-Mặc dù chúng ta đã có không ít giải pháp để hạn chế và đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái nhưng dường như nó vẫn không hề giảm bớt. Phải chăng, các biện pháp đó vẫn chưa đủ mạnh, thưa ông?
Đúng vậy, nguyên nhân chính để “căn bệnh” trầm kha này vẫn tồn tại là do các chế tài xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe. Các cơ quan thực thi pháp luật thì chưa có sự phối hợp đồng bộ trong việc triển khai các hoạt động phòng chống.
Ngoài ra cũng phải kể đến những hạn chế trong việc thông tin tuyên truyền về các vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái cho người tiêu dùng.
Song song với đó là những bất cập trong việc cấp các chứng chỉ, chứng nhận (CR, giấy phép). Theo tôi, một đơn vị đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh mặt hàng (ví dụ như nón bảo hiểm) phải hội tụ đầy đủ các yếu tố như: Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp tại Cục Sở hữu Trí tuệ; Được cấp Giấy phép kinh doanh; Khi đáp ứng đầy đủ các yếu tố trên mới được cấp chứng chỉ CR.
Chính vì thế, cần phải rất nghiêm ngặt, nhất quán trong việc cung cấp chứng chỉ, chứng nhận giúp cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý rõ ràng để xử lý các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái đồng thời giúp doanh nghiệp đảm bảo quyền và các lợi ích hợp pháp của mình.
-Vậy theo ông, đâu là giải pháp hữu hiệu để giải quyết thực trạng đáng buồn này?
Để hạn chế và đẩy lùi vấn nạn này, theo tôi cần sự kết hợp của các yếu tố sau: Thứ nhất, doanh nghiệp cần phối hợp cùng các cơ quan truyền thông công khai danh tính các đơn vị, cá nhân, tổ chức vi phạm hàng giả, hàng nhái đến đông đảo người tiêu dùng và công chúng; Tăng tối đa mức chế tài xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm (ngoài các mức phạt hành chính phải bị rút giấy phép và các chứng chỉ liên quan).
Thông báo cho các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương biết rõ đối tượng vi phạm và tiếp tục theo dõi để kịp thời xử lý (vì các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái thường lặp đi lặp lại nhiều lần hành vi này); Đặc biệt thực hiện tiêu hủy công khai hàng giả, hàng nhái đồng thời thông báo cho người tiêu dùng trực tiếp theo dõi và giám sát.
-Nón Sơn là một thương hiệu khá nổi tiếng. Chính vì vậy doanh nghiệp thường xuyên phải đối mặt với vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Ông có thể chia sẻ về những kinh nghiệm bảo vệ thương hiệu của mình?
Nón Sơn là sản phẩm luôn phải đối mặt với tình trạng làm giả, làm nhái. Vì thế, chúng tôi phải thường xuyên phối hợp cùng các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này (Cảnh sát kinh tế, Quản lý thị trường…), cũng như các cơ quan truyền thông đại chúng để kịp thời triển khai các hoạt động phòng chống.
Bên cạnh đó, Nón Sơn còn trực tiếp đưa cán bộ của công ty đi nắm bắt thị trường, nhằm phát hiện cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái để phối hợp xử lý cùng các cơ quan chức năng.
Để ngăn chặn việc làm hàng giả, hàng nhái, Nón Sơn đã chủ động đăng ký tại Cục Sở hữu Trí tuệ về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp cho từng loại sản phẩm cũng như từng mẫu mũ nón trước khi đưa ra thị trường. Chúng tôi cũng rất kịp thời trong việc cảnh báo các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái bằng thư cảnh báo.
-Nói như vậy thì doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này? Còn người tiêu dùng, ông đưa ra lời khuyên nào với họ?
Theo tôi, doanh nghiệp phải mạnh dạn đương đầu với vấn nạn này, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật để kịp thời xử lý tận gốc rễ vấn đề, mặc dù phải tốn kém rất nhiều về công sức và tài chính.
Còn đối với người tiêu dùng, phải tăng cường công tác tuyên truyền để họ không vì thiếu hiểu biết hoặc bị lôi kéo mà sử dụng các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.