Đơn cử trong số đó là trường hợp của Công ty CP Đầu tư phát triển Công nghệ Đỉnh cao (Cty Đỉnh cao). Theo phản ánh thì hiện Cty này đang gặp khó khăn trong việc nhập khẩu lô hàng là giấy metalize dùng làm nhãn mác để cung cấp cho các nhà máy sản xuất bia, rượu và nước giải khát.
Được biết, sự việc đã kéo dài suốt gần 2 năm và phía Cty Đỉnh cao cũng đã có đơn phản ánh gửi tới các cơ quan chức năng có liên quan nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách cụ thể. Chính vì vậy mà Cty Đỉnh cao đang đối mặt nguy cơ có thể sẽ phải dừng hoạt động.
Theo Cty Đỉnh cao, đơn vị này có nhập khẩu một lô hàng là giấy dán mác đã được tẩy trắng, còn phủ một lớp epoxy là chất kết dính để dán vào các loại chai bia, nước giải khát của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thông quan, cơ quan Hải quan cho rằng lô hàng này của Cty Đỉnh cao là plastic nên phải áp vào mức thuế khác.
Cty Đỉnh cao cho rằng, kết quả kiểm định của cơ quan chuyên môn (Trung tâm phân tích và kiểm định, Viện Công nghệ Giấy và Xenluylô) đã khẳng định rất rõ lô hàng của đơn vị này nhập khẩu về gồm giấy tẩy trắng, tráng lớp bạc và phủ một lớp epoxy làm chất kết dính. Việc cơ quan Hải quan đưa lô hàng này vào áp dụng cho loại mặt hàng là plastic (nhựa) là không thỏa đáng.
Cũng theo phía Cty Đỉnh cao, lô hàng đơn vị này nhập khẩu có kết quả phân tích là: “Giấy nền đã tẩy trắng, giữa là lớp bột nhôm, trên cùng là phủ một lớp epoxy trong suốt dùng để in nhãn mác hàng hoá”. Thế nhưng, cơ quan Hải quan lại ra thông báo: “Giấy nền đã tẩy trắng, giữa phủ lớp bột nhôm, trên cùng là phủ một lớp plastic và áp mã HS hàng hoá là 48115999.”
Lý giải về vấn đề này, Cục Kiểm định Hải quan - Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ thông báo KQPL số 3325/TB-TCHQ ngày 31/3/2014 của Tổng cục Hải quan, “giấy đã được phủ bột nhôm một mặt” có kết luận phân tích là giấy làm từ bột chưa tẩy trắng được phủ một mặt bằng vật liệu ép từ nhựa, có lớp nhũ nhôm ở giữa, không dính, dạng cuộn thường được dùng để cách nhiệt vào mã 48115999.
Theo quan điểm của cơ quan Hải quan, tại Chú giải 1 Chương 39 của Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam cho thấy, trong toàn bộ danh mục khái niệm plastic có nghĩa là các loại nguyên liệu thuộc nhóm 39.01 đến 39.14 có khả năng tạo hình dạng dưới tác động bên ngoài (thường là nhiệt độ, áp suất, nếu cần có thể thêm dung môi hay chất hoá dẻo).
Bên cạnh đó, trong nội dung hướng dẫn thì nhóm 39.07 ghi: polyaxetal, polyete và nhựa epoxit dạng nguyên sinh; polycarrbonat, nhựa alkyd, este, polyallyl và các polyeste khác dạng nguyên sinh, nhựa epoxy nhóm 39.07 trong Danh mục. Như vậy, tên gọi plastic được áp dụng cho nhựa epoxy đã được quy định tại Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam tại Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính. Kết quả phân tích lớp trên cùng epoxy được thông báo là plastic vì epoxy nằm trong Chương 39 của Danh mục.
Bày tỏ quan điểm của mình, Cty Đỉnh cao khẳng định, Chú giải 1 Chương 39 ghi rõ: Trong toàn bộ danh mục khái niệm “plastic” có nghĩa là các loại nguyên liệu thuộc nhóm 39.01 đến 39.14; có khả năng tạo thành hình dạng dưới tác động bên ngoài (thường là nhiệt độ, áp suất, nếu cần có thể thêm dung môi hay chất hoá dẻo) tại thời điểm polyme hoá hoặc tại các giai đoạn tiếp theo bằng phương pháp đúc, đổ khuôn, đùn, cán hay các quá trình tại hình khác và giữ nguyên hình dạng khi không có tác động bên ngoài.
Như vậy, mục đích của phần chú giải này nhằm nêu ra đặc điểm cơ bản của các nhóm hàng từ 39.01 đến 39.14 thuộc Chương 39 (plastic và các sản phẩm từ plastic)… Khái niệm plastic là tập hợp các nhóm hàng từ 39.01 đến 39.14, còn epoxy là tên nhóm hàng hoá cụ thể, nên tên gọi plastic không thể áp dụng cho epoxy được.
Cty Đỉnh Cao cho rằng, việc cán bộ chuyên môn thuộc cơ quan Hải quan trong quá trình thực hiện công vụ đã đưa epoxy vào danh mục thuộc nhóm hàng plastic chính là nguyên nhân làm phát sinh thêm nhiều khó khăn cho quá trình xuất nhập khẩu hàng hoá.
Chia sẻ quan điểm dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Đối với sự việc này, có thể thấy những vấn đề khiếu nại của doanh nghiệp là có cơ sở. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, lắng nghe và giải quyết vấn đề từ phía cơ quan chức năng phải được thực hiện một cách nghiêm túc, khẩn trương”.
Theo nội dung phản ánh của doanh nghiệp thì loại hàng hoá mà doanh nghiệp nhập khẩu hiện đang ở trong tình huống: đưa vào danh mục plastic cũng được mà đưa vào danh mục epoxy cũng được. Tuy nhiên, đây là một điều không được phép trong quy định của pháp luật và thực hiện áp mã hàng hoá để thực hiện việc thu thuế.
Đối với trường hợp này, quy định của Bộ Tài chính đã nêu rất rõ và ngay cả trong quy định của Tổng cục Hải quan cũng đã khẳng định: Việc kiểm định phải được thực hiện bằng máy và kết quả này sẽ lấy làm cơ sở cho việc áp mã hàng hoá. Như vậy có thể thấy, việc kiểm định bằng máy để làm rõ bản chất mã hàng hoá và lấy làm cơ sở cho việc áp dụng thuế theo từng mặt hàng cụ thể.
Theo nội dung Phiếu kết quả thử nghiệm số 94 ngày 14/4/2021 của Trung tâm Phân tích và Kiểm định - Viện Công nghiệp giấy và Xenluylo, mẫu giấy phủ màng Metalize của Công ty CP Đầu tư phát triển Công nghệ Đỉnh Cao có cấu tạo gồm 3 lớp: Lớp đế giấy; lớp giữa tráng kim loại; lớp trên cùng là Epoxy resin.
Luật sư Đặng Xuân Cường nhấn mạnh: “Việc phân định plastic hay epoxy phải thực hiện theo quy định, lấy kết quả kiểm định bẳng máy để làm cơ sở cho việc áp mã hàng hoá. Đây là quy định có tính chất bắt buộc và làm sở cứ để thực hiện việc thu thuế đối với doanh nghiệp”.