Tuy nhiên, đại diện bên khởi kiện khẳng định sẽ không rút đơn khởi kiện và đề nghị Tòa tiếp tục xem xét về tính pháp lý của Quyết định 35 cũng như giải quyết các yêu cầu khởi kiện khác.
Như PLVN đã từng thông tin, ngày 27/1/2015, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định số 35/QĐ-UBND (QĐ 35) cho Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế (Cty Lâm nghiệp Yên Thế) thuê rừng gắn với thuê đất lâm nghiệp (hơn 1.800 ha) để sản xuất kinh doanh.
Cho rằng diện tích đất nêu tại QĐ 35 nêu trên đã chồng lấn vào diện tích rừng sử dụng hợp pháp của mình, 147 hộ dân tại nhiều xã của huyện Yên Thế đã khởi kiện UBND tỉnh Bắc Giang, yêu cầu hủy QĐ 35. Ngoài ra, các hộ dân còn đề nghị Tòa buộc bên bị kiện bồi thường do việc ban hành quyết định không đúng; phục hồi bìa xanh (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng) cho các hộ dân; hợp thức hóa diện tích đất rừng do người dân đang sử dụng; đề nghị Tòa buộc Cty Lâm nghiệp Yên Thế trả lại tiền do đã thu sản phẩm của dân sai quy định.
Ngày 29/11/2018, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Bắc Giang đã quyết định tạm dừng phiên tòa để làm rõ nhiều tình tiết cần thiết.
Sau khi phiên tòa được mở lại, tại phần xét hỏi sáng 28/12/2018, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của UBND tỉnh Bắc Giang bất ngờ cho biết, QĐ 35 đã bị thu hồi và hủy bỏ. Cụ thể, ngày 25/12/2018, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định số 840/QĐ-UBND, thu hồi và hủy bỏ Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 27/1/2015 của UBND tỉnh Bắc Giang.
Kèm theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang cũng thu hồi và hủy bỏ toàn bộ các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã cấp cho Cty Lâm nghiệp Yên Thế theo QĐ 35. Lý do thu hồi là “tại thời điểm lập hồ sơ thu đất, Cty Lâm nghiệp Yên Thế chưa được UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất bằng quyết định riêng”.
Tại Quyết định số 840/QĐ-UBND, UBND tỉnh Bắc Giang còn yêu cầu Cty Lâm nghiệp Yên Thế có trách nhiệm tiếp tục quản lý, sử dụng diện tích đất, rừng theo Phương án sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 783/QĐ-UBND ngày 28/12/2016; phối hợp với các cơ quan có liên quan kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lấn chiếm đất, rừng trong phạm vi đất đang quản lý; lập hồ sơ thuê đất, thuê rừng theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu một Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT, UBND huyện Yên Thế phối hợp để đôn đốc, hướng dẫn Cty Lâm nghiệp Yên Thế lập hồ sơ thuê đất theo quy định.
Dù đối tượng khởi kiện không còn nhưng đại diện bên khởi kiện cho biết sẽ không rút đơn khởi kiện mà đề nghị Tòa tiếp tục xét xử để có phán quyết về tính pháp lý của QĐ 35 cũng như giải quyết các yêu cầu khởi kiện còn lại.
Trước đó, tại đơn khởi kiện cũng như trong quá trình xét xử, các hộ dân cho rằng phần lớn diện tích đất rừng nêu tại QĐ 35 đã trùng vào diện tích rừng mà họ đã và đang sản xuất, được UBND huyện Yên Thế cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, Giấy chứng nhận quyền quản lý kinh doanh và đất lâm nghiệp (Sổ xanh) từ năm 1993.
Việc sử dụng đất rừng của các hộ dân dựa theo chủ trương, chính sách “phủ xanh đất trống đồi núi trọc” của Đảng và Nhà nước từ những năm 80. Sau khi được cấp Sổ xanh, người dân đã đầu tư trồng rừng, phát triển sản xuất kinh tế rừng. QĐ 35 giao đất cho Cty Lâm nghiệp Yên Thế không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của dân mà còn được ban hành không đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, cho thuê đất, quản lý đất rừng theo quy định của pháp luật về đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, không đúng quy định về quản lý, sắp xếp lại các nông - lâm trường.
Luật sư Vũ Văn Thiệu (Cty Luật Hợp danh INCIP- người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện) khẳng định, Sổ xanh được UBND huyện Yên Thế cấp năm 1993 (ghi rõ diện tích, vị trí lô, khoảnh và kèm theo Sơ đồ rừng…) cho các hộ dân là đúng thẩm quyền, đúng đối tượng. Việc UBND huyện Yên Thế có Công văn 206 đồng ý cho Lâm trường Yên Thế (nay là Cty Lâm nghiệp Yên Thế) tiến hành thu hồi Sổ xanh của dân là không đúng quy định pháp luật (không thể dùng công văn để thu hồi quyết định).
Hơn nữa, Công văn 206 cũng không nêu được các cơ sở pháp lý của việc thu hồi Sổ xanh và thực tế thì cũng không có căn cứ nào để phủ nhận quyền sử dụng đất rừng, quyền quản lý kinh doanh rừng… của người dân. Việc UBND tỉnh Bắc Giang lại giao cho Cty Lâm nghiệp Yên Thế thuê đất, thuê rừng ngay tại diện tích đang do người dân sử dụng phải dựa trên quy hoạch được duyệt và cũng phải thực hiện những thủ tục thu hồi, bồi thường, hỗ trợ…để đảm bảo quyền lợi của người dân. Hơn nữa, Luật Đất đai 2013 không có quy định về thủ tục chuyển hình thức “giao đất” sang cho “thuê đất”.
Trong khi đó, bên bị kiện khẳng định việc ban hành QĐ 35 là đúng quy định vì diện tích đất nêu tại QĐ 35 có nguồn gốc do Nhà nước giao cho Cty Lâm nghiệp Yên Thế qua các thời kỳ. Trong việc này, UBND tỉnh Bắc Giang chỉ chuyển từ hình thức “giao đất” sang việc cho Cty Lâm nghiệp Yên Thế “thuê đất” nên không cần phải ra quyết định thu hồi đất và không phải bồi thường…
Việc mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang thu hồi và hủy bỏ Quyết định 35 chỉ là vì có sai sót khi đã không căn cứ vào quyết định riêng biệt về phê duyệt phương án sử dụng đất cho Cty Lâm trường Yên Thế.
Dù đã được giải thích về việc Quyết định khởi kiện đã không còn nhưng sau khi thống nhất, các hộ dân vẫn khẳng định không rút Quyết định khởi kiện, đề nghị HĐXX tiếp tục xem xét tính pháp lý của QĐ 35 và các yêu cầu khởi kiện khác.
Dự kiến sáng 2/1/2019, HĐXX sẽ tuyên án.
UBND tỉnh đã từng thanh tra việc sử dụng đất lâm nghiệp của Cty Lâm nghiệp Yên Thế
Năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định thành lập Tổ công tác thanh tra toàn diện về công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thế. Ngày 27/9/2017, Tổ công tác có báo cáo số 270/BC-TCT, cho biết, trong những năm trước đây, việc giao đất rừng hồ sơ không rõ ràng, không có hồ sơ địa chính, không giao trên thực địa mà chỉ giao trên sổ sách dẫn tới không xác định được diện tích giữa đất công ty, lâm trường với đất đã giao cho người dân. Chính vì vậy, diện tích trên hồ sơ, giấy tờ và diện tích trên thực địa không thống nhất với nhau.