Tại đây, các em gái và các đại biểu sẽ trao đổi về hai chủ đề “An toàn với trẻ em gái nơi công cộng”, “Tảo hôn và các hệ lụy” với mục đích “thúc đẩy quyền của trẻ em gái để thay đổi và phát triển” và đây cũng chính là chủ đề của diễn đàn năm nay.
Xe buýt không còn chỗ cho “yêu râu xanh”
Ngày 27/6/2018, Tổ chức Plan International Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã sơ kết dự án “Thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em gái” (trên toàn cầu, Tổ chức Plan International thực hiện sáng kiến từ năm 2012. Đến nay, từ 5 thành phố ban đầu bao gồm Hà Nội (Việt Nam), New Delhi (Ấn Độ), Kampala (Uganda), Cairo (Ai Cập), Lima (Peru), Tổ chức Plan International đã nhân rộng mô hình đến 8 thành phố khác và dự kiến sẽ phát triển mô hình tại 20 thành phố của các nước chưa phát triển và đang phát triển).
Tại Hà Nội, kết quả cho thấy, việc thực hiện mô hình “Thành phố an toàn, thân thiện cho trẻ em gái” đã đạt được những kết quả tích cực. Trẻ em gái đã cảm thấy an toàn hơn tại nơi công cộng và khi di chuyển trên phương tiện công cộng trong thành phố.
Trước đây, theo kết quả khảo sát của Tổ chức Plan International Việt Nam, trong số gần 1.200 các em gái được thì hỏi có 31% trả lời đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt. Đáng buồn hơn, có tới 45% số người được hỏi cho biết họ không làm gì khi nhìn thấy các em gái bị quấy rối ở nơi công cộng và 20% hành khách trên xe buýt không can thiệp khi chứng kiến những hành động sai trái đó.
Sau 4 năm triển khai dự án, kết quả khảo sát nhanh do Tổ chức Plan International tiến hành cho thấy, nhận thức về vấn đề mất an toàn ở các khu vực công cộng và khi sử dụng xe buýt của các em gái đã tăng lên. So với năm 2014, số hành khách báo cáo hành động để chống lại các ca quấy rối tình dục trên xe buýt (tìm cách để bảo vệ em gái và ngăn chặn kẻ quấy rối) đã tăng lên đáng kể vào năm 2018 (tăng 12-16%).
Có một sự gia tăng đáng kể trong nhận thức của lái xe, phụ xe buýt về tầm quan trọng của vấn đề an toàn cho trẻ em gái và cam kết thúc đẩy an toàn của trẻ em gái khi 58% lái xe, phụ xe tham gia khảo sát năm 2018 đồng ý rằng họ đã cảnh báo, chia sẻ về nguy cơ về bị quấy rối, mất an toàn của trẻ em gái ở nơi công cộng cho hành khách (năm 2011 con số này là 42,5%).
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông Đô thị Hà Nội cho biết, thông qua dự án 1.350 lái xe, phụ xe buýt đã được đào tạo nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với quấy rối, xâm hại trẻ em gái. Camera an ninh đã được ngành giao thông Hà Nội lắp đặt trên 30 xe buýt.
“Sau 4 năm, dự án đã giảm được tỷ lệ các em gái trải nghiệm quấy rối tình dục từ 31% (năm 2014) xuống còn 19% (năm 2018). Đặc biệt, tỷ lệ người cho rằng việc một em gái bị quấy rối tình dục trên xe buýt không phải là việc của họ giảm từ 20% xuống còn 9% ở cả nam và nữ” - bà Lê Quỳnh Lan - Quản lý chương trình Vùng Hà Nội Plan International Việt Nam nhấn mạnh.
Từ kết quả trên, bà Trần Bích Loan - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mô hình “Thành phố an toàn, thân thiện cho trẻ em gái” sẽ được triển khai nhân rộng đến 6 tỉnh, thành phố bao gồm: Hải Phòng, Thanh Hóa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Cần Thơ, Khánh Hòa.
100 trẻ em gái lên tiếng về “tảo hôn” và “an toàn nơi công cộng”
Diễn đàn trẻ em gái năm 2018 với chủ đề “Thúc đẩy quyền của trẻ em gái để thay đổi và phát triển” diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5-7/10. Đây là hoạt động do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tổ chức Plan International Việt Nam cùng phối hợp tổ chức, nhằm hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10 đã được Đại hội đồng Liên Hợp quốc chính thức công nhận từ năm 2012.
Tham dự diễn đàn có 100 em gái đại diện cho trẻ em gái từ các tỉnh, thành trên cả nước và có khoảng 50% là trẻ em gái dân tộc thiểu số. Trong 3 ngày, các em gái và các đại biểu trao đổi về hai chủ đề “An toàn với trẻ em gái nơi công cộng”, “Tảo hôn và các hệ lụy”. Trẻ em gái chia sẻ về thực trạng vấn đề tại công cộng, những thách thức mà các em đang phải đối mặt mỗi ngày trên con đường học tập và phát triển.
Từ đó, các em sẽ đề xuất các kiến nghị về việc ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho các em. Các đại biểu tham dự sẽ thể hiện cam kết có những hành động cần thiết để giải quyết vấn đề mất an toàn của trẻ em gái tại nơi công cộng và nạn tảo hôn tại các vùng dân tộc thiểu số.
Diễn đàn trẻ em gái năm 2018 là một cam kết bằng hành động của Quốc hội, Chính phủ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, HĐND và tổ chức phi chính phủ quốc tế, nhằm tạo điều kiện cho các em gái tham gia vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật đảm bảo các nhóm quyền cơ bản của trẻ em.
Đây cũng là cơ hội để các em gái được công nhận khả năng và truyền cảm hứng cho cộng đồng, các nhà lãnh đạo và đặc biệt các em gái khác cùng chung tay đảm bảo quyền và sự tham gia của các em gái trong các quyết định liên quan tới sự phát triển của các em, giúp xây dựng một thế hệ nữ lãnh đạo trẻ tương lai luôn sẵn sàng tạo nên sự thay đổi.