20/38 dự án vi phạm quy hoạch xây dựng
Đánh giá về việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch đã phần nào được nói lên tại thông báo Kết luận Thanh tra số 1183/TB-TTCP ngày 23/7/2021 về Một số dự án đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hà Nội (giai đoạn 2003 -2016).
Cụ thể, theo cơ quan thanh tra, ngày 20/6/1998, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Tính đến năm 2008 có 100% các quận, huyện thuộc Hà Nội cũ được triển khai Quy hoạch chi tiết theo Luật Xây dựng 2003 (14 đồ án). Tuy nhiên, các đồ án này mới chỉ dừng ở quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông tỷ lệ 1/5000-1/2000, chưa có những quy định cụ thể về thiết kế đô thị. Hệ thống quy hoạch mạng lưới hạ tầng xã hội và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật mới chỉ được nghiên cứu ở tỷ lệ 1/25.000-1/10.000.
Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1259/QĐ-TT phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi Quy hoạch chung được phê duyệt, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai tổ chức lập 68 đồ án bao gồm 35 đồ án quy hoạch phân khu và 333 đồ án quy hoạch chung.
Tuy nhiên, việc triển khai đồ án quy hoạch phân khu quá chậm, các đồ án quy hoạch phân khu đến năm 2015 mới được phê duyệt (H1-2; H1-3; H1-4; H1-1A,1B,1C). Việc chậm phê duyệt quy hoạch làm ảnh hưởng đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, phá vỡ quy hoạch, gây quá tải cho mạng lưới giao thông và hạ tầng ở một số khu đô thị.
Đáng chú ý, kiểm tra 38 dự án, hầu hết đã triển khai theo quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ căn cứ vào quy hoạch chi tiết xây dựng các quận, huyện tỷ lệ 1/2000 theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020; công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng còn nhiều hạn chế, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh cục bộ nhiều lần; có 20/38 dự án vi phạm quy hoạch xây dựng, vi phạm dự án chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 (giai đoạn trước Nghị quyết số 33/2008/NQ-CP) không phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đã được duyệt (số tầng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng hầm, tầng kỹ thuật, nâng chiều cao tầng nhà…)
Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận phương án kiến trúc không tuân thủ quy định của pháp luật và Sở Xây dựng cấp phép xây dựng theo phương án kiến trúc cho 10 dự án có thêm các tầng kỹ thuật không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt, thực tế một số chủ đầu tư dự án không sử dụng và công năng kỹ thuật mà chủ yếu xây dựng để sử dụng vào mục đích kinh doanh làm văn phòng, dịch vụ thương mại và dịch vụ công cộng cho thuê nhưng chưa được UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng xác định giá thu tiền sử dụng đất, dẫn đến nhiều chủ thuê đất, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc và cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư 11 dự án xây dựng công trình tầng hầm vượt chỉ giới xây dựng, có dự án trùng với chỉ giới đường đỏ, vi phạm Điểm b Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 41/2007/NĐ-CP ngày 22/3/2007 và Điểm b Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận điều chỉnh tổng mặt bằng và phương án kiến trúc đối với Dự án Phát triển nhà Phong Phú – Daewon – Thủ Đức tại 378 Minh Khai không phù hợp với Quy hoạch phân khu H2-4 tỷ lệ 1/2000, làm giảm diện tích đất cây xanh khu đất E1-CX1 từ 7.600m2 xuống còn 2.573,7m2, vi phạm Khoản 4 Điều 14 Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị. Dự án nhóm A, công trình cấp I nhưng UBND quận Hai Bà Trưng cấp Giấy phép xây dựng không đúng thẩm quyền, vi phạm Khoản 2 Điều 103 Luật Xây dựng năm 2014.
Công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng chưa được chú trọng; việc thực hiện quy hoạch chi tiết được duyệt, quá trình triển khai thiếu kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư có dấu hiệu tự điều chỉnh quy hoạch, tự ý điều chỉnh mục đích sử dụng đất, sử dụng không đúng công năng, mục đích, ảnh hưởng đến công đồng, gây thất thu ngân sách nhà nước.
“Trách nhiệm thuộc UBND TP Hà Nội, các Sở ngành; Quy hoạch – Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, UBND quận Hai Bà Trưng và các chủ đầu tư dự án”, kết luận của Thanh tra Chính phủ xác định.
Lo ngại “lợi ích nhóm”
Câu hỏi có hay không “lợi ích nhóm” trong quá trình lập quy hoạch và nhất là quá trình điều chỉnh quy hoạch cục bộ đã nhiều lần được các vị đại biểu quốc hội cũng như các chuyên gia, dư luận đặt ra.
Ghi nhận tại nhiều khu đô thị lớn tại Hà Nội đều cho thấy có tình trạng quá tải, mật độ nhà cao tầng tăng chóng mặt, trong khi hạ tầng chưa thể đáp ứng kịp. Theo một báo cáo giám sát đất đai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, riêng tại Hà Nội và TP HCM, quỹ đất dành cho giao thông chỉ chiếm 9%, trong khi quy hoạch phải đạt 20 - 26% với đô thị trung tâm, 18 - 23% với đô thị vệ tinh, 16 - 20% với các thị trấn. Tỷ lệ đất dành cho đỗ xe, bến bãi là dưới 1%, trong khi yêu cầu phải là 3 - 4%.
Một trong những nguyên nhân từng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra là do tình trạng điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch tại nhiều địa phương. Trên cả nước có gần 1.400 dự án được điều chỉnh quy hoạch, trong đó có những dự án điều chỉnh lên tới 5 - 6 lần. Điển hình tại Hà Nội được xác định là có tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch cục bộ đứng đầu cả nước là 70%. Nghĩa là cứ 10 dự án thì có tới 7 dự án có điều chỉnh.
Tại một một phiên họp Quốc hội, có đại biểu từng thẳng thắn: Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tuân theo lợi ích của nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng như giảm diện tích đất công cộng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng, giảm diện tích cây xanh…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, pháp luật cũng đang bộc lộ kẽ hở để các đối tượng lợi dụng tìm cách điều chỉnh quy hoạch đô thị. Ở đây có yếu tố lợi dụng kẽ hở từ quy định định giá thị trường, điều tiết phần giá trị gia tăng khi quy hoạch thay đổi. Cụ thể, khi thay đổi quy hoạch làm tăng thêm giá trị cho các nhà đầu tư. Theo đúng tinh thần của luật, phần tăng thêm đó phải được điều tiết hết về cho Nhà nước.
Do đó nếu chúng ta làm nghiêm, thu được toàn bộ giá trị gia tăng từ đất đai, thì chắc chắn không có chuyện tìm mọi cách tác động thay đổi quy hoạch để tìm nguồn lợi riêng.
Cần xử lý các trường hợp “đi đêm” làm biến tướng quy hoạch như thế nào?
Đại biểu Phạm Tất Thắng: Cần xử lý theo pháp luật. Vừa qua chúng ta chưa xác định được việc thay đổi quy hoạch thì thiệt hại về kinh tế bao nhiêu. Nhưng rõ ràng việc thay đổi quy hoạch dẫn tới việc biến dạng bộ mặt Thủ đô không còn như kỳ vọng của nhân dân, cử tri Hà Nội cũng như cả nước.
Tình trạng kẹt xe, tắc đường ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội. Tôi cho rằng như vậy đã gây ra hậu quả nghiêm trọng rồi, mặc dù hậu quả đó chưa được lượng hoá bằng giá trị vật chất cụ thể.
Đối với những dự án có những dấu hiệu sai thì cần tiến hành thanh tra, kiểm tra kịp thời. Nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.
(Trích bài trả lời phỏng vấn: “Đại biểu Quốc hội: 'Có thể có lợi ích nhóm trong quy hoạch Hà Nội', Vtc.vn,2017).