Nghị định đưa ra 6 yêu cầu đối với các quy hoạch về cảng hàng không, sân bay. Cụ thể: Thứ nhất, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc được lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Thứ hai, phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, của vùng, địa phương.
Thứ ba, đáp ứng yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thứ tư, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành hàng không Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển hàng không dân dụng quốc thế. Thứ năm, bảo đảm các yếu tố về địa lý, dân số, phát triển vùng, miền; chính sách sử dụng đất nông nghiệp; bảo vệ môi trường. Thứ sáu, bảo đảm khai thức an toàn, hiệu quả cảng hàng không, sân bay.
Theo Nghị định, cơ quan tổ chức lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay là Bộ Giao thông Vận tải. Trách nhiệm của cơ quan tổ chức lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay bao gồm: Quyết định cơ quan lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay; Thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay; Lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Phê duyệt quy hoạch cảng hàng không, sân bay theo thẩm quyền.
Thời hạn xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch cảng hàng không, sân bay là không quá 3 tháng. Nội dung quy hoạch cảng hàng không, sân bay gồm có: Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng đất xây dựng, dân cư, hạ tầng kỹ thuật, địa hình; Đánh giá các dự án, các quy hoạch đã và đang triển khai trong khu vực; Xác định tính chất, vai trò, quy mô cảng hàng không, chỉ tiêu sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật cho toàn khu vực quy hoạch; Quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất; Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung; Vị trí, quy mô hệ thống các hạng mục công trình khu bay; Hướng đường cất hạ cánh; Vị trí các hạng mục công trình bảo đảm hoạt động bay; Vị trí, quy mô các công trình cung cấp dịch vụ hàng không trong từng khu chức năng…
Vẫn theo Nghị định, quy hoạch cảng hàng không, sân bay phải lấy ý kiến các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh có liên quan. Sau đó, cơ quan tổ chức lập quy hoạch phải thành lập Hội đồng thẩm định để tổ chức thẩm định quy hoạch. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình thẩm định quy hoạch, nếu hồ sơ đáp ứng điều kiện để tổ chức thẩm định, Hội đồng thẩm định gửi hồ sơ thẩm định quy hoạch tới thành viên Hội đồng để lấy ý kiến. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình thẩm định quy hoạch, thành viên Hội đồng thẩm định gửi ý kiến bằng văn bản tới cơ quan thường trực Hội đồng để tổng hợp.
Trường hợp quy hoạch đủ điều kiện trình quyết định hoặc phê duyệt, không có yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc học thẩm định quy hoạch, Hội đồng thẩm định trình Chủ tịch Hội đồng phê duyệt Báo cáo kết quả thẩm định gửi cơ quan lập quy hoạch để hoàn thiện hồ sơ trình duyệt quy hoạch. Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan lập quy hoạch sẽ tổ chức công bố quy hoạch. Về chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ nguồn kinh phí thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước hoặc từ các nguồn vốn khác…
Đáng chú ý, quy hoạch cảng hàng không, sân bay phải được rà soát theo định kỳ 5 năm/lần hoặc trường hợp đặc biệt khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm tổ chức, rà soát quy hoạch; kết quả rà soát quy hoạch phải được báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch.
Với việc nhiều tỉnh, thành đề xuất đầu tư có thêm cảng hàng không, sân bay mới trong thời gian qua, tại Hội thảo “Góp ý quy hoạch tổng thể Cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2050” diễn ra ngày 3/3, đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia hàng không cho rằng quy hoạch phát triển cảng hàng không phải chú trọng đầu tư có trọng điểm và đi kèm với đó rất nhiều các tiêu chí khắt khe để có thể phê duyệt.