Tại dự án này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tỷ lệ giá trị thiết bị chế tạo do các doanh nghiệp cơ khí trong nước thực hiện không dưới 50% nhưng xem ra tỷ lệ này là quá xa vời.
Nội địa hóa trên danh nghĩa?
Theo Quyết định 1791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/11/2012 thì Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 phải bảo đảm tỷ lệ giá trị công tác tư vấn thiết kế chế tạo và dịch vụ kỹ thuật do các đơn vị tư vấn trong nước thực hiện đạt không dưới 60%; tỷ lệ giá trị thiết bị chế tạo do các doanh nghiệp cơ khí trong nước thực hiện không dưới 50%. Trong đó, Viện nghiên cứu Cơ khí Narime (Bộ Công Thương) được chỉ đích danh là 1 trong 10 đơn vị, doanh nghiệp cơ khí trong nước tham gia.
Hiện, Narime đã được lựa chọn làm nhà thầu của gói thầu thiết kế và chế tạo hệ thống cung cấp than cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, có giá trị thiết bị theo hợp đồng EPC là 58.601.818 USD, phần gia công chế tạo trong nước của gói thầu này là 330 tỷ đồng. Theo tính toán thì chỉ riêng Narime đã chiếm tới hơn 26% giá trị thiết bị chế tạo gia công trong nước trong số 10 đơn vị mà Thủ tướng Chính phủ đề cập tại Quyết định 1791/QĐ-TTg.
Tuy nhiên, trên thực tế thì gói thầu trên không phải là “nội địa hóa” hoàn toàn vì khi trả lời trên Báo Lao Động, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Narime cho biết: “Để thực hiện được gói thầu này cần có nhà thầu nước ngoài có năng lực kinh nghiệm, có khả năng thu xếp tài chính cho dự án. Chúng tôi cùng đối tác nước ngoài đã hội đủ các tiêu chí: có đủ năng lực để đảm bảo chất lượng dự án, giá chào thầu đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ nội địa hóa đạt gần 50% đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1791”.
Tuy nhiên, Quyết định 1791/QĐ-TTg chỉ nêu: “Narime tham gia thực hiện thiết kế, “chế tạo trong nước” thiết bị các nhà máy nhiệt điện” và “khuyến khích các đơn vị liên doanh với các trường đại học Bách khoa: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các trường đại học có chuyên ngành, năng lực phù hợp để thiết kế, “chế tạo trong nước” (chứ không cho phép hoặc đề cập đến việc “hợp tác” với đối tác nước ngoài nào cả). Hơn nữa, việc tỷ lệ giá trị thiết bị chế tạo do các doanh nghiệp cơ khí trong nước thực hiện không dưới 50% nêu trên là tính trên tổng thể dự án chứ không phải “dàn” đều cho các gói thầu cụ thể.
Nhiều chuyên gia đánh giá, đối với 1 gói thầu đã giao cho 1 đơn vị trong nước như Narime thì đương nhiên đã được tính là “nội địa hóa” 100%. Tại sao trong cái “vỏ” nội địa hóa này lại có việc hợp tác với đối tác nước ngoài? Nếu vậy thì rõ ràng, tỷ lệ “nội địa” của dự án hiện nay sẽ thấp hơn ở mức 20% như tính toán hiện nay.
Hợp tác với nước ngoài có đúng luật?
Cũng cần nhắc lại rằng, tại hồ sơ năng lực thiết kế, chế tạo các thiết bị nhà máy điện mà Narime gửi Bộ Công Thương vào tháng 8/2015 thì đơn vị này có 25 lao động, gồm: 10 thợ hàn, 4 thợ gia công cơ khí, 10 thợ lắp đặt, 1 thợ điện; danh mục máy móc và trang thiết bị phục vụ sản xuất là 13 máy công cụ (trong đó có 8 máy từ thời Liên Xô)… Không hiểu sao Narime lại được giao gói thầu khủng như trên, để rồi đơn vị này lại đi “hợp tác” với nước ngoài, ảnh hưởng đến tỷ lệ nội địa hóa của toàn dự án?
Thực chất việc được chỉ định thầu rồi “hợp tác” với đối tác nước ngoài để thực hiện gói thầu như trên có phải là bán thầu? Nghi vấn trên được nhiều đơn vị cơ khí trong nước đề cập đến bởi Narime được chỉ định thầu năm 2015 nhưng vẫn được áp dụng chi phí theo định mức do chính Narime đề xuất Bộ Công Thương ban hành năm 2013, có mức giá cao hơn so với thị trường nhiều lần, mà điển hình là giá sắt (cao hơn thị trường 20 lần). Hiện nay, định mức này đã bị Bộ Công Thương coi là lạc hậu, chưa đảm bảo trình tự và Bộ này đang tiến hành xây dựng định mức mới.
Theo Khoản 5 Điều 10 Nghị định 32 (25/3/2015) về việc quản lý đầu tư xây dựng thì “Dự toán xây dựng công trình được phê duyệt là cơ sở xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và đàm phán ký kết trong trường hợp chỉ định thầu”. Luật Xây dựng cũng quy định rõ, chi phí xây dựng phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng, phù hợp với yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, điều kiện xây dựng. Như vậy, việc dự án đã thi công và chọn nhà thầu khi chưa phê duyệt dự toán xây dựng như trên liệu có trái những quy định trên?
Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư 23/2014/TT- BCT (quy định trình tự lập, thẩm định và phê duyệt hợp đồng thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện) thì căn cứ phạm vi và khối lượng công việc thiết kế, chế tạo thiết bị phụ của từng dự án cụ thể, Bộ Công Thương có thể phê duyệt một Liên danh thực hiện thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị phụ cho dự án. Tuy nhiên, liên doanh này chỉ gồm các doanh nghiệp cơ khí trong nước tham gia thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện được quy định tại Quyết định 1791 và doanh nghiệp được Bộ Công Thương quyết định bổ sung. Việc tham gia của phía nước ngoài trong liên doanh chỉ là nhà thầu phụ tư vấn thiết kế nước ngoài để hỗ trợ thiết kế, chế tạo và chuyển giao công nghệ thiết kế, chế tạo các thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện do Liên danh chịu trách nhiệm thiết kế, chế tạo.
Thông tư trên không đề cập đến việc phía nước ngoài tham gia chế tạo hay “có tài chính” hay “giá chào thầu đáp ứng yêu cầu”… như Narime đã thực hiện. Vậy, việc hợp tác với nước ngoài của Narime như vậy liệu có đúng quy định hay không cần được kiểm tra, giải đáp thỏa đáng để đảm bảo sự bình đẳng với các doanh nghiệp cơ khí trong nước khác.