Tượng ông Táo vào lò
Nằm cách khu phố cổ Bao Vinh một đoạn đường không xa về phía Tây, làng Địa Linh với nghề truyền thống nặn tượng ông Táo dần hiện ra sau những làn khói từ các lò nung tượng đất. Những ngày đầu tháng 11, tháng Chạp âm lịch đến đây sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh những người thợ nhộn nhịp chuyển tượng ông Táo được nặn bằng đất sét ra phơi nắng; hoặc đưa tượng đã ráo nước vào lò xếp thành từng lớp, từng lớp để thực hiện công đoạn nung tượng.
Ở làng Địa Linh, gia đình ông Võ Văn Đức (66 tuổi) được biết đến là hộ có xưởng sản xuất tượng ông Táo lớn nhất. Lúc chúng tôi đến, 5 người thợ ở xưởng đang cần mẫn làm tượng, với mỗi người mỗi công đoạn khác nhau. Ông Đức cho biết, nghề làm tượng được gia đình duy trì suốt hàng chục năm qua và cứ đến tháng 3 âm lịch thì bắt đầu đào đất, chuẩn bị nguyên liệu.
Để việc nặn tượng ông Táo diễn ra nhanh hơn và tạo ra nhiều sản phẩm, gia đình ông Đức đã tạo khuôn gỗ lim. Các thành viên trong gia đình sẽ luân phiên đúc tượng ông Táo. Đầu tiên, người đúc rải vào khuôn gỗ lim một ít tro để chống dính, sau đó đưa đất sét dẻo vào khuôn và dùng dây cước gạt. Tượng sẽ được phơi nắng trước khi đưa vào lò nung. Tượng ông Táo được xếp chồng lên nhau trong lò nung.
Để tượng không bị nứt nẻ thay vì dùng củi, người dân phải dùng vỏ trấu để nung tượng. Tro của lò nung sẽ được cất giữ để phục vụ việc đúc tượng. "Nhiệt độ lò nung sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tượng. Việc quan sát, chọn kỹ từng tượng để tránh tình trạng ông Táo chưa nung kỹ bị gãy", ông Đức nói.
Tượng ông Táo sau khi rời khỏi lò nung có màu đỏ gạch, được vệ sinh lớp tro bám bên ngoài. Khâu cuối cùng và quan trọng nhất - sơn màu, vẽ trang trí tượng.
“Cứ mỗi dịp Tết, xưởng chúng tôi sản xuất hàng vạn bức tượng ông Táo để phục vụ thị trường ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế và nhiều tỉnh, thành miền Trung. Các thương lái thu mua mỗi tượng từ 3-5 nghìn đồng, trừ chi phí nguyên vật liệu thì người thợ làm tượng chỉ lấy công làm lời”, ông Đức bày tỏ.
Tại nhà ông Võ Văn Nam (56 tuổi) chúng tôi cũng bắt gặp cảnh những người thợ tất bật làm tượng ông Táo. Những mẻ tượng cuối năm được người thợ cho khỏi lò nung để hoàn tất công đoạn trang trí hoàn thiện sản phẩm. Ông Nam cho hay, theo tín ngưỡng người Việt Nam, ông Táo là vị thần cai quản việc bếp núc của gia chủ.
Để có nguyên liệu đúc tượng, từ tháng 7-8 âm lịch, ông Nam đã đi tìm mua đất sét ở nhiều nơi về đãi sạch, ủ trước nhà. Từ đầu tháng 10 âm lịch, các thành viên trong gia đình ông Nam chuẩn bị nguyên liệu đúc tượng ông Táo. Mỗi buổi sáng, bà Hoàng Thị Lượng, vợ ông Nam ra làm đất, đưa đất sét đã ủ vào cho con gái đúc tượng.
Vào ngày 23 tháng Chạp, gia chủ cúng tiễn 3 vị Táo quân cưỡi cá chép bay lên trời để trình báo lại với Ngọc Hoàng mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình trong năm và rước tượng mới về thờ tự cho năm tiếp theo. Vì thế, nghề làm tượng ông Táo của làng Địa Linh đến nay vẫn duy trì và tồn tại. Là người khéo tay, tinh mắt nên anh Bôn (trái), con rể ông Nam phụ trách việc vẽ râu, tóc, mắt cho ông Táo. Những bức tượng đã tô màu được đóng vào bao nylon chờ thương lái đến nhận.
Để phục vụ tục cúng đưa ông Táo về trời đón Tết Tân Sửu, gia đình ông Nam dự kiến cho ra lò khoảng 50.000 tượng ông Táo. Mỗi bức tượng được thương lái thu mua 5.00-1.000 đồng.
Giữ nghề cha ông
Theo phong tục của người Việt, vào ngày 23 tháng chạp, người dân sẽ làm lễ cúng đưa ông Táo về trời. Tượng ông Táo cũ sẽ được đưa ra để các miếu hoặc gốc cây cổ thụ, điểm cao. Tượng ông Táo mới được đưa về thờ trên gian bếp.
Bình quân mỗi vụ Tết Nguyên đán, gia đình ông Nam xuất xưởng hơn 30 nghìn tượng ông Táo, giúp những người thợ làm nghề có thêm thu nhập khi Tết đang cận kề. “Giờ đây, gia đình không những giữ nghề để mưu sinh mà chúng tôi làm nghề với trách nhiệm gìn giữ nghề của cha ông để lại. Nếu chúng tôi không giữ lấy nghề thì nghề này sẽ mai một và rồi sẽ mất đi như bao nghề khác thì thật đáng tiếc”, ông Nam trăn trở.
Theo người dân làng nghề Địa Linh, vào thời Nguyễn, nhà vua cho đặt tại làng một xưởng lấy đất làm gạch với tên gọi “Nê ngõa tượng cục” và tên làng là do vua thấy đất tốt mới ban cho. Phần lớn các công trình dinh thự, lăng tẩm vua quan triều Nguyễn đều được lấy đất tở Địa Linh để làm gạch phục vụ xây dựng.
Về sau, nhận thấy nguồn đất sét có chất lượng tốt, lại dồi dào nên người dân trong thôn đã tận dụng để nặn tượng ông Táo. Và nghề này đã được “cha truyền con nối”. Ông Trương Đắc Giàu, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết, do sản phẩm tượng ông Táo chỉ tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm, đặc biệt vào tháng 11 âm lịch và tháng Chạp nên địa bàn xã đã có nhiều hộ bỏ nghề, chỉ còn một số hộ dân giữ nghề truyền thống để mưu sinh.
Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tích cực vận động các hộ dân cố gắng gìn giữ nghề nặn tượng ông Táo để lưu giữ nghề truyền thống. Cứ đến vụ Tết, bình quân mỗi xưởng cho ra lò từ 3 đến 5 vạn tượng ông Táo. Những bức tượng này được thương lái mua về “bỏ sĩ” tại các chợ, hoặc vận chuyển đi các tỉnh, thành để phục vụ thị trường Tết. Nhờ thế mà sản phẩm tượng ông Táo ở làng Địa Linh ngày càng được nhiều người biết đến hơn, giúp sản phẩm của làng nghề có chỗ đứng trên thị trường vào dịp Tết…