Sáng nay (2/3), Sách Trắng 2017 “Các vấn đề thương mại & đầu tư và kiến nghị”” được EuroCham công bố khẳng định, các thành viên EuroCham rất phấn khởi trước những nỗ lực thay đổi tích cực hơn của Việt Nam trong xây dựng một Chính phủ mới với các giá trị ưu tiên như Chính phủ liêm chính, phát triển bền vững, với tinh thần phục vụ người dân và cộng đồng DN.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại gây trở ngại cho các DN Châu Âu và các thành viên EuroCham mong muốn được tiếp tục làm việc và thắt chặt mối quan hệ hợp tác với Chính phủ để xây dựng khung pháp lý hiệu quả và môi trường kinh doanh tích cực vì lợi ích của Việt Nam, người dân Việt Nam và các DN châu Âu.
Quan tâm đến ngành thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, các DN châu Âu cho rằng, mục tiêu đạt 30 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông sản của Chính phủ Việt Nam hoàn thành hay không tùy thuộc vào khả năng giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm vì đây là vấn đề hiện nằm ngoài tầm kiểm soát và có tác động tới hoạt động xuất khẩu và sức khỏe người tiêu dùng.
“Chúng tôi tin rằng việc chưa được trang bị đầy đủ kiến thức hoặc thiếu nhận thức về nguy cơ lạm dụng sản phẩm bảo vệ thực vật, kháng sinh và chất phụ gia đã phần nào tác động tiêu cực đến độ an toàn của sản phẩm và sức khỏe của người tiêu dùng” – Sách Trắng 2017 của EuroCham nêu.
Do đó vấn đề quan trọng hiện nay là phải tiếp tục nâng cao nhận thức vì hiểu biết của người dân về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm. DN châu Âu hy vọng, Bộ luật Hình sự 2015 sẽ góp phần giảm số vụ vi phạm an toàn thực phẩm và cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong vai trò là quốc gia sản xuất nông nghiệp và thực phẩm an toàn.
Doanh nghiệp châu Âu cũng kiến nghị Việt Nam xem xét lại danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng, thành lập cơ quan độc lập quản lý về an toàn thực phẩm, áp dụng phương pháp đánh giá dựa trên cơ sở phân tích rủi ro…
Việt Nam cần áp dụng kiến thức đổi mới sáng tạo và nông nghiệp công nghệ cao |
Trước tình trạng cùng một xét nghiệm cho ra nhiều kết quả khác nhau trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm, doanh nghiệp châu Âu cảnh báo sẽ khiến các sản phẩm của Việt Nam “kém cạnh tranh và mất uy tín”, “ảnh hưởng đến sức khỏe người dân vì khó có thể xác định khi nào sản phẩm an toàn”.
Do vậy, Việt Nam cần xây dựng và khuyến khích xây dựng mạng lưới phòng thí nghiệm đáng tin cậy, cải tiến phương pháp lấy lượng mẫu có tính đại diện, thiết lập hệ thống lấy mẫu và xét nghiệm ngẫu nhiên; xây dựng và triển khai áp dụng các chuẩn mực rõ ràng cho các chỉ số khác nhau trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm…
Ngoài ra, Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản thuộc EuroCham chỉ rõ, để giữ vững hoặc nâng cao vị thế là quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, Việt Nam không chỉ cần tăng cường an toàn thực phẩm mà còn phải phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng nông nghiệp bền vững.
Việc đa dạng hóa sản phẩm, chuyển sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao với chiến lựơc xây dựng thương hiệu và đăng ký chỉ dẫn địa lý được chuẩn bị kỹ càng, áp dụng kiến thức đổi mới sáng tạo và nông nghiệp công nghệ cao cũng sẽ giúp tăng cường hiệu quả và chất lượng, đồng thời mở ra thị trường tại các quốc gia láng giềng.