Những ngày tháng 5 về thăm quê Bác, điều dễ nhận thấy là các hoạt động thi đua lao động sản xuất, văn hóa, văn nghệ, thể thao đang diễn ra sôi nổi từ các xã chào mừng kỷ niệm 128 năm ngày sinh nhật Bác. Trong ánh nắng chói chang, dọc theo những con đường nhựa, những cánh đồng lúa chín vàng trải dài tít tắp.
Trên các nẻo đường, từ Quốc lộ 46, đường du lịch ven sông Lam, các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, nhiều nhà mới được xây dựng khang trang, các con đường liên xã đều hiện lên một diện mạo mới của một vùng quê Anh hùng. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã làm cho bộ mặt các xã của huyện Nam Đàn khác hẳn những năm trước.
Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, huyện Nam Đàn (Nghệ An) được Ban chỉ đạo Trung ương chọn là 1 trong 5 huyện điểm của cả nước. Đây là niềm vinh dự nhưng cũng là thách thức đòi hỏi sự quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn. Những năm qua dù gặp rất nhiều khó khăn như thiên tai, bão lụt, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn đã gặt hái được những kết quả khả quan trên lộ trình xây dựng huyện thành huyện nông thôn mới.
Sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đến nay Nam Đàn có 23/23 xã đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện cơ bản đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05.4.2016 của Thủ tướng Chính phủ. Huyện đang quyết tâm hoàn thành các tiêu chí để lập hồ sơ trình tỉnh thẩm tra và trình ban chỉ đạo Trung ương thẩm định.
Nổi bật nhất là cơ sở hạ tầng ở nông thôn phát triển mạnh, đồng bộ, bộ mặt nông thôn khởi sắc, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, các tuyến đường giao thông nông thôn cơ bản được bê tông hóa. Mạng lưới chợ được đầu tư xây mới, nâng cấp góp phần phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ hưởng thụ của người dân. Hệ thống lưới điện được chỉnh trang, nâng cấp đảm bảo cung ứng điện thường xuyên và an toàn, phục vụ tốt nhu cầu về sản xuất và dân sinh của người dân. Tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, nhận thức của nông dân từng bước chuyển biến sang tư duy sản xuất hàng hóa, các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều đạt và vượt kế hoạch.
Quê nội chủ tịch Hồ Chí Minh |
Kinh tế khu vực nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ phát triển. Ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất có nhiều tiến bộ. Năng suất, chất lượng cây trồng tăng lên đáng kể, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với quy hoạch, nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích. Thu nhập bình quân của huyện năm 2017 là 3,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, năm 2016 là 4,25%, năm 2017 là 3,5%. Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh, cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn và lý luận chính trị, đáp ứng tốt yêu cầu công việc.
Nhìn vào số liệu trên để thấy được, đời sống kinh tế của huyện Nam Đàn thay đổi theo từng năm. Khi kinh tế phát triển, kéo theo đó là hàng loạt các lĩnh vực khác, nhất là văn hóa, xã hội, giáo dục và y tế.
Ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyên Nam Đàn (Nghệ An) cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, đồng bộ trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; gắn với quy hoạch vùng mà huyện được phê duyệt nhằm phát triển nông thôn mới trong một không gian hài hòa, bền vững, môi trường nông thôn được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao”.