Gần 7000 ca nhiễm bệnh
Theo số liệu mới nhất được thống kê tới ngày 1/9/2016, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có gần 7000 ca nhiễm SXH. Tất cả các địa phương, bao gồm 13 xã, 1 thị xã, 1 thành phố của tỉnh đều có dịch “ghé thăm”.
Số trường hợp mắc bệnh SXH có xu hướng gia tăng và có nguy cơ lan rộng khắp địa bàn khiến cho các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đều rơi vào cảnh quá tải.
Trước nguy cơ bùng phát dịch với những diễn biến bất thường, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế đã gửi công điện tăng cường công tác phòng chống bệnh SXH tới các bộ, ngành, các địa phương để có phương sách phòng chống, ngăn chặn dịch một cách tốt nhất.
Tại bệnh viện đa khoa tỉnh, phóng viên ghi nhận tình hình hết sức đáng lo ngại về việc quá tải bởi mỗi giường bệnh phải chứa 2 đến 3 bệnh nhân mắc bệnh SXH.
Ở khoa truyền nhiễm, tình trạng cũng không khả quan hơn khi một phòng 4 giường bệnh chứa tới 8 bệnh nhân. Để ứng phó tình trạng trên, bệnh viện đã phải tận dụng các phòng, kho, đặc biệt là các khu hành lang để kê thêm giường điều trị cho bệnh nhân.
Báo cáo của bệnh viện đa khoa tỉnh gửi Sở Y tế Đắk Lắk (ngày 2/8/2016) cho thấy, khoa nhi tổng hợp có 126 giường thực kê nhưng đang điều trị cho 267 người.
Khoa truyền nhiễm có 55 giường (trong đó có 30 giường bệnh kế hoạch, 25 giường kê thêm) đang điều trị cho 195 người. Người bệnh đã tự đem khoảng 100 giường xếp vào để nằm trên các diện tích còn lại như trên đường đi, đường hành lang.
Ngoài ra, các khoa cấp cứu, nội tổng hợp, hồi sức cấp cứu nhi cũng trong tình trạng quá tải, công suất sử dụng giường bệnh tới 200-300%.
Trước thực trạng dịch SXH tăng cao như vậy, bệnh viện đã xin tăng thêm nhân viên điều dưỡng nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu.
Đơn cử tại Khoa Truyền nhiễm, khi dịch SXH xảy ra, khoa được bổ sung thêm 7 nhân viên. Như vậy, hiện nay khoa có khoảng 27 nhân viên, phục vụ cho 195 bệnh nhân, tỷ lệ phục vụ chỉ còn 0,14/người bệnh.
Được biết, trong nhiều năm qua, tình trạng quá tải người bệnh liên tục xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Với 1000 giường bệnh được giao theo kế hoạch nhưng bệnh viện phải luôn tiếp nhận trung bình từ 1300 đến 1400 người bệnh, cao điểm có ngày lên tới 1537 ca.
Trước tình trạng cơ sở điều trị và nhân lực thiếu thốn, bệnh viện không tránh khỏi lo ngại những sai sót về chuyên môn, người bệnh sẽ gặp khó khăn và bức xúc trong quá trình điều trị.
Bà Lê Thị Hồng Mai (SN 1969, người nhà một bệnh nhân đang nằm điều trị tại hành lang khoa Truyền nhiễm) cho biết: “Là bệnh nhân, ai cũng muốn được có giường nằm điều trị, phải nằm ngoài hành lang như vậy tất nhiên cả hai phía bệnh nhân và bệnh viện đều không muốn nhưng trước tình trạng mùa dịch, bệnh nhân quá tải như vậy đành phải chấp nhận thôi.
Nhìn chung, số bệnh nhân nằm ngoài hành lang khá nhiều nên đêm đến rất khó mắc màn. Tôi lo ngại, người nhà mình sẽ lâu phục hồi sức khỏe”.
Chứng kiến cảnh người bệnh SXH nằm la liệt, hai người một giường, thậm chí có những bệnh nhân phải kê thêm giường ở một góc của bệnh viện để nằm điều trị không ai không cảm thấy xót xa, lo ngại.
Người bệnh nằm chung với người bệnh đã đành, đằng này, 8 bệnh nhân nằm chung một phòng (trong đó 1 bệnh nhân điều trị gan, 7 bệnh nhân còn lại trị SXH). Đó là trường hợp của người nhà cô Nguyễn Thị Siêu (SN 1975).
Cô Siêu phân trần: “Bệnh viện trật chội thế này tôi cảm thấy rất bất tiện, người bệnh đã mệt mỏi, người chăm nom cũng muốn bệnh theo luôn. Chồng tôi đang có bệnh trong người, sức đề kháng yếu thành ra bản thân gia đình cảm thấy khá bất an.
Cũng may mấy ngày hôm nay, số bệnh nhân đã thuyên giảm được cho về nhà điều trị, một số trường hợp nặng, có triệu chứng chảy máu chân răng thì đã được chuyển lên tuyến trên”.
Dự trù tiểu cầu sống để đối phó
Trước tình hình đáng lo ngại trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk đã có những giải pháp như tăng cường điều trị ngoại trú, chuyển các trường hợp nhẹ, ổn định về tuyến dưới.
Tăng cường nhân lực, điều chuyển từ các khoa khác đến, ký thêm một số hợp đồng mới, động viên tinh thần làm việc của nhân viên. Đặc biệt bệnh viện đã gửi báo cáo lên sở y tế xin phương án hỗ trợ nhằm giải quyết khó khăn và giảm tải sự quá tải.
Trao đổi với phóng viên, Bác sĩ Y Bliu Arul, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk chia sẻ:
“Trước diễn biến mới của dịch SXH, ban giám đốc đã tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát nhằm nâng cao chất lượng lao động bằng cách tăng cường nhân lực, bổ sung tối đa nhất có thể về cơ sở vật chất bằng mọi cách đảm bảo công tác cứu chữa. Đồng thời thực hiện theo đúng chỉ đạo của cấp trên nhằm khống chế dịch bệnh theo hướng tốt nhất”.
Được biết, cho đến thời điểm hiện tại bước đầu nhận định SXH đã tương đối ổn định. Bệnh SXH chưa hết chu kỳ phát bệnh, vì vậy không ngoại trừ khả năng nó sẽ tiếp tục bùng phát gây quá tải cho các bệnh viện, với lực lượng y tế mỏng, cơ sở vật chất có hạn sẽ rất khó khống chế dịch bệnh.
Hơn nữa, về vấn đề dịch SXH bệnh viện chỉ nắm một phần (chủ yếu khâu điều trị), mấu chốt vẫn nằm ở khâu phòng chống.
Vì vậy, trong công cuộc chống chọi với dịch SXH đòi hỏi phải có sự chung tay của hệ thống từ trung ương đến địa phương. Nếu tỷ lệ mắc bệnh giảm, không còn tình trạng quá tải nữa đương nhiên việc điều trị sẽ dễ dàng hơn.
Tuy nhiên hiện nay, các hành lang, phòng dự trữ của bệnh viện đã được tận dụng tối đa thậm chí không còn lối đi, nếu dịch bệnh còn tiếp tục tăng mạnh không còn cách nào khác, bệnh viện phải tận dụng cả diện tích sân của khoa để bệnh nhân có chỗ nằm điều trị.
“Rất may mắn là mặc dù dịch SXH diễn biến phức tạp nhưng cho đến nay chưa có sự cố gì đáng lo ngại xảy ra, tỷ lệ tử vong thấp (1 trường hợp). Bệnh nhân SXH sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch khi lượng tiểu cầu giảm.
Do đó, phía bệnh viện đã có phương án đối phó tối ưu: Dự trù sẵn lượng tiểu cầu sống được vận động từ các nhân viên trong bệnh viện, học sinh, sinh viên và một số đoàn thể thanh niên trong địa bàn”, Bác sĩ Y Bliu thông tin thêm.
Về phía Sở Y tế, trong khi dịch SXH đang diễn biến phức tạp đã có nhiều kế hoạch, chỉ đạo chuyển đến các cơ quan ban ngành có liên quan. Đối với thực trạng quá tải của bệnh viện đa khoa tỉnh, Sở Y tế chú trọng việc phân tuyến điều trị cho bệnh nhân; chỉ đạo các tuyến dưới tăng cường thu dung điều trị SXH, chỉ chuyển đến bệnh viện những trường hợp đặc biệt, nặng, có nguy cơ choáng.
Ngoài ra, tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về chẩn đoán và điều trị, dự phòng SXH cho cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến xã, phường, thị trấn theo đúng quy định của Bộ Y tế. Tăng cường mở các lớp tập huấn, hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống SXH.
Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng phòng Khoa học Nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk bình thường đã quá tải nay gặp tình trạng dịch SXH tràn lan đương nhiên sẽ không tránh khỏi tình trạng này. Vì bệnh nhân từ các tuyến dưới có nhu cầu được điều trị tại đây nên bệnh viện tỉnh không thể từ chối.
Thậm chí nhiều trường hợp, sau khi thăm khám ban đầu các bác sĩ gợi ý cho người nhà đưa bệnh nhân về bệnh viện tuyến huyện điều trị nhưng người nhà đã đề nghị được nhập viện tại bệnh viện tỉnh cho an tâm.
Nói về nguyên nhân bùng phát của SXH, ông Huyên cho rằng ngoài những nguyên nhân đã được tuyên truyền trước đó như: 2016 là năm chu kỳ dịch; Quá trình đô thị hóa mở rộng; Khí hậu biến đổi thất thường.
Qua khảo sát, phía Sở Y tế cho rằng những nơi có ổ dịch đều nằm trên tuyến đường 14, giao thông sau chỉnh sửa ở những nơi có tuyến đường này đi qua phát triển mạnh kéo theo dịch bệnh SXH ở những nơi khác đến, khả năng miễn dịch của Tây Nguyên chỉ có tuyp D1, nếu như những tuyến D2, D4 (phổ biến ở ĐBSCL) di chuyển lên người dân sẽ dễ mắc bệnh gây bùng phát dịch bệnh.