Thế giới điệp viên và những câu chuyện thú vị (Kỳ 11)
Phải đến khi cảnh sát tiến hành kiểm tra căn hộ của bà và phát hiện hàng tệp những giấy chứng nhận, huân huy chương từ thời Chiến tranh thế giới II, trong đó có cả huân chương Bắc Đẩu Bội tinh do chính phủ Pháp trao tặng, họ mới biết được rằng bà Nearne chính là một trong điệp viên giỏi nhất, lừng lẫy nhất của Anh thời chiến tranh.
Truyền thống hào hùng
Bà Eileen Nearne sinh năm 1923 ở London có tên đầy đủ là Eileen Mary Didi Nearne. Khi Didi lên 2 tuổi, cả gia đình chuyển tới Pháp và định cư ở thành phố Nice. Tại đây, Didi và chị gái Jacqueline được cha mẹ cho theo học ở các trường dòng tu. Thế nhưng, năm 1940, Đức tấn công Pháp khiến cuộc sống của cả gia đình bị đảo lộn.
Chính quyền địa phương lúc bấy giờ cấm công dân Anh sống gần bờ biển nên cả gia đình buộc phải rời thành phố Nice tới một ngôi làng nhỏ ở sâu trong đất liền. Với mong muốn được chiến đấu chống phát xít, người con trai út Frederick rời Pháp về Anh và được nhận vào Không quân Hoàng gia Anh.
2 năm sau, Jacqueline quyết định tiếp bước em trai. Didi cũng khăng khăng đòi theo chị. 2 cô gái nhỏ sau đó cùng nhau trải qua hành trình đầy gian khổ qua Tây Ban Nha rồi Bồ Đào Nha để tới được Anh vào tháng 5/1942.
Ban đầu, cả 2 đều bị từ chối. Nhưng về sau, khi nhận thấy họ có thể nói lưu loát tiếng Anh, Đại tá Selwyn Jepson đã quyết định thu nhận cả 2. Dù vậy nhưng chỉ Jacqueline được cử đi đào tạo về tình báo còn Didi, ở tuổi 21, được cho là còn quá trẻ để trở thành một điệp viên nên chỉ được giao nhiệm vụ điều hành mạng lưới thư tín không dây ở Anh.
Tháng 1/1943, Jacqueline với mật danh Designer và người phụ trách tên Maurice Southgate nhảy dù xuống khu vực đang bị quân Đức chiếm đóng ở Pháp. Trước khi đi, cô buộc cấp trên phải hứa sẽ không điều Didi tới Pháp để đảm bảo an toàn cho em gái.
Tại Pháp, Jacqueline chịu trách nhiệm đưa thư từ và vũ khí trên khắp nước Pháp cũng như tổ chức nhiều chiến dịch phá hoại, trong đó có các vụ đánh bom thổi bay nhà máy sản xuất động cơ máy bay Luftwaffe phóng hỏa đốt cháy 27 xe tải mới sản xuất đang chuẩn bị được đưa tới Đức, phá hủy những đường ray tàu hỏa và đánh cắp 30.000 lít dầu của Đức.
Khi Southgate về nước, Jacqueline trở thành người thay thế, nắm vai trò chỉ huy mạng lưới kháng chiến và tình báo bao gồm 600 người đàn ông. Là một trong những điệp viên thành công nhất của Anh nhưng sau gần 1,5 năm Jacqueline hoạt động ở Pháp, tình báo Anh quyết định rút bà về nước. Tháng 4/1944, Jacqueline về tới London và vô cùng sợ hãi khi biết cô em gái út của mình đã đề nghị chỉ huy cho tới Pháp làm việc 2 tháng trước.
Nữ điệp viên gan dạ
Didi được điều tới Pháp với cái tên giả Jacqueline du Tertre và mật danh Hoa hồng. Từ một ngôi nhà ở ngoại ô Paris, hàng ngày Didi chịu trách nhiệm dò la thông tin và truyền tin tình báo về nước. Tháng 6/1944, quân Đồng minh tấn công Normandy, đẩy cuộc chiến ở Pháp tới hồi khốc liệt.
Mạng lưới gián điệp của Anh khi đó đóng một vai trò quan trọng trong việc phá hủy hệ thống liên lạc của Đức cũng như truyền tải thông tin về Anh để quân Đồng minh có kế hoạch tác chiến hiệu quả. Tức giận vì hoạt động của đội ngũ này, người Đức đã tăng gấp đôi nỗ lực để truy bắt điệp viên của Anh.
Ngay khi phát hiện sự xuất hiện đông bất thường của người Đức và phương tiện gần khu nhà của mình, Didi đã quyết định sẽ chuyển chỗ ở. Trung bình khi đó, một người truyền tin của tình báo Anh ở Pháp chỉ hoạt động được 6 tuần đã bị bắt nhưng Didi, dù mới 21 tuổi, đã sống sót được đến 5 tháng, thực hiện thành công 105 lần truyền tin về.
Bà Nearne dự lễ khánh thành đài tưởng niệm ở trại tập trung Ravensbruck nơi bà từng bị giam cầm năm 1993. |
Sáng 22/7/1944, Didi dự định chuyển nhà nhưng người của lực lượng kháng chiến đến và yêu cầu cô gửi tin khẩn cần gửi về Anh. Sau vài giây lưỡng lự, cô quyết định gửi nốt 1 bản tin tại nhà cũ rồi mới chuyển đi. Nhưng đó cũng là bản tin cuối cùng mà Didi có thể gửi bởi chỉ vài phút sau khi cô hoàn tất công việc, phản gián Đức đã xông vào nơi cô ở.
Didi qua cửa sổ phát hiện được việc này nên đã kịp đốt bỏ bản thảo bản tin và giấu đi chiếc bộ đàm nhưng quân Đức đã sớm tìm được chiếc máy. Sau một hồi đánh đập nhưng không thu được thông tin gì, quân Đức đã kéo lê cô qua các tuyến phố và đưa về trụ sở của chúng.
Tại đây, cô trở thành tâm điểm của những màn tra tấn dã man, bao gồm từ đánh đập cho tới dìm nước đến suýt chết ngạt. Liên tục phải gồng mình lên trước những trận đòn thù của phát xít Đức nhưng Didi đã thể hiện được rằng cô là một nữ điệp viên xuất sắc nhất trong số những điệp viên của Anh khi từ đầu đến cuối nhất định không chịu hé răng nửa lời về những bức điện tín của cô, về hệ thống mật mã thư từ của tình báo Anh hay về những đồng đội đang ở Pháp.
Tức giận vì không thể khai thác được gì từ người phụ nữ nhỏ nhắn đó, ngày 15/8/1944, 10 ngày trước khi quân Đồng minh giải phóng Paris, quân Đức quyết định đưa Didi cùng hàng trăm tù nhân khác lên những chiếc xe tải chở gia súc đi xuyên nước Pháp để tới một trại tập trung của chúng ở Đức. Trong quá trình này, cô đã tìm cách trốn chạy nhưng không thành.
Sau khi bị đưa tới trại tập trung Ravensbruck, Didi tiếp tục trở thành nạn nhân của chính sách ép làm việc cho đến chết của quân Đức cũng như những màn tra tấn khác. Dù vậy nhưng cô vẫn khăng khăng mình chỉ là một cô gái Pháp và không liên quan đến hoạt động gián điệp. Lần lượt trong các tháng 3 và 4/1945, Didi liên tục bị chuyển từ các trại tập trung này khác nhau và bị ép làm việc điên cuồng khiến sức khỏe của cô suy giảm nghiêm trọng. Cô đã bị cạo đầu, bị dọa giết nhiều lần.
Khi quân Đồng minh đẩy nhanh cuộc tấn công vào Đức, những lính canh quyết định chuyển các tù nhân ở trại tập trung của Didi tới một trại khác. Lợi dụng cơ hội đó, cô đã cùng 2 phụ nữ khác bỏ trốn. Sau vài ngày liên tục trốn chạy trong tình trạng kiệt sức và đói khát, cuối cùng, cả 3 tìm được một nhà thờ và được một mục sư tốt bụng giúp đỡ.
Khi binh lính Mỹ tới Leipzig, Didi và những người bạn quyết định tới gặp người Mỹ. Song, lính Mỹ lại nghi ngờ Didi là tình báo của phát xít Đức nên đã nhốt cô cùng những tù nhân Đức khác. Phải mất 3 tuần sau đó, khi tình báo Anh xác định được tung tích của cô, Didi mới được giải cứu.
Nghịch cảnh cuối đời
Khi Didi về lại Anh, Jacqueline đã vô cùng kinh hãi trước tình trạng của em gái. Việc bị giam cầm trong suốt nhiều tháng cộng với việc thường xuyên phải chứng kiến những người bên cạnh bị hành hạ đến chết đã để lại những vết sẹo sâu trong tâm hồn cô, biến cô từ một cô gái trẻ trung, sôi nổi trở thành một người vô hồn, thường xuyên có biểu hiện lo lắng và sợ hãi. Năm 1946, sau một thời gian bị trầm cảm và lo lắng, Didi được đưa đi điều trị nhưng chỉ phục hồi được đôi chút.
Cùng năm, sau khi một tòa án tuyên bố bà đã mất 100% năng lực lao động do bị tra tấn trong một thời gian dài, Didi được nhận mức trợ cấp cao nhất lúc bấy giờ là 175 bảng/năm, tương đương gần 5.800 USD/năm nếu tính theo thời giá hiện nay.
Tuy nhiên, 1 năm sau đó, khoản trợ cấp này bị giảm xuống còn 140 bảng mà không có lý do rồi đến năm 1948 giảm tiếp xuống còn 87 bảng và đến năm 1950 thì bị cắt hoàn toàn sau khi bà tới Pháp một thời gian dài. Chính vì thế nên cuộc sống của bà về sau vô cùng khó khăn.
Cả Jacqueline và Didi đều được cơ quan tình báo Anh ghi nhận là những điệp viên xuất sắc, có những đóng góp đáng kể cho công cuộc chống phát xít Đức. Đều cống hiến cả tuổi trẻ và cơ hội làm mẹ cho cuộc chiến chống phát xít Đức nhưng cả 2 đều không được trao huân chương cao quý thứ 2 George Cross của Anh dù một số điệp viên khác phục vụ trên chiến trường ngắn hơn được nhận phần thưởng này. Cả 2 chị em cũng không kết hôn hay có con mà cứ thế âm thầm sống dựa vào nhau.
Sau khi Jacqueline qua đời vì bệnh ung thư năm 1982, Didi càng trở nên cô độc hơn và sống biệt lập hơn. Năm 1993, bà chuyển tới Torquay. Khi thi thể bà được tìm thấy, người ta cho rằng bà đã chết trước đó vài ngày. Trong nhà không có thứ đồ đạc nào có giá trị. Không một ai biết về quá khứ hào hùng của bà vì khi còn sống bà không hề tiết lộ với họ.../.