Mới đây, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra đồng loạt cả hai chiều ở cùng một thời điểm trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây khiến gần chục xe ô tô đâm vào nhau, bốn người bị thương phải nhập viện cấp cứu. Nguyên nhân được xác định là do người dân đốt rơm, rạ trên đồng gần đường cao tốc rồi cháy lan vào bãi cỏ sát đường, che mất tầm nhìn lưu thông của tài xế.
Thói quen “chết người”
Khoảng 14h30 ngày 3/4, tại cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn cách cầu vượt Quốc lộ 51 khoảng 2km xuất hiện lượng khói dày đặc từ hai bên đường tràn vào bất ngờ khiến các xe đang lưu thông trên cung đường này không thể quan sát được. Càng về sau, đám khói mỗi lúc một lan rộng và dày đặc hơn, đến khoảng 15h thì ở cả hai làn đường, nhiều tài xế không thể quan sát được xe phía trước nên đã húc đuôi nhau, gây ra tai nạn liên hoàn.
Đầu tiên là một xe khách và xe bồn chạy hướng về TP HCM đâm vào nhau, nhiều xe khác dù đã đánh lái tránh nhưng vẫn va chạm. Vụ tai nạn khiến xe khách bị nát phần đầu, hông và đuôi xe, tuy nhiên may mắn không thiệt hại về người. Trong khi đó, ở tuyến đường ngược lại cùng vị trí cũng đã xảy ra vụ tai nạn tương tự, nhiều xe đã tông liên hoàn vào nhau.
Khói trên cao tốc Long Thành từ đám cháy bên đường chiều 3/4 |
Theo thống kê sơ bộ, hai vụ tai nạn xảy ra trên cao tốc này đã khiến gần 10 ô tô đâm vào nhau và bị hư hỏng nặng, bốn người bị thương được đưa đi cấp cứu và gây ra ùn tắc nghiêm trọng trên đường trong nhiều giờ đồng hồ. Trong số các nạn nhân, ba người đã được xuất viện, một người bị chấn thương nặng đang được điều trị tại bệnh viện. Vụ việc hiện đang được các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai điều tra làm rõ.
Điều đáng nói, theo phản ánh của người dân thì việc đốt đồng xung quanh đường cao tốc xảy ra hằng năm, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để, trong khi đó, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây có nhiều đoạn đi qua các cánh đồng trồng lúa.
Làm rõ trách nhiệm các bên
Nhiều ý kiến nhận định, để xảy ra hậu quả trên, ngoài trách nhiệm hình sự (nếu có), người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các chủ xe bị hư hỏng cũng như các hành khách bị thương là những nông dân đã đốt đồng. Quan điểm khác lại cho rằng, công ty khai thác, quản lý đường cao tốc mới là bên phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Bởi lẽ, các tài xế đã trả tiền phí để được sử dụng dịch vụ lưu thông an toàn trên đường cao tốc, khi đơn vị khai thác, bảo trì và quản lý đoạn đường này không làm tròn trách nhiệm, để xảy ra hiện tượng nguy hiểm cho các tài xế thì phải bồi thường theo quy định Bộ luật Dân sự năm 2015.
Bình luận về vụ việc trên, theo luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty luật Hợp danh Đông Nam Á, xét cho cùng thì trách nhiệm chính thuộc về những người đốt rơm rạ. Vì họ biết rõ việc đốt đồng ngay gần đường giao thông sẽ có khả năng tạo ra khói và họ cũng lường trước được những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, như gây ngộ độc cho người đi đường, gây cháy nhà, che khuất tầm nhìn của các phương tiên tham gia giao thông như ô tô, máy bay…
“Đối với công ty khai thác, quản lý đường cao tốc sẽ đặt ra vấn đề: khi phát hiện khói với mật độ dày gây hạn chế tầm nhìn cho các phương tiện tham gia giao thông thì họ xử lý như thế nào để ngăn chặn hoặc hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra? Đơn vị này có cắm biển báo giảm tốc độ hoặc có các biện pháp khác để cảnh báo cho các tài xế hay không?”
“Pháp luật đã quy định, các đơn vị được giao tổ chức khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc phải thực hiện việc tuần tra trên đường cao tốc theo quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng và đảm bảo an toàn giao thông trên đường cao tốc”.
Trên một xe khách đi từ TP HCM về Vũng Tàu, hai người ngồi ghế sát tài xế xe bị kẹt, được mọi người xung quanh giải cứu, đưa đi bệnh viện. |
“Có thể nói, người dân canh tác ven đường cao tốc thường có thói quen đốt rơm, rạ mỗi khi hết vụ mùa, nhưng công ty này có thường xuyên nhắc nhở hoặc cảnh báo người dân về nguy cơ gây mất an toàn giao thông hay không hay để mặc người dân muốn làm gì thì làm? Ví dụ, nhiều năm trước đó người dân cũng đốt rơm rạ nhưng không thấy ai nhắc nhở hoặc phản ứng nên năm nay họ tiếp tục đốt”, luật sư Thuật phân tích.
Cũng theo Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á, trách nhiệm của công ty này là quản lý đường cao tốc để các phương tiện tham gia giao thông khi đi trên tuyến đường đó được an toàn, đồng thời đảm bảo việc giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra khi sự cố xuất hiện.
Nếu họ không có các động tác cần thiết (cắm biển báo, nhắc nhở bằng loa…) hoặc làm không đến nơi đến chốn, dẫn đến các sự cố giao thông gây thiệt hại về người và tài sản thì cũng phải bồi thường. Nhưng bên phải chịu trách nhiệm bồi thường cuối cùng vẫn là người có hành vi đốt rơm rạ.
Ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Phân tích cụ thể hơn, luật sư Thuật cho rằng, nếu cơ quan chức năng chỉ xử lý về dân sự thì trong vụ việc trên có hai mối quan hệ: Mối quan hệ giữa các chủ xe với công ty khai thác, quản lý đường cao tốc; và mối quan hệ giữa công ty khai thác, quản lý đường cao tốc với người đốt rơm rạ.
Theo đó, công ty khai thác, quản lý đường cao tốc là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các chủ xe. Sau đó công ty này có quyền yêu cầu người đốt rơm rạ bồi hoàn lại khoản tiền đó cho mình (trường hợp giữa hai bên có tranh chấp thì có quyền khởi kiện ra tòa).
Trong trường hợp người đốt rơm rạ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cản trở giao thông đường bộ” theo Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS) thì cơ quan chức năng sẽ xem xét luôn trách nhiệm dân sự (nghĩa vụ bồi thường thiệt hại) của họ. Trường hợp này, công ty khai thác, quản lý đường cao tốc là người có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan (cùng chia sẻ việc bồi thường thiệt hại).
“Sẽ có ý kiến băn khoăn vì sao truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đốt đồng? Như tôi đã nói, vì vị trí đốt cạnh đường cao tốc, người đốt (với điều kiện đủ năng lực trách nhiệm hình sự) có đủ khả năng nhận thức hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng vẫn thực hiện.
Nếu người nông dân đốt ở vị trí cách xa đường giao thông từ vài km trở lên, nhưng khói vẫn che khuất tầm nhìn của các tài xế, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì trong tình huống này có thể nói là họ không lường trước được hậu quả.
Hậu quả xảy ra trong trường hợp này là do thời tiết thay đổi hoặc nhiều nguyên do khác, như hướng gió thuận lợi cho khói lan nhanh đến đường giao thông. Bởi vậy, trước khi xử lý vụ án, cơ quan chức năng phải đánh giá, xem xét tất cả các tình tiết liên quan”, luật sư Thuật nêu ý kiến.