Những ký ức chưa phai
Với người dân xã Tả Thanh Oai, vụ xuân năm 1958 là quãng thời gian chẳng thể mờ phai trong tâm trí họ. Bác Hồ về địa phương tát nước cứu lúa cùng với những người quanh năm chân lấm, tay bùn như một hình ảnh đẹp mà đến giờ họ - những nhân chứng ngày đó còn nhắc lại mãi cho con cháu.
Bên Đài tưởng niệm Bác Hồ tát nước chống hạn trên cánh đồng Quai Chảo, nhắc lại câu chuyện thuở nào, ông Nguyễn Mạnh Điềm (70 tuổi) kể: xã Tả Thanh Oai lúc bấy giờ có tên gọi khác là xã Đại Thanh (huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông). Là địa phương chuyên về canh tác lúa song năm ấy cánh đồng bát ngát của Đại Thanh lại gặp hạn nghiêm trọng. Hàng trăm héc ta ruộng thiếu nước cấy, khô nứt chân chim. Riêng cánh đồng Quai Chảo, thôn Tả Thanh Oai hay thường được gọi nôm là thôn Tó có tới trên 50 mẫu ruộng thiếu nước.
Năm ấy, ông Điềm mới hơn 9 tuổi, khi đang cùng đám bạn học bài ở đầu làng thì thấy nhiều xe dừng lại trước cây cầu Binh Lâu liền vội túa ra xem thì nhận ra trong đoàn công tác có Bác Hồ.
“Khi ấy, Bác vận đồ kaki trắng, đội mũ kết, chân đi dép cao su. Mọi người ngạc nhiên, mắt đều hướng về phía Bác rồi hô lớn: Bác Hồ! Bác Hồ! Thấy Bác, ai nấy đều reo lên vui sướng. Có một chi tiết mà tôi tận mắt chứng kiến ấy là Bác gặp một cụ già đang gánh phân ra ruộng. Chẳng chê dơ, Bác tiến lại bắt tay và động viên. Sau đấy, Bác không vào ủy ban xã mà xắn cao quần, tự tay xách dép đi thẳng ra cánh đồng Quai Chảo. Mọi người đề nghị lấy đất khô rải đường cho đỡ trơn để Bác đi. Bác không đồng ý mà nhanh nhẹn lội luôn xuống ruộng” – ông Điềm nhớ lại.
Bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ngày ấy, ông Ngô Mạnh Quyền, đội 3 kể: Bác xắn quần đi thẳng ra cánh đồng chỗ bà con đang tát nước chống hạn. Đến tàu tát của cụ Ba Lan thì Bác kêu cụ ra nghỉ và vào thay. “Khi nhìn thấy Bác xắn quần tát nước, tôi xúc động vô cùng. Bác là vị lãnh tụ của dân tộc, đã đi năm châu, bốn bể để tìm đường cứu nước nhưng vẫn tát nước gầu dai thành thục, nhịp nhàng” – ông Quyền bồi hồi.
Theo tìm hiểu, sự kiện Bác về tát nước cứu lúa là nguồn cổ vũ lớn lao cho người dân xã Đại Thanh lúc bấy giờ. Sau sự kiện ấy, toàn xã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất. Chỉ trong một thời gian ngắn, cả cánh đồng khô hạn Quai Chảo đã đầy nước và lúa cấy phủ xanh. Vụ xuân năm đó, cả xã được mùa lớn trong niềm vui vô hạn của người dân.
“Không khí thi đua lúc ấy mạnh mẽ lắm, vui lắm. Anh em bảo nhau trước kia tàu tát một khau nay tát hai khau, huy động sức người và trâu bò tập trung cày bừa. Thậm chí hàng trăm bà con, thanh niên đã đi cấy sáng trăng ở cánh đồng Ba Chuôm. Cánh đồng 20 mẫu này ruộng sâu nên khó cấy, vậy mà chỉ hai đêm cấy đã xong. Trong thời gian ngắn xã đã cấy hết diện tích canh tác. Năm ấy có xảy ra thiên tai nhưng vụ đông xuân vẫn bội thu khiến bà con rất phấn khởi. Năm đó thôn Tả Thanh Oai được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba về thành tích vụ mùa” – ông Quyền cho biết thêm.
Đến thời điểm này, bức ảnh và đoạn phim tài liệu ghi lại hình ảnh Bác Hồ tát nước chống hạn ở cánh đồng Quai Chảo vẫn gây xúc động cho đông đảo tầng lớp nhân dân. Bức ảnh như một minh chứng chân thực nhất về một người lãnh tụ kiệt xuất luôn chiếm được lòng tin yêu của mọi người bằng sự giản dị và những việc làm thiết thực.
Những nhân chứng kể về chuyện Bác tát nước cứu hạn |
Và con đường hoa khoe sắc
Nếu như trước kia, con sông Nhuệ ở Tả Thanh Oai bị ô nhiễm bởi các loại rác thải thì nay những mảng “màu tối” đó đã dần được khắc phục. Theo tìm hiểu, gần đây xã Tả Thanh Oai cũng như huyện Thanh Trì đã có nhiều nỗ lực trong công tác đảm bảo sạch, đẹp bộ mặt đô thị. Ngoài việc dẹp bỏ lều lán xây dựng không phép, xóa các điểm tập kết vật liệu xây dựng bất hợp pháp… hiện chính quyền địa phương cùng người dân đã cùng xắn tay làm rào chắn tại các điểm giải tỏa, trồng cây và hoa dọc tuyến đường, nạo vét lòng sông...
Hiện cánh đồng Quai Chảo năm xưa nay đã trở thành những khoảnh ruộng bằng phẳng chuyên canh giống lúa chất lượng cao. Ông Nguyễn Tiến Hưng - Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cho biết, sau dồn điền đổi thửa, xã đã duy trì được diện tích 150ha cấy lúa chất lượng cao. Đồng thời, phát huy thế mạnh diện tích trên 130ha nuôi trồng thủy sản, cho thu nhập cao. Hiện nay, người dân trong xã còn phát triển một số mô hình sản xuất mới như trồng hoa ly, nuôi ốc nhồi thương phẩm, trồng nấm dược liệu. Ngoài ra còn hàng trăm hộ dân làm các nghề dịch vụ, cơ khí, chế biến nông sản...
Về Tả Thanh Oai hôm nay, nằm cạnh những cánh đồng bát ngát màu xanh là xóm làng trù phú với những ngôi nhà ngói, nhà cao tầng khang trang, tươi mới. “Nếu so sánh ngày đó với bây giờ nông dân sướng nhiều. Nông thôn được thực hiện mô hình xây dựng nông thôn mới đã đổi thay rất nhiều, như đường làng, ngõ xóm, các công trình phúc lợi công cộng với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân đã rất tích cực tham gia bằng công lao động, đóng góp kinh phí” - ông Nguyễn Mạnh Điềm quả quyết.