Sau thời gian khởi kiện tranh chấp, công lý đã mỉm cười với Công ty Cường Thịnh Phát bằng bản án khách quan, đúng pháp luật của TAND TP Hồ Chí Minh và Tòa án Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng không ngờ, đường đến công lý của doanh nghiệp đã bị dang dở bởi quyết định kháng nghị của TANDTC thiếu cơ sở pháp lý…
Nội dung vụ việc
Công ty TNHH MTV thương mại - dịch vụ Cường Thịnh Phát (Cty Cường Thịnh Phát) do bà Mai Thị Tuyết Nhung làm giám đốc, trụ sở tọa lạc tại ấp Suối Cát 2, xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai với ngành nghề kinh doanh là mua bán xuất nhập khẩu hàng nông sản.
Năm 2011, Cty Cường Thịnh Phát (gọi tắt là bên mua) có ký hợp đồng mua bán với Cty Ms Farlin Commodities Pte.Ltd (gọi tắt là bên bán), bên mua mua hạt điều thô có nguồn gốc Ivory Coast, BỜ BIỂN NGÀ, với số lượng 1000 tấn, trị giá 1.385,50 USD/tấn theo phương thức thanh toán 98% L/C trả chậm trong vòng 90 ngày.
Sau khi nhận hàng của bên bán, bên mua đã kiểm tra lại chất lượng và khối lượng lô hàng tại cảng bốc dỡ hàng tại cảng Cát Lái (TP HCM) với sự giám định của Vinacontrol TP HCM đã phát hiện hàng hóa của bên bán không đạt chất lượng. Cụ thể: tỉ lệ giám định bình quân nhân thu hồi hạt điều cho 2 lần cắt mẫu hạt điều là quá thấp so với điều kiện để từ chối.
Do vậy, bên mua đã nhiều lần liên lạc với bên bán để giải quyết các vấn đề phát sinh về chất lượng của lô hàng nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ bên bán. Cực chẳng đã, Cty Cường Thịnh Phát đã nộp đơn khởi kiện đến TAND TP HCM yêu cầu bên bán nhận lại lô hàng hạt điều 1000 tấn vì chất lượng nằm trong điều kiện từ chối nhận hàng trong hợp đồng, bên mua không đồng ý thanh toán tiền mua hàng, đồng thời yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tạm ngưng thanh toán cho bên bán cho đến khi có quyết định khác của tòa án số tiền là 1.313.308,85 USD theo L/C trả chậm do Eximbank (Chi nhánh Đồng Nai) phát hành ngày 7/7/2011 theo cam kết thanh toán của bên mua.
Tại Bản án số 356/2014 ngày 7/4/2014 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa của TAND TP HCM thể hiện, Tòa đã mời các bên có nghĩa vụ liên quan như Eximbank, Ngân hàng NOVA nơi mở tín dụng thư của bên bán, bị đơn có trụ sở ở nước ngoài nên tòa đã thực hiện việc tống đạt hợp lệ cho bên bán thông qua Bộ Tư pháp Việt Nam theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tương trợ tư pháp 2007 và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, bên bán vẫn vắng mặt và không có ý kiến phản hồi nên tòa đã căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 199 và khoản 3 Điều 302, điều 417 của Bộ luật Tố tụng Dân sự để tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn.
Bản án sơ thẩm quyết định: Hủy bỏ Hợp đồng mua bán số FARCOM/RCN/IVC/036/2011 ngày 7/6/2011 giữa bên bán là Cty Ms Farlin Commodities Pte.Ltd và bên mua là Cty Cường Thịnh Phát, tuyên buộc bên bán nhận lại toàn bộ lô hàng 1000 tấn hạt điều kém phẩm chất tại kho của Cường Thịnh Phát.
Về phía Chi nhánh ngân hàng Eximbank Đồng Nai không còn hiệu lực thanh toán và Eximbank Việt Nam không có nghĩa vụ thanh toán cho ngân hàng Nova SCotia theo luân chuyển trả chậm; buộc Eximbank Việt Nam phải hoàn trả cho Cty Cường Thịnh Phát số tiền ký quỹ là 1.313.308.85USD tiếp tục duy trì biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm buộc các bên có nghĩa vụ liên quan chấp hành đúng theo trình tự của bản án có hiệu lực pháp luật.
Phía Eximbank kháng cáo bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm vụ án vào ngày 26/8/2015 do Tòa án Cấp cao tại TP HCM xét xử, đại diện của Eximbank đi công tác đột xuất nên không tham dự phiên tòa và có đơn xin hoãn nhưng Hội đồng xét xử và VKSND Cấp cao không chấp nhận vì trước đó đã xin hoãn 2 lần. Hội đồng xét xử quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của Eximbank.
Eximbank cố tình không hoàn trả tiền ký quỹ cho khách hàng
Khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, Cty Cường Thịnh Phát đã có đơn yêu cầu thi hành án dân sự với Eximbank. Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã ra nhiều quyết định thi hành tống đạt đến bên bán yêu cầu đến nhận lại lô hàng 1000 tấn hạt điều thô, sau 30 ngày bên bán không đến nhận thì cơ quan thi hành án có thẩm quyền bán phát mãi theo quy định nhằm trả lại mặt bằng kho bãi cho Cty Cường Thịnh Phát, buộc Eximbank Việt Nam Chi nhánh Đồng Nai phải hoàn trả cho Cty Cường Thịnh Phát số tiền ký quỹ là 1.313.308,85USD.
Đến ngày 19/11/2015, Phó Chánh án TANDTC Bùi Ngọc Hòa ký Công văn số 15/CV-GĐKII yêu cầu hoãn thi hành án trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày 23/11/2015. Đến ngày 20/2/2016, hết thời hạn hoãn thi hành án nhưng sự việc vẫn rơi vào im lặng. Ngày 23/2/2016, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP HCM tiếp tục ra Quyết định số 69/QĐ-CTHA buộc Eximbank Chi nhánh Đồng Nai hoàn trả cho Cty Cường Thịnh Phát số tiền ký quĩ nói trên nhưng Eximbank lấy lý do đang khiếu nại chờ giám đốc thẩm để trì hoãn thi hành.
Quá bức xúc vì tình trạng đồng vốn của Cty Cường Thịnh Phát bị Eximbank viện dẫn nhiều lý do nhằm kéo dài việc thi hành án đã gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp, Giám đốc Cty Cường Thịnh Phát Mai Thị Tuyết Nhung cho rằng hành vi của Eximbank đã xâm phạm nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của Cty Cường Thịnh Phát, thời gian xảy ra tranh chấp đã hơn 5 năm, hàng hóa niêm phong để trong kho không được xử lý đúng cách nên 1000 tấn hạt điều thô đã bị nấm mốc, phân hủy, phát tán mùi hôi gây ô nhiễm môi trường. Hậu quả là doanh nghiệp gặp khó khăn về kinh tế, 700 công nhân của công ty đã bị mất việc làm. Bà Nhung chỉ biết gửi đơn kêu cứu khắp nơi.
Đến ngày 7/3/2016, TANDTC có kháng nghị giám đốc thẩm do Phó Chánh án Bùi Ngọc Hòa ký, kháng nghị Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại số 29/2015/QĐPT-KDTM ngày 28/8/2015 của Tòa án Cấp cao tại TP HCM. Kháng nghị cho rằng Tòa Cấp cao tại TP HCM đình chỉ xét xử phúc thẩm là không đúng qui định của pháp luật và yêu cầu TAND TP HCM xét xử lại.
Bà Mai Thị Tuyết Nhung dẫn nguồn các bộ chứng từ thể hiện đơn cử như sau: ngày 25/7/2011 Eximbank nhận được bộ chứng từ đòi tiền lô hàng có giá trị hơn 961 ngàn USD ngày đáo hạn 29/9/2011 từ Ngân hàng Nova, đến ngày 4/8/2011 có điện chấp thuận thanh toán cho Nova, đến ngày 8/8/2011 Eximbank mới bàn giao bộ chứng từ cho Cty Cường Thịnh Phát và các lần khác cũng tương tự như thế, trong khi đó Eximbank điện chấp nhận thanh toán hối phiếu khi chưa bàn giao chứng từ và được sự chấp thuận của người mở L/C là vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Việt Nam.
Sau vụ mua bán có tính chất gian lận thương mại của phía đối tác, Cty Cường Thịnh Phát đã khởi kiện ra tòa, đồng thời tòa án cũng đã có lệnh niêm phong tài khoản bằng biện pháp khẩn cấp tạm thời, như vậy số tiền của Cty Cường Thịnh Phát ký quỹ tại Eximbank Đồng Nai vẫn phải giữ nguyên và nằm trong tài khoản của Cường Thịnh Phát.
Bà Mai Thị Tuyết Nhung bức xúc cho biết: “Việc kháng nghị của TANDTC cho rằng L/C là bộ phận tách rời độc lập với hợp đồng ngoại thương là không đúng quy định pháp luật, vì hình thức thanh toán L/C là phương thức thanh toán được các bên thỏa thuận và ghi nhận trong hợp đồng. Cty chúng tôi chưa thanh toán cho bên bán thì lấy cơ sở nào để chúng tôi kiện bên bán trả lại tiền, trong khi đó bên bán là Cty Farlin chưa nhận được”.
Từ những phân tích trên thấy rằng, việc TANDTC ra kháng nghị giám đốc thẩm đối với Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại số 29/2015/QĐPT-KDTM ngày 28/8/2015 của Tòa án Cấp cao tại TP HCM là không có căn cứ, cần phải bác bỏ nội dung kháng nghị này, giữ nguyên bản án phúc thẩm nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho Cty Cường Thịnh Phát, cũng là để pháp luật được thực thi một cách khách quan, minh bạch.