Tiếng lòng của bà con dân tộc
Hôm chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Thàm Ngọc Kiến, vừa bước vào trong ngõ đã bị mê hoặc bởi tiếng đàn tính tẩu cùng giọng hát truyền cảm. Thì ra ông Kiến đang dạy hát then miễn phí cho các cháu học trò. Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với ông là giọng nói rất trầm ấm, nói nghe hay như hát, khi ông hát mà là hát then thì thật làm say đắm lòng người.
Ông Kiến là người dân tộc Nùng nên rất tâm huyết với nghệ thuật then của dân tộc.
Ông tâm sự: “Ngoài tỉnh này thì Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang cũng đều có then. Then thường được sử dụng vào những ngày hội làng, cầu mát nhà cửa những ngày đầu năm, sinh con đầu lòng, giải trừ tà ma, chữa bệnh.
Đối với các đồng bào dân tộc, nhất là người Tày, Nùng sống ở vùng cao phía Bắc này thì then chính là tiếng lòng, là lời ru, là món ăn tinh thần của họ”.
Theo ông Kiến, hiện nay then có các làn điệu khác nhau, nhưng chủ yếu nó vẫn gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào. Then là “tiếng mẹ đẻ” của dân tộc, họ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, phong tục tập quán, tình yêu đôi lứa...
Ở các mùa trong năm, tiếng đàn tính và giọng then đều có các cung bậc, cảm xúc khác nhau. Tiếng đàn của mùa xuân thường vui tươi nhộn nhịp, còn mùa thu lại buồn man mác và lãng mạn.
Cũng theo ông Kiến, nhạc cụ đi kèm với lời hát là tính tẩu. Đối với các ông thầy cúng họ cực kỳ quý trọng cây đàn tính của mình. Khi các ông thầy đi cúng, họ thường làm một cái lễ nhỏ để xin phép tổ sư. Đàn tính thường được treo trang trọng trên vách, gần bàn thờ tổ sư. Trong ngày hội hoặc các nghi lễ tín ngưỡng, thầy cúng thường bọc đàn tính trong vải đỏ, cho bầu đàn hướng về phía trước. Thầy cúng dùng đàn để đệm, có thể diễn tấu một mình hoặc nhiều đàn cùng một lúc. Đàn gồm có 6 bộ phận là bầu đàn, cần đàn, dây đàn, khóa đàn, ngựa và mặt đàn.
Theo người Tày, Nùng, then chỉ có một vài giai điệu cơ bản nhưng nó lại lôi cuốn người nghe bằng giọng điệu và sự phong phú của ca từ. Then có nghĩa là cửa, lối đi, lối hát. Thông thường nghệ nhân phải biết vận dụng những thế mạnh của bản thân để thể hiện những ca từ cho phù hợp với vùng miền.
Ông Kiến cho rằng cái tài của người hát then cổ là họ vừa chơi đàn vừa kết hợp với các chùm nhạc xóc trong các nghi lễ như cầu mưa, cầu lửa, giải hạn cầu may, cầu được mùa… Theo quan niệm của người Tày, Nùng, then chính là chiếc cầu nối giữa con người và thần linh.
Ông Kiến nói: “Về mặt tâm linh, then chính là hình thái sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Thông qua các nghi lễ tín ngưỡng thì then được chia thành then văn, then tướng và nhiều hình thức khác. Ông Trời và bà Bụt sẽ là chiếc cầu nối giữa vạn vật và vũ trụ.
Họ tin rằng nhờ có các vị thần tiên phù hộ nên cuộc sống của dân làng mới yên ổn, không có thiên tai dịch bệnh, người dân sẽ được ăn cơm no, mặc áo đẹp.
Vì các ông thầy cúng lưu giữ các nghi lễ nên đồng bào mới có dịp ôn lại những kỷ niệm về phong tục tập quán, tín ngưỡng. Trong các ngày diễn ra nghi lễ, đồng bào cũng trở nên đoàn kết hơn.
Trong đời sống, then còn chứa đựng các quy ước như: Tôn trọng người già, tôn trọng truyền thống văn hóa, lệ tục của dòng họ, đồng thời nhắc nhở mỗi thành viên trong gia đình cần phải có trách nhiệm với cội nguồn, tổ tiên.
Đàn được ông Kiến làm để phục vụ cho công tác giảng dạy và bán cho các trường văn hóa nghệ thuật.
|
Người giữ lửa then trong các bản làng
Chính vì then có tầm ảnh hưởng quan trọng trong đời sống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng nên ông Kiến tham gia rất nhiều hội diễn như Liên hoan hát then toàn quốc, Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và đoạt nhiều giải thưởng cao quý là 04 Huy chương Bạc tại các hội diễn toàn quốc và rất nhiều giải của tỉnh, huyện trao tặng.
Theo ông Kiến, người xưa thường trình diễn then theo hình thức diễn xướng tổng hợp là vừa hát, đệm đàn và múa để thể hiện nội dung câu hát, đôi khi còn biểu diễn cả những trò nhai chén, dựng trứng, dựng gươm... Ngày nay lời của then thường hướng đến Đảng, ca ngợi Bác Hồ hoặc tình yêu đôi lứa, phong tục tập quán.
Về tâm linh, lời then thường lấy vạn vật và thần linh để làm yếu tố chủ đạo. Họ thường lấy thịt các con thú rừng về để giải hạn, khao tổ tiên, khao mẫu sinh (mẫu ban lộc sinh đẻ). Tiếng hát then thần kỳ đến mức người đang ốm đau chỉ nghe thấy coi như khỏi bệnh. Then có nhiều tác dụng như chữa bệnh, giải hạn, cầu tài, cầu lộc.
Trong đời sống văn hóa của các cộng đồng dân tộc như Tày, Nùng, Thái, hát then không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng. Theo quan niệm xưa, then có nghĩa là “thiên”, là cầu nối tâm linh mang theo lời thỉnh cầu, mong ước của con người tới thánh thần.
Vì vậy vào mỗi dịp trong năm như cúng cầu an, giải hạn, cúng tổ tiên hay mừng nhà mới, mừng thọ ông bà, cha mẹ đều không thể vắng bóng những giai điệu then cổ.
Nhớ lại quãng thời gian 30 năm công tác ở Đoàn Ca múa Dân gian tỉnh Hà Giang, từng đi rất nhiều tỉnh ở khu vực phía Bắc để biểu diễn, kỷ niệm đáng nhớ nhất với nghệ nhân Thàm Ngọc Kiến là tình cảm của bà con dân tộc dành cho bản thân ông và điệu hát then truyền thống.
Có một kỷ niệm mà ông Kiến không thể quên, đó là vào năm 1994 khi ông cùng đoàn nghệ thuật biểu diễn ở xã Nà Hang (Tuyên Quang): “Hôm đó khi tôi vừa biểu diễn xong thì có một cụ già tàn tật bị gãy một chân chống nạng lên sân khấu ôm lấy tôi vì xúc động. Sau đó ông ấy mời bằng được tôi về nhà ăn cơm. Tối hôm ấy tôi ở lại bản và cả đêm hôm đó tôi cùng hát xướng với bà con”.
Ông Kiến mong muốn thế hệ trẻ cần phải giữ gìn, sử dụng chính tiếng của dân tộc mình trong sinh hoạt thì mới giữ lại được cái “hồn” then của dân tộc. Ngoài ra, ông Kiến cũng mong lớp trẻ cần phải tìm tòi, nghiên cứu văn hóa then cổ của dân tộc để các câu hát sẽ mãi sống trong lòng quần chúng.
Ông Kiến tâm tư: “Để công tác bảo tồn hát then - đàn tính đạt hiệu quả, đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương, ngành văn hóa thông tin cần có chế độ chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân xứng đáng. Bởi lưu giữ “hồn” then là điều rất khó khăn vì nó còn mang ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng”.