi con. “Tuy làm hai công ty nhưng của người thân nên tôi vẫn có thời gian để chăm cháu”, người bố giải thích thêm.
-Con gái anh được mấy tuổi?
-Dạ 4 tuổi.
-Cháu đã tự biết tắm rửa chưa?
-Dạ rồi.
-Vậy bé tự biết chăm sóc bản thân chưa?
-Cái này vẫn phải có ông bà giúp đỡ
“Thực tế cháu là con gái, được mẹ chăm sóc vẫn tốt hơn. Sau này cháu còn phát triển tâm sinh lý, rồi đến tuổi dậy thì sẽ vất vả. Con vẫn luôn là con anh. Nếu để cho mẹ cháu nuôi là tốt nhất. Sau này cháu lớn vẫn có thể về với anh”, chủ tọa phân tích.
Về phía chị Hoàn hiện đang làm việc tại một công ty trên địa bàn Hà Nội với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng. Trước đây khi sống cùng bố mẹ chồng, chị vẫn trực tiếp chăm sóc con. Khi vợ chồng dọn ra ở riêng, chị Hoàn vẫn đưa đón cháu đi học bình thường.
Người vợ trình bày gia đình xảy ra mâu thuẫn từ tháng 8/2016, từ đó người chồng đưa con về quê nội. Thời gian đầu, chị muốn về thăm con chị phải xin phép chồng nhưng anh lấy lý do cháu đi chơi vắng nhà nên ít được gặp. Hiện nay chị làm việc giờ hành chính nên hoàn toàn đủ điều kiện, thời gian chăm sóc con.
“Việc anh hay chị nuôi con, tòa sẽ phán quyết sau. Nhưng dù ai nuôi thì anh, chị cũng phải tạo điều kiện để đối phương thăm cháu. Nếu ai gây khó khăn thì bên kia có quyền làm đơn xin thay đổi nuôi con”, vị chủ tọa phân tích tiếp.
Kể tội trước tòa
Trước HĐXX, người chồng nêu lý do kháng cáo giành quyền nuôi con bởi: “Có bầu bốn tháng cô ta cũng không biết. Cô ấy đến chăm sóc bản thân còn không làm được, như thế trông con kiểu gì”.
Dẫn chứng được người chồng nêu ra là khi vợ đi làm về tắm cho con qua loa, không quan tâm việc ăn uống của con. Ngoài ra, anh cho rằng phòng trọ của chị nhỏ, không đảm bảo việc nuôi con.
“Tôi không đồng tình để cho cô ấy nuôi con. Đã có chồng nhưng cô ấy vẫn nhắn tin với người cùng công ty. Sau đó, còn lôi bên ngoại vào để dọa đánh và giết tôi”, người chồng nói.
Chị Hoàn phản bác những lời trên và cho biết trước đây chồng đi làm khoảng 2-3h sáng mới về. Việc đưa đón con đi học, chăm sóc cháu bé đều do một tay chị cả. Về lời chồng “tố” có người đàn ông khác, chị phủ nhận:
“Tôi lấy chồng không được giao lưu với bạn bè cùng công ty chăng. Tôi có nói chuyện trên facebook chứ chưa lần nào đi chơi, vượt quá giới hạn đạo đức. Chỉ vì anh ấy ghen tuông đuổi đánh liên tiếp vào đầu, tôi phải chạy sang nhà hàng xóm”.
Nghe tới đây, người chồng cho rằng đó chỉ là “lý do vớ vẩn” vợ viện ra để đạt mục đích của mình. Anh đưa ra một tờ giấy khẳng định trước khi chia tay, vợ từng cam kết không hề có thương tích gì do chồng đánh. Anh trình bày tiếp đã nhiều tháng nay con ở với mình nhưng chị thi thoảng tới gặp cháu chừng 10 phút rồi đi.
Trong thời gian diễn ra phiên tòa, cô bé hiếu động nghịch túi xách của mẹ, khi thì mượn điện thoại chơi. Lúc này vị chủ tọa hỏi cháu bé có quý bố mẹ không, đáp lại cô bé dõng dạc trả lời “có”.
-Vậy trước đây mẹ có chăm sóc cháu không?
- “Có”.
-Giờ ai đưa cháu đi học?
- “Bố với ông nội”.
Vị chủ tọa lắc đầu thở dài “Nhìn con bé tí thế này, anh chị phải suy nghĩ thật kĩ để con có điều kiện ăn học tốt nhất”.
Khi HĐXX tạm nghỉ nghị án, mẹ chồng và chồng liên tục có những lời lẽ khó nghe hướng về phía chị Hoàn. Người mẹ chồng cho rằng việc để chị Hoàn nuôi con sẽ không thỏa đáng. Bà lo ngại chị đi lấy chồng sẽ không có ai chăm sóc cháu mình.
Nếu tại tòa phúc thẩm, không giành được quyền nuôi cháu, gia đình sẽ tiếp tục kháng nghị lên cấp cao hơn. Thấy vậy, người mẹ ôm con xuống dưới góc phòng xét xử tránh sự bức xúc nhà chồng.
HĐXX xét thấy cháu bé là con gái, từ trước đến nay do mẹ chăm sóc chủ yếu, cháu vẫn phát triển bình thường. Mặc dù người bố có thể chăm sóc nhưng mẹ với nhiều kinh nghiệm sẽ giúp bé gái phát triển tốt hơn, nhất là khi tâm sinh lý thay đổi.
Xét về điều kiện kinh tế, người vợ thu nhập ổn định, làm việc giờ hành chính. Vì vậy, HĐXX bác đơn kháng cáo của người chồng và quyết định giao con cho chị Hoàn nuôi dưỡng. Hàng tháng anh phải cấp dưỡng 1,5 triệu đồng nuôi con.
Trước khi bãi tòa, vị chủ tọa nhắc lại lần nữa bố mẹ nên bàn bạc để con cái có điều kiện phát triển tốt nhất. Đứa bé là con chung, bố mẹ được quyền lui tới thăm nom, không ai được cấm. Phiên tòa vừa kết thúc, chị Hoàn vội bế con rời phòng xét xử. Phía sau người chồng vẫn không ngừng chỉ trích sẽ tiếp tục kháng cáo giành lại đứa bé.