Trong đó, số người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá mới, tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi từ 65 tuổi trở lên với 580 ca nhập viện, lứa tuổi từ 45-64 có 377 ca nhập viện, lứa tuổi từ 25-44 có 138 ca nhập viện, lứa tuổi từ 19-24 có 58 ca nhập viện, lứa tuổi từ 16-18 có 44 ca nhập viện và lứa tuổi dưới 16 tuổi có 27 ca nhập viện.
Thông tin trên do PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục QL Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTH của Thuốc lá chia sẻ tại buổi cung cấp thông tin về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Bộ Y tế tổ chức sáng nay, 3/5, tại Hà Nội.
Đáng lo ngại, theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 11 tỉnh thành, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỉ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Đặc biệt, ở nữ giới tuổi 11-18, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, thuốc lá điện tử và các dạng thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp, bao gồm nicotin, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác, không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về y tế, kinh tế, an ninh trật tự mà ảnh hưởng đến giống nòi và nhiều lĩnh vực khác. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và lan nhanh trong cộng đồng sẽ tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotin và các chất gây nghiện khác như ma tuý.
“Ngoài ra, việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về Phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá và Luật PCTH của thuốc lá”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhận định.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cho rằng, sẽ rất tốn kém nhân lực và tài chính trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, môi trường, kinh tế do thuốc lá thế hệ mới gây ra.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử cũng gây nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng tương tự thuốc lá thông thường. Trong thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, vì thế trẻ vị thành niên khi sử dụng có thể vật vã, khó chịu. Nicotine làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, các cơn đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng và các vấn đề sức khỏe khác. Đặc biệt còn gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, làm suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện.
Ngoài ra, TLĐT và kể cả một số loại thuốc lá mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.
Thực tế cho thấy rất nhiều ca bệnh được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, tổn thương não... do bị ngộ độc với một loại ma túy thế hệ mới được tìm thấy trong thuốc lá điện tử. Đơn cử, ngày 26/7/2022, một nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, tổn thương não lan tỏa các vị trí, tổn thương gan... Nguyên nhân được xác định là do bệnh nhân bị ngộ độc với một loại ma túy thế hệ mới được tìm thấy trong thuốc lá điện tử.
Một trường hợp khác là hai nam sinh lớp 12 của Cao Đẳng Tiếng Việt Hà Tĩnh- Đức Công nghệ ngày 31/8/2022 được đưa vào viện trong tình trạng có biểu hiện trợn mắt, la hét và có những hành động mất kiểm soát ngay trong lớp học do sử dụng thuốc lá điện tử.
Cách đây không lâu, một bé trai 5 tuổi ở Hà Nội uống khoảng 5ml dung dịch màu vàng của thuốc lá điện tử, 15 phút sau có biểu hiện co giật, nôn ói rồi hôn mê được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu bé dương tính với ADB-BUTINACA, một loại ma túy tổng hợp mới. Sau vài ngày điều trị, cậu bé đã xuất viện nhưng vẫn phải được theo dõi sát sao để tránh biến chứng...
Đề xuất cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử
Thuốc lá điện tử đang "tấn công" thế hệ trẻ và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng tới sức khỏe và tinh thần. |
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử.
Trong khu vực ASEAN, đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia. Hiện có 3 quốc gia bán thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn được điều trị theo phác đồ (Chile, Úc và Nhật). 88 quốc gia quản lý thuốc lá điện tử (trong đó có 27 quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu). Việc quản lý được tiến hành chặt chẽ theo các biện pháp của Công ước khung (WHO FCTC).
Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia cấm (trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN gồm Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei). Và có 71 quốc gia quản lý TLNN (trong đó 27 quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu).
Ở Việt Nam, liên quan tới thuốc lá điện tử, ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, trong đó có mục tiêu “ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm TLĐT, các loại thuốc lá mới, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.
Tháng 10 năm 2023, Bộ Y tế cũng nhận được tài liệu của WHO khuyến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm Nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm này ở Việt Nam.
Tháng 3 năm 2024, WHO tiếp tục gửi bản Khuyến nghị Quốc hội lần 2 về việc ban hành “Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán thuốc lá điện tử hoặc “vape”, các sản phẩm nicotine khác, bao gồm cả thuốc lá điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như quảng cáo hoặc khuyến mại các sản phẩm này tại Việt Nam”.
Ngày 22/12/2023, Bộ Y tế nhận được Thư từ Tổ chức Southeast Asia Tobacco Control Alliance (SEATCA - Liên minh kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á) đề gửi Ông Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tiêu đề: Ủng hộ chính sách cấm lưu hành TLĐT, thuốc lá mới và shisha.
Trước thực trạng đáng báo động như hiện nay, Bộ Y tế cho rằng, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTH thuốc lá là rất cần thiết để quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần nhiều thời gian, dự kiến tối thiểu 3-5 năm. Trong khi đó, thuốc lá mới là vấn đề đang rất nóng, dư luận cực kỳ quan tâm, các sản phẩm có khả năng gây nghiện nhanh, đặc biệt đối tượng học sinh, sinh viên. Do đó, cần phải khẩn trương có biện pháp để ngăn chặn kịp thời, tránh cho có thêm nhiều người trong tương lai nghiện nicotine và nguy hại đến sức khoẻ.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, trước mắt, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.
Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để xem xét sửa đổi, bổ sung Luật PCTHTL để bổ sung quy định này vào Luật để bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.