Tiện mà chưa chắc đã lợi
Chị N.T.Hà, sinh viên trường Cao đẳng Y Yên Bái, trong một lần về Thanh Hóa thăm bạn, gặp phải tình huống “ngậm đắng nuốt cay” cho hay: “Mình đứng đường tránh thành phố Thanh Hóa bắt xe đi Mỹ Đình, thấy rõ ràng xe có đề biển ghi là Thanh Hóa – Mỹ Đình mới lên và thu 100 nghìn tiền vé.
Thay vào việc đến bến xe Mỹ Đình thì xe chạy thẳng vào bến xe Giáp Bát trả khách. Mình thắc mắc thì lái xe bảo xe chỉ chạy đến đây thôi, muốn đi sang Mỹ Đình thì bắt xe buýt. Vì bức xúc nên mình nói lại thì bị 2 thanh niên phụ xe văng tục chửi chẳng ra gì, ấm ức đành phải chịu mà quay ra ngoài bắt xe.
Lơ ngơ ngoài cổng thì gặp xe đi Phú Thọ, miệng mời chào đón khách, tay đã kéo mình lên xe và bảo sẽ đưa về đúng Yên Bái mới lấy tiền. Tuy nhiên khi đi qua Việt Trì thì nhà xe thu 200 nghìn từ Hà Nội đến Phú Thọ, mình thắc mắc vì đắt quá thì nhận những lời chẳng “hay ho” và bảo nếu muốn về Yên Bái thì nộp thêm 300 nghìn nữa, có vé Nhà nước hẳn hoi, trong khi túi mình chỉ còn vẻn vẹn 250 nghìn.
Bức xúc đòi xuống xe, mình liền bị lái xe khóa cửa không cho xuống, bắt đưa đủ 200 nghìn. Bước đường cùng mình đành xin nhà xe, liền bị ăn chửi và nhận những lời “chêu ghẹo” của mấy phụ xe. May mà có khách cùng xe tốt bụng xin đỡ và cho tiền trả, không thì chẳng biết làm sao”.
Còn anh N.T.Anh, năm cuối trường Luật than vãn: “Năm nào cũng vậy, dịp như thế này về quê là cả một cực hình. Cứ dịp lễ Tết, các nhà xe cam kết không tăng giá vé, không chở quá số khách quy định, số điện thoại nóng của bến xe, nhà xe dán khắp nơi, thậm chí ngay trên xe.
Nhưng khi khách đã lên xe ra khỏi bến thì bắt khách vô tội vạ, thu tiền cao gấp đôi, có dịp gấp 3 lần ngày thường. Gọi đến số điện thoại nóng thì nói sẽ xử lý nhưng rút cục đâu lại đấy, chẳng thấy ai xử lý, xe cứ thẳng tiến”.
Trái ngược với sự than vãn và tâm lý “lo ngại” khi đi xe của hành khách, các nhà xe lại tỏ ra “vui mừng”, bởi đây là những dịp để nhà xe tăng giá vé bù lại những ngày “ế ẩm”.
Anh T, chủ nhà xe T.P, chạy tuyến Yên Bái - Hà Nội có vẻ “hồ hởi”: “Cả năm có mấy ngày lễ tết chứ có phải ngày nào cũng như vậy đâu, ngày thường nhà xe chạy chỉ được hơn chục khách mỗi chuyến, khách lại lên xuống dọc đường.Tính ra có ngày lỗ hoặc có được thì cũng chẳng là bao. Những ngày lễ tết như thế này, nhà xe tranh thủ tăng giá vé "chút ít", bắt thêm ít khách dọc đường để bù lại những ngày thường vắng khách”.
Mất tiền, bực mình vì thói quen tuỳ tiện
Ngày 18/4, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp nghỉ lễ Giải phóng Miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5.Trong đó có việc thiết lập đường dây nóng để phản ánh và ngăn chặn tình trạng xảy ra như ở trên.
Mặc dù là ngày bình thường, chưa đến kỳ nghỉ lễ 30/4, nhưng theo quan sát của phóng viên ở tại các trục đường Giải Phóng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng… việc lái xe dừng đỗ bắt khách còn diễn ra thường xuyên, đặc biệt vào trong giờ cao điểm. Hiện tượng khách không vào bến mua vé mà đứng đường chờ bắt xe khách còn phổ biến.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, phó giám đốc bến xe Mỹ Đình cho rằng: “Đó là một thói quen của đại đa số hành khách, thói quen bắt xe dọc đường cho “tiện” là tự hại mình của hành khách đi xe, tạo điều kiện cho nhà xe “bắt chẹt” hành khách.
Khi hành khách bắt xe dọc đường, lúc đó giá vé hay chỗ ngồi là sự thỏa thuận giữa chủ xe và hành khách, vấn đề xảy ra thường là hành khách phải chịu. Có phản ánh hay gọi điện vào đường dây nóng của bến thì cũng thiếu tính pháp lý để xử lý. Vì vậy nên vào bến mua vé để đảm bảo quyền lợi cho mình, tránh hiện tượng dọc đường bắt phải xe dù”.
Ông Tuấn cho biết thêm, bên cạnh việc tùy tiện bắt xe khách dọc đường của hành khách là tâm lý e ngại của hành khách khi bị “bắt chẹt” về giá vé hay bị nhồi nhét, đa số thường là thôi đành trả tiền cho xong chuyện. Nếu có gọi vào đường dây nóng của bến xe thì hành khách còn e ngại không cho biết tên, địa chỉ, biển số xe... để đến bến xe đối chứng chứng minh vi phạm của nhà xe, nên việc xử lý nhà xe, lái xe rất khó. Kể cả hành khách bắt xe dọc đường, nếu phản ánh mà chứng minh được nhà xe vi phạm về giá và nhồi nhét khách hoặc có thái độ không đúng, bến xe vẫn xử lý được.
Đồng quan điểm trên với ông Tuấn, ông Nguyễn Tất Thành, giám đốc bến xe Giáp Bát còn cho biết, ngoài việc vào bến mua vé để đảm bảo quyền lợi cho mình thì hành khách nên thay đổi ý thức, thói quen bắt xe dọc đường. Khi vào bến mua vé, sẽ đảm bảo được chỗ ngồi và giá vé đúng quy định, khi lên xe nếu có hiện tượng thu tiền quá quy định hoặc nhồi nhét khách, hành khách phản ánh hoặc gọi theo đường dây nóng về bến thì bến có đủ cơ sở để xử lý nhà xe và lái xe vi phạm.
Trung tá Nguyễn Chí Công, đội trưởng Đội CSGT số 6, công an Hà Nội cho hay, vừa qua xử lý nguội hàng trăm xe khách dừng đỗ bắt khách nhưng chỉ giảm phần nào, bởi người dân vẫn có thói quen đứng đón xe khách ở dọc đường. Giờ lực lượng xe ôm, người bán nước làm “hoa tiêu” cảnh giới cho cánh lái xe bắt khách dọc đường nên việc phát hiện xử lý càng khó. Việc hành khách bắt xe dọc đường là ý thức cần phải thay đổi, như vậy mới giảm được việc thu giá vé quá quy định và nhồi nhét khách. Nếu không thì hành khách còn phải chịu thiệt thòi về việc đó.
Để cung ứng được khả năng đi lại của hành khách, Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội đã tăng cường 350 lượt xe từ chiều ngày 29 đến 30/4. Trong đó, Bến xe Phía Nam là 100 lượt xe/ngày, Bến xe Mỹ Đình là 200 lượt xe/ngày, Bến xe Gia lâm là 50 lượt xe/ngày. Các tuyến có chiều dài cách Hà Nội dưới 500km như: đường đi Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vinh, Sơn La….Công ty quản lý bến xe Hà Nội yêu cầu các đơn vị vận tải đảm bảo đưa đủ phương tiện vào hoạt động, bổ sung xe, tăng cường xe đường dài cho các tuyến ngắn.