Giỗ Tổ Hùng Vương, không chỉ là tưởng nhớ tổ tiên, tri ân công đức sinh thành mà còn là sự vinh danh thời kỳ mở đầu dựng nước, mang ý nghĩa sâu sắc: Dân tộc, Quốc gia song hành!
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang. Nước ấy phía Đông giáp Nam Hải, phía Tây đến Ba Thục, phía Bắc đến hồ Động Đình, phía Nam giáp nước Hồ Tôn, tức Chiêm Thành, nay là Quảng Nam”. Hùng Vương là vị vua đầu tiên trên đất nước có cương vực, lãnh thổ rõ ràng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đó là công lao “dựng nước”, nước Việt Nam ta hình thành từ đấy. Điều này lý giải cho việc, dân tộc ta coi ông là Tổ mà không chọn cha ông (Lạc Long Quân) hay ông nội của ông (Kinh Dương Vương) là tổ của dân tộc này.
Giỗ Tổ Hùng Vương là sự ghi nhận cả một triều đại chứ không chỉ riêng một ông tổ, triều đại Hùng Vương ấy kế tiếp nhau, kéo dài đến 2.622 năm (Đại Việt sử ký toàn thư). Tôn vinh một công lao dựng nước để muôn đời con cháu giữ nước, nước còn thì dân tộc còn, không bị đồng hóa trước bất cứ sự ngoại lai, xâm thực nào.
Việt giám thông khảo tổng luận (do Đại học sỹ Lê Tung soạn) viết rằng: “Hùng Vương nối nghiệp Lạc Long, chăm ban đức huệ, để vỗ yên dân, chuyên nghề làm ruộng, chăn tằm, chẳng có can qua chinh chiến, con cháu nối dòng đều gọi Hùng Vương, phúc gồm 18 đời, trải hơn 2000 năm; buộc nút dây mà làm chính trị, dân không thói gian dối, có thể thấy phong tục thuần hậu quê mùa vậy”.
Quả là một thời đại vua sáng, tôi hiền, thiên hạ thái bình, dân chúng thuần phác, chăm chỉ làm ăn. Một thời đại như vậy, mở đầu cho nền độc lập của đất nước, không chỉ đáng tôn vinh, ghi ơn mà còn soi sáng cho thời đại chúng ta đang sống! Chỉ riêng cái “buộc nút dây mà làm chính trị” ấy cũng là một đề tài nghiên cứu thú vị, có học giả cho rằng, cái nút dây chính ký hiệu âm dương, cơ sở của Kinh dịch - một phát kiến vĩ đại của thời kỳ Văn Lang, thuận theo lẽ tự nhiên, quy luật vận hành đất trời mà quản lý đất nước.
Ngày Giỗ Tổ từ phong tục đã trở thành ngày Quốc giỗ chính thống. Kinh đô Văn Lang năm xưa đóng trên ngã ba sông, nơi Tam Đảo, Ba Vì chầu về, nơi hạc trắng đến đậu, nơi sừng sững núi Nghĩa Lĩnh “đột ngột cao sơn” giữa đồng bằng đã trở nên một địa điểm tâm linh cho toàn thể các dân tộc trên đất nước chúng ta. Về đây trong ngày Giỗ Tổ, lòng thành chiêm bái, ghi sâu công ơn khai sinh dân tộc và quốc gia, mỗi người dân Việt càng tự hào và nguyện xứng đáng với tổ tiên, nối dòng con Lạc, cháu Hồng truyền đời mãi mãi!