Hội đồng niên có thể hiểu nôm na là hội của những người cùng tuổi họp lại với nhau. Ở làng Nhân Trạch có rất nhiều hội đồng niên, như hội đồng niên tuổi 1986, hội đồng niên 1982, hội đồng niên 1980, hội đồng niên 1965, hội đồng niên 1950… Một hội có thể có từ mười đến vài chục thành viên. Mỗi làng có đến vài chục hội đồng niên, ngoài Nhân Trạch là làng Vân Nội, Trinh Lương, Bắc Lãm…
Ông Nguyễn Thọ Phước (SN 1957) sinh ra và lớn lên tại Phú Lương nên biết khá rõ về những phong tục tập quán của địa phương. Ông Phước cho hay, những người tham gia hội đồng niên chủ yếu là đàn ông, con trai. Còn đàn bà, con gái khi tuổi son trẻ ít khi tham gia hội vì nhiều lý do, chủ yếu là bận chăm sóc gia đình. Chỉ khi tuổi đã cao, công việc gia đình có phần rảnh rang, họ mới nghĩ đến việc tham gia hội. Hiện nay ở địa phương, hội đồng niên trẻ nhất là hội đồng niên tuổi 1990.
Lúa đã gặt xong, công việc đồng áng đã tươm tất, những người trong hội đồng niên thường tổ chức gặp mặt tại nhà một người nào đó trong hội. Ngoài việc tổ chức liên hoan ăn uống, trò chuyện, thành viên hội đồng niên còn cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Nếu gia đình thành viên trong hội có người thân đau ốm, hoặc có việc lớn như cưới gả/tang ma… hội đồng niên đều cử người đến thăm hỏi, chúc mừng/động viên.
Những hoạt động bình dị ấy làm thắm thêm tình đoàn kết, nhân ái của những người trong hội với nhau. Một số hội đồng niên còn tổ chức “bốc họ” góp phần hỗ trợ phần nào bài toán kinh tế của mỗi gia đình.
Anh Nguyễn Văn Đăng (SN 1987, quê Mỹ Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy địa phương nào có hội đồng niên hoạt động hiệu quả và rầm rộ như phường Phú Lương. Đó thực sự là một nét sinh hoạt rất lành mạnh và có ích”. Hội đồng niên tại phường Phú Lương cũng điển hình cho lối sống giản dị, hòa đồng của người dân Đồng bằng Bắc bộ xưa nay. Mô hình này nên được gìn giữ và phát triển cho các thế hệ sau.