Xã Ô Lâm được xem là xã nghèo bậc nhất của huyện Tri Tôn, đời sống bà con gặp không ít khó khăn, thiếu thốn. Trong đó tình hình khan hiếm nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt là vấn đề vô cùng quan trọng. Vì vậy nắng hạn trong mùa khô trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều bà con nơi đây.
Trước tình hình này, chính quyền địa phương cũng như Nhà nước đã nỗ lực tìm giải pháp nhằm cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, vệ sinh, giặt giũ… cho người dân. Tuy nhiên nguồn nước để ăn uống hàng ngày đều phải tận dụng từ các giếng nước khoan. Chính vì vậy, việc có một giếng nước ngọt tự nhiên để sử dụng là điều may mắn hiếm có đối với bà con xã Ô Lâm.
“Lúc trước, hàng năm ở đây thường gặp hạn hán, chúng tôi phải lên tận trên núi lấy nước về sử dụng ăn uống, giặt giũ. Một người đi cả ngày trời chỉ lấy được chừng bốn can nước. Đến khoảng năm 2002, Nhà nước bắt đầu hỗ trợ nước sinh hoạt, còn nước để ăn uống thì bà con thường ra giếng này lấy”, ông Chau Sông, Phó Bí thư ấp Phước Lộc cho biết.
Nhờ giếng nước này, người dân đỡ vất vả đi gánh nước xa, tiết kiệm được không ít thời gian công sức |
Nằm trơ trọi giữa cánh đồng mùa khô, dù chỉ sâu khoảng 1,5m, nhưng giếng nước này có một điểm đặc biệt là không bao giờ cạn. Nước trong giếng rất ngọt và mát. Người dân cứ thay phiên nhau lấy nước liên tục. Lấy hết nước lại rịn ra tiếp. Từ tờ mờ sáng đến tối sẩm, bà con muốn lấy lúc nào cũng được mà không cần phải tranh giành nhau.
Giếng này nhỏ, miệng giếng chưa đến 3m, với hai bậc thang đất, chỉ vừa đủ một người xuống ngồi múc nước. Cho nên, để lấy đầy một can nước 30 lít, bà con thường phải mất khoảng 15 – 20 phút. Bên cạnh việc lấy nước về cho gia đình, bà con cũng tận dụng giếng này để kiếm thêm thu nhập. Ai có thời gian rảnh rỗi, có thể lấy nước ở đây về bán lại với giá 10.000đ/can 30 lít, mỗi ngày kiếm được từ 70.000 – 80.000 đồng.
Không ai nhớ rõ giếng này tồn tại từ bao giờ, họ chỉ biết câu chuyện khởi đầu từ một người đàn ông tên Tà Choi, là một người chuyên đi thăm dò, lùng sục các mạch nước ngầm tự nhiên. Thấy đời sống bà con nơi đây khó khăn, đặc biệt mùa khô lại thiếu nước nghiêm trọng, ông Choi đã tiến hành tìm kiếm tại vùng đất này. Suốt nhiều ngày miệt mài tìm kiếm, cuối cùng ông Choi phát hiện ra mạch nước ngầm nên đào lên thử. Kết quả, suốt hơn mười năm qua, cả ấp Phước Lộc với hơn 600 hộ dân đã sống nhờ vào giếng nước nhỏ này do ông Tà Choi khai phá.
Từ khi có giếng nước này, người dân đỡ vất vả đi gánh nước xa, tiết kiệm được không ít thời gian công sức. Nếu trước kia họ phải lặn lội 3-4km mới có nước thì giờ đây chỉ cần đi vài trăm mét đã có nước sử dụng. “Lúc đầu thấy mọi người trong ấp ai cũng đến chỗ này lấy nước nên tôi cũng đến lấy theo. Từ vài năm nay, ngày nào tôi cũng lấy ở giếng này hết mà không cần phải tốn tiền mua nước về uống nữa, cuộc sống khỏe hơn nhiều”, cô Néang Kim Done phấn khởi cho biết.
Chính vì nhờ giếng nước đặc biệt này mà bà con ở đây luôn có đủ nguồn nước sạch để dùng vào mùa khô hạn. Không ai bảo ai nhưng mọi người đều trân trọng và có ý thức giữ gìn giếng chung, không để người phá hoại. Vì giếng nằm thấp hơn mặt đất nên đất cát thường rất dễ rơi xuống làm bẩn nước, nên mùa mưa người dân sẽ lấp giếng lại, đợi đến khi mùa khô lại đào ra.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu