Mỏ sắt Thạch Khê do Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư. Sau thời gian dài nghiên cứu tỉ mỉ, được các hội đồng trong nước và quốc tế tiến hành thẩm định, được Chính phủ Việt Nam phê duyệt, nay Dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê đã sẵn sàng để triển khai.
Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định lâu dài cho cơ sở luyện kim trong nước theo Quy hoạch ngành đã được phê duyệt; giảm nhập khẩu quặng sắt từ nước ngoài; góp phần phát triển ngành thép Việt Nam với các sản phẩm thép chất lượng cao (thép dài và thép dẹt cán nóng); đóng góp vào GDP 0,3 ÷ 1%. Đồng thời, thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển; tạo công ăn việc làm trực tiếp cho khoảng 3.500 lao động và gián tiếp cho hàng nghìn lao động khác.
Bàn về tính khả thi của Dự án, TS. Phạm Lê Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long cho biết, mỏ sắt Thạch Khê do Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư. Sau thời gian dài nghiên cứu kỹ lưỡng, được các hội đồng trong nước và quốc tế tiến hành thẩm định, được Chính phủ Việt Nam phê duyệt, nay Dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê đã sẵn sàng để triển khai.
TS. Phạm Lê Hùng. |
Dự án kéo dài 52 năm với trữ lượng khai thác 370 triệu tấn. Thực tế, dự báo trữ lượng có thể lên đến 750 triệu tấn, nên Dự án có thể kéo dài 70- 80 năm. Trong suốt thời gian đó, các hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ được đảm bảo kéo dài, không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và nộp ngân sách Nhà nước, mà còn đem lại hiệu quả an sinh xã hội cho cả khu vực lớn với hàng vạn hộ gia đình.
Các biện pháp bảo vệ môi trường của Dự án đã được các nhà khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước đánh giá là phù hợp, đảm bảo để có thể triển khai Dự án an toàn, hiệu quả. Sau khi Dự án dừng hoạt động sẽ để lại một hồ nước ngọt lớn cùng với nhiều cây xanh được trồng xung quanh, tạo ra cảnh quan phù hợp cho phát triển công viên, du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng… Thêm vào đó, trong suốt quá trình hoạt động, Dự án sẽ tạo nên một khu vực đông đúc dân cư và các dịch vụ đi kèm xung quanh, thuận lợi cho phát triển hiệu quả các dự án sau này.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ Khoa học và Công nghệ lo ngại “với nhu cầu vận chuyển quặng sắt giai đoạn I: 5 triệu tấn/năm (tần suất khoảng 5 phút/chuyến xe tải trọng 40 tấn) từ mỏ Thạch Khê đến cảng Vũng Áng thì khả năng chịu tải của đường bộ là không đảm bảo, ảnh hưởng an toàn đến các phương tiện giao thông khác và con người khi tham gia giao thông”. Tuy nhiên, thực tế khảo sát tuyến đường Quốc lộ 1A qua 3 trạm thu phí: Bến Thủy, đường tránh Hà Tĩnh, hầm đèo Ngang cho thấy, tần suất lưu thông chưa đến 10 xe/5 phút.
Trong khi theo quy định, tốc độ lưu thông tối đa cho các tuyến đường quốc lộ là khoảng 100 xe/5 phút (xe chạy cách nhau 35m). Vậy Thạch Khê dùng 1 xe trong 5 phút hoàn toàn không ảnh hưởng gì, thậm chí dùng đến 5- 10 xe trong 5 phút vẫn an toàn. Mặt khác, quặng sắt của mỏ Thạch Khê được vận chuyển tới cảng Vũng Áng bằng cả tuyến đường ven biển (đã hoàn thành) và tương lai chủ yếu bằng đường thủy.
Về thị trường tiêu thụ, quặng sắt Thạch Khê đã được Công ty CP thép Hòa Phát và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên nấu luyện thử 3 nghìn tấn quặng bằng dây chuyền (lò cao) cho thấy kết quả tốt. Tại Văn bản số 101/CV-HP ngày 29/10/2017 của Tập đoàn Hòa Phát gửi Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp đã cam kết mua hết quặng sắt Thạch Khê theo giá thị trường (Hòa Phát cam kết mua hết theo giá thị trường đảm bảo cho dự án hoạt động hiệu quả, hạn chế nhập khẩu quặng sắt và chảy máu ngoại tệ; “tổng nhu cầu quặng sắt của Hòa Phát từ năm 2019 là 10 triệu tấn/năm).
Theo tính toán của Viện tháo khô mỏ VIOGEM - CHLB Nga, khi khai thác xuống độ sâu -550 m, khu vực bị hạ mực nước ngầm có bán kính tối đa khoảng 3,1÷ 3,5 km tính từ trung tâm mỏ. Để khắc phục ảnh hưởng này, Dự án đưa ra các giải pháp: Giải phóng mặt bằng toàn bộ phạm vi theo bán kính tính toán có khả năng ảnh hưởng của hạ mực nước ngầm, đảm bảo an toàn với tổng diện tích 3.898 ha. Nước bơm từ moong khai thác mỏ đã qua xử lý và nước từ hệ thống giếng khoan hạ nước ngầm được tái sử dụng phục vụ sản xuất và tưới tiêu cho nông nghiệp các xã vùng Dự án và lân cận. Xây dựng Nhà máy nước Thạch Trị (85 tỷ đồng) và hệ thống nước sạch Thạch Bàn (12 tỷ) để cung cấp nước sạch cho nhân dân vùng Dự án và lân cận.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng lo ngại nguy cơ “hoang mạc hóa, sụt lở đất ở phạm vi rộng (kể cả thành phố Hà Tĩnh khoảng cách đến mỏ chưa đến 6km)”. Thực tế khoảng cách từ tâm mỏ đến thành phố Hà Tĩnh trên 6 km (khoảng 8,5 km), nếu tính 6 km thì khi mỏ sắt Thạch Khê khai thác đến -550m (độ sâu thúc khai thác) sẽ tạo ra gốc dốc từ đáy moong đến thành phố Hà Tĩnh là 5,2o.
Trong ranh giới của Dự án có những khu vực địa hình là bãi cát có độ dốc, cây cối vẫn phát triển tốt; thậm chí trên bãi thải đất bóc TIC đã đổ thải 12,7 triệu m3 (độ cao +45 m, góc dốc sườn tầng 27 - 330) cây do TIC trồng vẫn phát triển xanh tốt, hệ thống giếng khoan (độ sâu từ 10-30m) phục vụ ăn uống sinh hoạt của CBNV tại các công trường, phân xưởng của TIC cách moong mỏ khoảng 500m vẫn bơm nước sử dụng bình thường kể cả thời điểm mùa hè moong mỏ đào đến độ sâu -34m.
Nước mặt và nước ngầm trong khu vực mỏ là nước tự nhiên. Hơn 16.500 mẫu thí nghiệm đất đá, khoáng vật, nước cho thấy hàm lượng các chất độc hại nằm dưới ngưỡng cho phép. Trong quá trình khai thác không sử dụng hóa chất nên những nguồn nước này chỉ bị đục do lẫn đất cát, sau khi chảy qua các hồ lắng sẽ đảm bảo thải ra môi trường tiêu chuẩn quy định, không gây ô nhiễm môi trường.
Tài liệu thăm dò, khảo sát mỏ Thạch Khê đến độ sâu -1070 m cho thấy, có thể có hiện tượng Karst nằm ở tầng địa chất (thuộc khu vực và tầng đá vôi, đá hoa) có độ sâu từ mức -100 m đến mức - 200 m. Tuy nhiên, trong quá trình khoan thăm dò, các mũi khoan gặp túi nước đều được lấy mẫu thử nghiệm, tất cả mẫu đều là nước ngọt. Điều đó có nghĩa là không thông với nước biển.
Theo kết quả khảo sát dự báo hang Karst bằng phương pháp địa vật lý trên diện tích 2 km2 khu vực giữa moong mỏ bãi biển Thạch Hải do Liên đoàn Bản đồ địa chất Miền Nam thực hiện năm 2011, có thể có hiện tượng Karst trong các đới dập vỡ nhưng không liên tục từ moong mỏ ra biển. Tài liệu khảo sát địa chất đáy biển được TIC thực hiện năm 2015 cho thấy, đáy biển khu vực đổ thải lấn biển có 2 lớp sét cách nước (lớp thứ nhất phân bố độ sâu từ -11 m đến -17 m chiều dày từ 2,6-7,5 m, lớp thứ 2 ở độ sâu từ -25 m đến -30 m chiều dày từ 2,0-7,5 m); bờ biển có độ dốc rất thấp, ra xa bờ 2 km có độ sâu khoảng -10 m, với độ sâu đến -100 m phải xa bờ biển trên 200 km. Vì vậy, không thể có hiện tượng nước biển chảy thông vào moong mỏ do hang động Karst.
Trong thiết kế các công trình xây dựng của mỏ, tính ổn định bờ mỏ và tầng khai thác đã tính với khả năng chịu được động đất 7 độ richter; trong khi dự báo động đất tại Hà Tĩnh cao nhất chỉ 6 độ richter, tần suất xuất hiện trên 1000 năm.Tuyến đê chắn sóng của Dự án được thiết kế đỉnh đê cao +6,5m (tuyến đê của Formosa cũng chỉ cao +6,2m), đổ cát thải đến độ cao +25 m sẽ tạo thành tường chắn khi có hiện tượng nước biển dâng do bão và sóng thần.
Mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Ngày 24/7/2007, Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (gọi tắt TIC) ra đời với 9 cổ đông là chủ đầu tư dự án khai thác và tiền quặng mỏ sắt Thạch Khê. Từ tháng 9/2009 đến 7/2011, TIC Cùng các nhà thầu trong Tập đoàn TKV đã bóc thử nghiệm trên 12,5 triệu m3, tới độ sâu âm 34m so với mực nước biển để xác định các yếu tố địa chất và lựa chọn công nghệ khai thác, vận tải mỏ… Từ năm 2011 đến nay, dự án tạm dừng hoạt động để tái cơ cấu lại cổ đông của TIC và giải quyết một số vướng mắc.
Đến nay, Dự án chưa được triển khai dù đã đầy đủ thủ tục pháp lý, không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, làm thất thu ngân sách Nhà nước và gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư.
Như vậy, tất cả những băn khoăn, quan ngại của UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ KH&ĐT đưa ra đều không dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, và đã được chủ đầu tư là TIC giải trình đầy đủ dựa trên những tài liệu, nghiên cứu đã được thẩm định bởi các hội đồng khoa học trong và ngoài nước.
Mỏ quặng sắt Thạch Khê đã được nghiên cứu để tìm cách đưa vào sử dụng cho sự phát triển của ngành thép Việt Nam cách đây hơn 60 năm (từ năm 1960). Sau thời gian dài thăm dò, nghiên cứu, đánh giá tỷ mỷ bởi các đơn vị chuyên ngành của Việt Nam và thế giới; được các hội đồng trong nước và quốc tế tiến hành thẩm tra, thẩm định, được Chính phủ Việt Nam thông qua, nay Dự án đã sẵn sàng để triển khai.