Cấp đổi giấy chứng nhận huấn luyện: thực hiện theo trình tự nào?
Điểm a khoản 7 Điều 9 Dự thảo quy định các trường hợp thay đổi điều kiện hoạt động, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề nghị kiểm tra, cấp đổi giấy chứng nhận huấn luyện cho các đối tượng đã được huấn luyện bổ sung. Tuy nhiên, Dự thảo lại không có quy định về thủ tục cho trường hợp cấp đổi này, vì thế, khi trao đổi với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp không rõ thủ tục này thực hiện tương tự như cấp lần đầu quy định tại Nghị định hay là một dạng thủ tục mới?
Trong khi đó, tại điểm b khoản 7 Điều 9 Dự thảo quy định trường hợp Giấy chứng nhận huấn luyện bị hư hỏng, mất thì doanh nghiệp sẽ thực hiện thủ tục để đề nghị cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận. Tuy nhiên, Dự thảo không quy định về trình tự, thủ tục hành chính này. “Điều này có thể gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về thủ tục này, theo hướng đơn giản về hồ sơ (chỉ cần giấy đề nghị nêu rõ lý do), thời gian giải quyết thủ tục (ngắn, khoảng 03 ngày làm việc) bởi trong trường hợp này doanh nghiệp không có thay đổi gì về bản chất, chỉ đơn giản là giấy chứng nhận bị mất hoặc hư hỏng, vì vậy không cần nhiều thời gian để thẩm định hồ sơ” – văn bản của VCCI gửi Bộ Công Thương nêu rõ.
Quy định về quản lý, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp: Phù hợp với quy định của Luật?
Khoản 1 Điều 10 Dự thảo quy định “vật liệu nổ công nghiệp khi chưa sử dụng phải được bảo quản tại kho chứa đã được các tổ chức có thẩm quyền nhất trí về vị trí đặt đảm bảo các yêu cầu về an ninh, khoảng cách an toàn, các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và chất lượng công trình xây dựng theo quy định”.
Theo VCCI, quy định trên cần được xem xét. Thứ nhất, về tính thống nhất, khoản 2 Điều 9 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (2017) quy định về điều kiện của kho được sử dụng để bảo quản vật liệu nổ, trong đó có điều kiện “có nội quy, phương án bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy, kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và phương tiện bảo đảm an toàn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”. Theo quy định này thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét và phê duyệt về “nội quy, phương án bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy, kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và phương tiện bảo đảm an toàn” mà không phải là “vị trí” của kho chứa. “Do vậy, quy định yêu cầu kho chứa phải được “tổ chức có thẩm quyền nhất trí về vị trí đặt” dường như chưa phù hợp với quy định của Luật” – VCCI nêu.
Về tính minh bạch, yêu cầu kho chứa được tổ chức có thẩm quyền “nhất trí” về vị trí đặt thực chất là một dạng của thủ tục hành chính, cụ thể là cơ quan nhà nước phê duyệt đồng ý hoặc không đồng ý, sau đó doanh nghiệp mới được phép làm. Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định rõ về trình tự, thủ tục để có được sự nhất trí này hoặc dẫn chiếu tới văn bản có quy định.
Từ các phân tích trên, để đảm bảo tính thống nhất, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị sửa đổi quy định trên theo hướng yêu cầu kho chứa đảm bảo các yêu cầu về an ninh, khoảng cách an toàn, các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và chất lượng công trình xây dựng theo quy định.