Hồ sơ, thủ tục nhận hỗ trợ đối với người dân gặp khó khăn do Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Đại dịch Covid-19 được hướng dẫn bởi Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
1. Đối với NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương:
Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:
- Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/5/2021 đến ngày 21/12/2021.
- Đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
2. Đối với NLĐ ngừng việc
Người lao động được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
- Đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng trước liền kề tháng người lao động ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động.
3. Đối với NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
- Chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
4. Đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế
- Trẻ em (người dưới 16 tuổi theo quy định của Luật Trẻ em)
- Người điều trị do nhiễm COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế để phòng, chống COVID- 19 (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền:
Hỗ trợ từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày với F0, tối đa 21 ngày đối với F1.
5. Đối với viên chức hoạt động nghệ thuật
Viên chức hoạt động nghệ thuật được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV.
- Làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.
6. Đối với hướng dẫn viên du lịch
Hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Có thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch.
- Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
7. Đối với hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Có đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế.
- Phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.
8. Đối với người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
Người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH, khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Người sử dụng lao động đã đóng đủ BHXH hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4 năm 2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% số lao động tham gia BHXH trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị so với tháng 4 năm 2021. Số lao động tham gia BHXH tính giảm bao gồm:
+ Số lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật trừ đi số lao động mới giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày người sử dụng lao động có văn bản đề nghị.
+ Số lao động đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động mà thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
+ Số lao động đang nghỉ việc không hưởng tiền lương mà thời gian nghỉ việc không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
+ Số lao động đang ngừng việc mà thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
- Số lao động tham gia BHXH tính giảm chỉ bao gồm người làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; không bao gồm người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 01/5/2021.
Nghị quyết 68 của Chính phủ: Quyết sách kịp thời, nhân văn, thiết thực, hợp lòng dân
Nghị quyết 68 không chỉ bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch.
Việc ban hành một quyết sách không chỉ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn mà còn tạo điều kiện, tiền đề để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống có hiệu quả. Do vậy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ cụ thể, Nghị quyết 68 đã quy định rõ các nguyên tắc trong quá trình thực hiện, đó là: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện; phân cấp trách nhiệm hỗ trợ giữa ngân sách nhà nước Trung ương và ngân sách nhà nước địa phương (tỉnh, thành phố).