“Làm dâu” đất Tây Sơn
Trên đường đến nơi trồng đào tại thôn Bính Đức, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, tôi đã mường tượng đến hình ảnh chủ vườn đào. Chẳng ngờ, chủ vườn còn khá trẻ. 45 tuổi, tên Phạm Văn Tạo, thế nhưng đã gần 30 năm gắn bó với đào.
Chủ pha ấm trà nóng mời khách, còn tôi xin phép cho chiêm ngưỡng “những cô gái thủ đô” đỏng đảnh đang ngự trị nhan sắc nơi cánh đồng thôn dã miền Trung. Nhiều gốc đã có những cánh hoa bung nở và mặc nhiên sặc sỡ, mặc kệ cơn mưa phùn lất phất.
“Đã ba mươi năm đào về cư ngụ trên vùng đất này…”, anh Tạo tâm sự rồi kéo tôi về với tách trà đậm vị, cắt dòng suy tưởng của vị khách trẻ. Bằng lời nói chậm rãi và thân thiện, anh kể tôi nghe hành trình đào Bắc “nhập hộ khẩu” trên miền đất võ Tây Sơn mà vài người ví von, đào Bắc nhọc nhằn về “làm dâu” xứ Nẫu… Giống đào gia đình đang trồng chính là loại bích đào Nhật Tân nổi danh xứ Bắc.
Ngày xưa, cha anh, ông Phạm Thứ Hiếu lấy vợ ngoài Thanh Hóa và có một thời gian sinh sống nơi quê vợ, ông thường hay tới lui thủ đô nên có cơ duyên học được cách chăm đào và thú trưng đào vào Tết. Năm 1986, ông theo chuyến tàu Bắc – Nam trở về quê cha đất mẹ Bình Định, trên hành trang không quên mang theo hai gốc đào nhỏ bằng ngón tay.
Tàu dừng ga Diêu Trì, một người bạn đón ông. Thấy hai cây đào mảnh khảnh, bạn ông Hiếu chốt một câu: “Ông mang về làm gì, đất này làm sao trồng”. Ấy vậy, mà sau bao năm, ngay trên chính đất ruộng miền Trung, cây đào đã vươn mình trong gió nảy nụ, thực hiện “hành trình vượt cạn” ngoạn mục để giữ sắc đào đến hôm nay.
“Ngày đó, cha tôi giữ một cây, còn một cây đưa tôi. Tôi chăm sóc kỹ nó từng ngày. Chẳng ai ngờ từ một gốc đào khẳng khiu đã đâm chồi trổ nụ ra những bông hoa đầu tiên rực rỡ…”, anh Tạo không che giấu được niềm thích thú khi nhớ lại lần đầu tiên thấy hoa đào nở bằng chính bàn tay chăm dưỡng của mình.
Sau đó, anh học cách nhân giống cây đào bằng cách chiết cành mà cha anh bày lại trước khi ông lên định cư hẳn trên Gia Lai cùng người con út. Rồi anh học hỏi thêm kinh nghiệm trong một chương trình hướng dẫn chăm đào được phát trên đài Tiếng nói Việt Nam.
Dấu vết bùn non còn lấm trên mặt vì vừa hoàn thành việc gieo sạ vụ đông xuân sau triền miên cơn lũ lúc tinh sớm, anh cười: “Muốn việc gì thành cũng phải học cả. Trồng đào đã 30 năm nhưng giờ đây tôi vẫn còn phải học nhiều thứ nữa…”.
Anh Tạo nhân giống nhiều cây, tết đến mang tặng vài người bạn thân và trưng trong nhà, lấy đó làm niềm vui những lúc nông nhàn và sau những giờ tập trung vào công việc làm cửa nhôm sinh nhai.
Anh không nghĩ rằng sẽ có ngày đào “góp gạo góp cơm” trong những ngày nhọc nhằn mưu sinh của người dân quê xứ Nẫu. Năm 1996, một người xa quê một lần trở về Bính Đức tảo mộ, thấy sắc đào tươi thắm liền nài nỉ mua một nhánh về trưng trong nhà chơi xuân.
Anh Tạo chọn nhánh to, đẹp nhất bán cho vị khách. Rồi tiếp đến vài người khác cũng tìm đến mua. Năm đó, anh bán đào được gần một triệu đồng, góp chút vui vào công việc gia đình của người nông dân thường ngày cày sâu cuốc bẫm. Đào anh trồng từ đó cũng được nhiều người biết đến hơn.
Đào đã có mặt ở Tây Sơn như thế. Anh Tạo tâm sự, mẹ anh ngắm hoa đào mà cũng nguôi ngoai đi nỗi nhớ quê, điều đó là nhờ sự kì công của cha anh đã mang đào từ Bắc về.
Tôi chợt nhớ đến một giai thoại đẹp về cành đào Nhật Tân liên quan đến mối tình “trai anh hùng, gái thuyền quyên” giữa vua Quang Trung và Ngọc Hân công chúa. Cành đào thắm đã phần nào làm vơi dịu nỗi nhớ khắc khoải quê cha đất tổ của người con gái hoàng tộc đất Bắc vào tận Phú Xuân làm hoàng hậu.
Khách ngã giá gốc đào anh Tạo trồng phía trước nhà |
Gian nan chăm đào
Để phát triển vườn đào, chăm chút cho đào ra hoa là cả một hành trình gian nan, đòi hỏi lòng kiên nhẫn.
Anh Tạo trải lòng: “Những ngày đầu nhân rộng nhánh ra gặp khá nhiều trở ngại. Một phần bởi thiếu kinh nghiệm, phần thì các loại sâu bệnh hại thân đào khiến nhựa tứa ra làm cạn kiệt sức sống. Nhất là khí hậu không tương thích, miền Trung nắng gió thất thường, bão lụt triền miên. Mà đào là giống nắng không ưa, mưa không chịu. Nắng quá hay mưa quá đều có hại cho đào…”.
Tôi quan sát trên mảnh vườn, có ba gốc đào đang rũ lá. Tôi ngầm hiểu nguyên nhân vì sao như thế. Anh Tạo đưa bàn tay nâng cành đào đang rệu rã, lắc đầu: “Chưa có năm nào như năm nay, mưa lũ liên tục, dẫu đào được tôi trồng ở vùng đất cao, loại đất pha cát để dễ rút nước nhưng vẫn có vài cây bị úng thủy vì mưa gió quá dữ dội. Tôi đào gốc bỏ qua một chậu khác nhưng vẫn không cứu được”.
Từ trong ánh mắt của người chủ vườn, dường như có gì đó mất mát vượt ngoài giá trị vật chất… Cũng dễ hiểu, bao công sức chăm bẵm suốt một năm ròng rã, gắn bó qua bao mưa nắng nhìn đào lớn lên từng chút một, giờ nhìn những “đứa con tinh thần” gục ngã, sao anh chẳng xót được.
Cách đây hơn 20 năm, mẹ anh có mang từ Bắc về một cây bạch đào, hoa ra một màu trắng muốt rất độc đáo. Nhưng nhiều người bảo rằng bạch đào có cốt cách thần tiên, chỉ thích hợp an ngự ở các chùa chiềng, nơi “thiên sơn bách lãng” nên không chuộng trưng trong nhà. Bởi vậy, gia đình anh cũng không nhân giống ra.
Về sau, thời tiết thất thường, cây đào không giữ được. Đó đã trở thành niềm nuối tiếc lớn đối với người thanh niên có lòng say mê đặc biệt với đào.
Đào chủ yếu có ba loại: phai đào, bạch đào và bích đào. Trong đó, giống bích đào anh Tạo đang trồng là loại được mọi người chuộng nhất vì hoa màu đỏ thắm, nhiều cánh, giữ được sắc lâu nhưng cũng là loại đào đòi hỏi sự chăm sóc công phu nhất. Những năm gần đây, anh không chọn lựa cách dưỡng gốc đào rồi tạo thế như hoa mai miền Trung hoặc như các nghệ nhân trồng đào ở xứ Bắc mà chủ yếu nuôi lấy cành.
Để có cành đào đẹp, anh Tạo phải thường xuyên ngắt đọt, kéo dãn nhánh để gốc tỏa nhánh ra vun đầy. “Làm không khéo, đào đẻ nhánh ít, cây suông đuột thì coi như hỏng dáng đào xuân”, anh Tạo trầm ngâm chỉ tay vào vài gốc đào mà anh chưa ưng ý lắm. Đơn giản, như anh Tạo giãi bày, việc tạo nhánh không phải lúc nào cũng suông sẻ…
Nuôi đào đã khó, để đào ra hoa càng khó gấp mười lần như vậy. Chủ vườn phải chọn thời điểm thích hợp để “xuống lá”. Đặc thù của cây đào có nhiều nét tương đồng như mai. Khí hậu ấm nóng, hoa ra sớm. Tiết trời lạnh, hoa ra muộn.
“Nếu khí hậu ôn hòa, tầm từ ngày 2 đến ngày 5 tháng Chạp âm lịch là bắt đầu xuống lá để hoa ra đúng dịp tết. Đã nhiều năm có khi hoa đào nở trước Tết cả tuần hoặc sau Tết nhiều ngày khiến công chăm sóc cả năm bỗng “sôi hỏng bỏng không”. Nhưng cũng qua nhiều lần như thế, tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để đào ra hoa đúng dịp”, người “nghệ nhân nông dân” chia sẻ những ngày gắn bó với vườn đào.
Quả thật, “nghề chơi cũng lắm công phu”. Sau khi lặt lá đào, chủ vườn một lần nữa bấm lại hết đọt để cây tập trung dinh dưỡng nuôi búp. Sau khi khoanh vỏ, từ nách lá, những nụ mầm xuất hiện, nhiều người chưa biết cứ nghĩ đó là những con rầy nâu đang bám vào cành. Thực ra, đằng sau lớp áo ngụy trang tưởng chừng héo rũ kia là một mầm sống đang âm thầm trỗi dậy, nảy nở ngày càng bụ bẫm để đợi gió đông về bung tỏa, khoe sắc rực rỡ đón xuân.
Để đào tạo nụ, là một bí kíp rất riêng mà anh Tạo đã đúc kết được sau 30 năm gắn bó với đào, từ động tác khoanh vỏ đúng thời hạn, đến bón phân hữu cơ, mớm nước cho đào sinh nụ.
Anh Phạm Văn Thừa, một người cùng thôn Bính Đức, cũng đã thử nhân giống đào từ vườn anh Tạo, lắc đầu cười bảo rằng, trồng đào khó quá, nhiều hộ dân ở đây cũng thử trồng nhưng đều thất bại cả, chỉ có vườn đào anh Tạo là hiệu quả nhất khi nở đúng dịp xuân.
Anh Tạo đang chăm sóc cho đào |
Sắc xuân từ những chắt chiu…
Tôi tiếp tục tham quan khu vườn tìm thêm những hoa đào “nở vụng” trước mùa. Lúc tôi đang tư lự trước vài hoa đào đang hàm tiếu, thì một người khách lạ cũng vừa ghé đến vườn đào chỉ gốc đặt cành. “Khách đặt sớm vậy, vì sợ hết hàng”, anh Tạo cho tôi hay.
Theo chia sẻ của người chủ vườn thân thiện, khách đến chỉ cây, ghi tên rồi để trong túi ni lông treo trên cành đào để đánh dấu là “hoa đã có chủ”. Tầm 25 tháng Chạp, khách đến đông, mỗi ngày vườn anh Tạo đón vài ba chục khách. Họ đa phần là người quê gốc xứ Bắc, sống ở Quy Nhơn, năm nào cũng vậy, họ lên đến tận nơi mua đào mang về trưng trong dịp Tết, để khuây khỏa nỗi nhớ quê nhà.
Trước khi gửi gắm đào cho khách, sau công đoạn cắt cành, anh Tạo tiến hành thui gốc để nhựa cây khỏi thoát ra ngoài, tập trung dinh dưỡng còn lại trong thân nuôi búp và hoa. Hoa đào giữ được từ 10 – 15 ngày tùy theo cách chăm sóc của người chơi đào. Nở đến khi hết búp mới thôi. Đào chuộng nước, và đặc biệt phải là nước ngọt.
Có lần, anh Tạo mang đào xuống cho khách ở Quy Nhơn. Đoạn đường xa gần 50 kilômet khiến nhiều hoa đào rũ buồn, khách lo lắng cho số phận cành đào, tỏ vẻ ái ngại.
Anh Tạo bảo yên tâm, chỉ cần “bơm ô xi” thì “nàng ấy” sẽ tỉnh. Vậy là anh đặt cành đào vào bình gốm, rót nước cho lưng lưng rồi phun nước hơi sương lên cành nụ, đào tỉnh giấc, thắm đỏ trở lại chỉ sau ít phút trước ánh mắt ngạc nhiên của vị khách mê hoa. Hóa ra, nước ngọt là thứ “ô xi” không thể thiếu của đào.
Người chủ vườn trung niên còn chia sẻ mẹo giữ sắc đào lâu phai bằng cách bỏ thêm viên vitamin B1 hoặc ít đường cát vào, đào sẽ vắt cạn sức mình bung nở những sắc màu tươi thắm. Tôi trộm nghĩ, loài hoa đẹp ấy đã hoàn thành một vòng đời nghiệt ngã nhưng cũng đầy kiêu hãnh của mình. Với màu sắc đỏ thắm rạo rực, có hoa phớt hồng lung linh căng tràn nhựa sống sẽ mang đến nhiều sinh khí và may mắn cho năm mới.
Anh Tạo chỉ trồng với số lượng khiêm tốn nên đào chỉ đủ cho những khách quen. Có lẽ vậy mà số người biết đến vườn đào của anh không nhiều. Với giá thành dao động từ 100 – 500 ngàn đồng một nhánh, gốc. Mỗi năm anh thu nhập tiền bán đào từ 15-20 triệu, góp vào lo việc gia đình.
Ba mươi năm gắn bó với đào, cũng đã cho anh được những niềm vui về vật chất và cả tinh thần. Điều đó như một sự khích lệ để anh tiếp tục nhân giống đào, loại hoa nhiều tiềm năng và triển vọng, góp sắc xuân trên miền đất võ.
Tôi bịn rịn nán lại trước vườn đào của anh một lúc lâu dù trời đã chạng vạng, trong thời tiết se lạnh, ngắm sắc thắm của hoa đào thấy lòng mình thêm rộn ràng như mùa xuân đang đến rất gần. Vườn đào ấy cũng đã bao lần tàn, nở cùng bao chắt chiu, tâm huyết của chủ vườn đào.
Dù nhỏ thôi, nhưng những “cô dâu trên miền đất võ” đã hoàn thành sứ mệnh của mình, cùng trăm loài hoa khác mang xuân về, làm nguôi ngoai phần nào những nỗi niềm xa xứ, và cả những phiền ưu trong một năm nhiều biến động của đất và người xứ Nẫu.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu