Các bên cùng đẩy nhanh tiến độ
Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tổ chức Hội nghị với chủ đầu tư (CĐT) các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp để làm rõ và tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện các dự án với mục tiêu đưa các dự án vào vận hành trong thời gian sớm nhất có thể, đồng thời bảo đảm các quy định pháp luật.
Đại diện EVN cho biết, quá trình rà soát hồ sơ, đàm phán và căn cứ cơ sở Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Thông báo số 182/TB-VPCP ngày 17/5/2023, trong số 37 dự án đã gửi hồ sơ thì EVN nhận được đề nghị áp dụng giá tạm của 24 dự án.
Hai bên đã họp và thống nhất giá mua điện tạm (chưa bao gồm thuế VAT) bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình nhà máy điện quy định tại Quyết định 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương.
Với mục đích đưa các dự án NLTT chuyển tiếp vào vận hành trong thời gian sớm nhất, Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) đã thành lập nhiều tổ đàm phán để sẵn sàng trao đổi và hướng dẫn giải quyết các vướng mắc. Do đó, EVN và EVNEPTC mong CĐT các dự án (kể cả các dự án chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm) tích cực phối hợp cung cấp đầy đủ các hồ sơ phục vụ đàm phán, đặc biệt là các hồ sơ pháp lý.
Bên cạnh đó, phối hợp với EVNEPTC và đơn vị vận hành hệ thống điện để thực hiện ngay công tác thí nghiệm và thử nghiệm của nhà máy điện; Khẩn trương tổ chức nghiệm thu và hoàn thành các thủ tục và gửi hồ sơ công nhận vận hành thương mại (COD) theo quy định của hợp đồng mua bán điện đã ký kết, bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Động thái này của EVN và Bộ Công Thương được các CĐT ghi nhận. Ông Phạm Lê Quang - Giám đốc phát triển dự án Bamboo Capital Energy cho biết, tiến độ đàm phán các dự án NLTT chuyển tiếp đã có sự chuyển biến tích cực từ khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Việc cấp giấy phép hoạt động điện lực cũng được tiến hành nhanh hơn.
Vướng mắc cơ chế
Tuy các bên đều nỗ lực trong việc đàm phán tạm thời giá điện chuyển tiếp nhưng hầu hết CĐT đều cho rằng, việc đàm phán giá cuối cùng vẫn phải chờ chính sách. Bởi chính EVN cũng tuyên bố, giá mua điện chính thức và việc quyết toán tiền điện sẽ thực hiện theo hướng dẫn/quyết định của cấp có thẩm quyền.
Chưa kể, việc sửa đổi Thông tư 15/2022/TT-BCT quy định về phương pháp xây dựng khung giá phát điện cho các dự án NLTT chuyển tiếp và Quyết định 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 về khung giá phát điện cho các dự án NLTT chuyển tiếp sẽ không thể thực hiện sớm dù Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Công Thương phải khẩn trương thực hiện.
Ông Phạm Lê Quang kỳ vọng, Bộ Công Thương sẽ có sự tham khảo từ các CĐT, đặc biệt các CĐT có dự án NLTT chuyển tiếp trong lần sửa đổi Thông tư này để đưa ra được hướng xây dựng khung giá phù hợp nhất với các bên. Hiện doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn các nội dung góp ý, chỉ chờ Bộ có thông báo lấy ý kiến góp ý sẽ ngay lập tức gửi văn bản.
Ngoài ra, một số CĐT khác cũng băn khoăn về vấn đề giá tạm tính và giá đàm phán trong dự thảo hợp đồng sửa đổi với các dự án NLTT chuyển tiếp. Theo các CĐT này, trong dự thảo hợp đồng chưa đề cập đến việc “sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện” như chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Thông báo 182”. Thực tế này cũng khiến một số CĐT chưa thể ký Hợp đồng sửa đổi, bổ sung khi chưa làm rõ được việc thanh quyết toán sau khi có giá mua điện chính thức sẽ được thực hiện như thế nào.
Do đó, các CĐT đề xuất Bộ Công Thương cần có văn bản chỉ đạo EVN đàm phán với các CĐT về mức giá tạm thời và cho phép EVN huy động lên lưới các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo EVN quy định rõ các nội dung trong Hợp đồng sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể, cần quy định giá mua điện tạm thời bằng 50% giá trần của khung giá phát điện theo Quyết định số 21/QĐ-BCT và áp dụng cho đến khi có giá mua điện chính thức. Sau khi bên mua điện và bên bán điện đàm phán và thống nhất giá mua điện chính thức sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới.
Thông tin cập nhật từ Tập đoàn điện lực Việt Nam cho biết, đến 17h30 ngày 25/5/2023, đã có 44/85 dự án năng lượng tái tạo chưa có giá gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong số này có 28 dự án đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương), trong đó có 19 dự án (hoặc một phần dự án) đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm và ký hợp đồng mua bán.