Tomoyuki Yamashita được cho là sinh ngày 8/11/1885 tại tỉnh Kochi của Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp trường Học viện quân sự ở Hiroshima vào năm 1908, ông ta được bổ nhiệm làm sỹ quan tham mưu và tiếp tục theo học tại trường Đại học Lục quân. Ra trường, sự nghiệp của người này phất lên nhanh chóng. Năm 1934, ông đã được phong hàm Thiếu tướng.
Tuy nhiên, Yamashita lại vô tình vướng phải âm mưu đảo chính do một nhóm các sỹ quan trẻ vốn ngưỡng mộ ông ta tiến hành. Không những thế, vào thời điểm này, ông ta cũng không được lòng một số quan chức lãnh đạo của Nhật Bản vì những quan điểm trái ngược với họ. Những sự việc trên đã đẩy Yamashita vào hoàn cảnh phải chọn một trong hai phương án: hoặc từ chức, hoặc nhận một vị trí nào đó ở nước ngoài. Cuối cùng, ông ta đồng ý tới Hàn Quốc, đảm nhận vị trí không mấy quan trọng.
Bại tướng bị nhận án tử
Ấy thế nhưng, “trong cái rủi có cái may”, chính sự điều động không mong muốn ấy lại tạo cơ hội để Yamashita chứng minh được tài năng trong cuộc Khủng hoảng Trung – Nhật năm 1937. Tháng 11 năm đó, ông ta được thăng chức Trung tướng.
Sau khi thế chiến 2 bùng nổ, ngày 6/11/1941, Yamashita được bổ nhiệm làm Tổng Chỉ huy của quân đoàn 25 vừa được Nhật thành lập nhằm phục vụ mục tiêu chiếm Liên hiệp Malaya (vùng đất về sau trở thành Malaysia) và Singapore. Malaya đã rơi vào tay của người Nhật sau 100 ngày chống cự ác liệt và quân Nhật cũng đã giành được quyền kiểm soát Singapore sau một thời gian giằng co.
Việc để Singapore, vốn được coi là thành trì bất khả xâm phạm của người Anh ở khu vực Đông Nam Á, rơi vào tay quân Nhật, được xem là thất bại nặng nề nhất của binh lính Anh trong suốt 160 năm tính đến thời điểm đó.
Chiến tích này đã giúp Yamashita có được biệt danh “Con hổ Malaya”. Tuy nhiên, sau các chiến thắng vang dội trên, giới lãnh đạo tại Nhật Bản lại rút Yamashita về lại Mãn Châu để tiếp tục nhiệm vụ chỉ huy công tác huấn luyện và đào tạo. Trong thời gian này, quân đội Nhật gần như không giành được thắng lợi nào đáng kể sau khi quân Mỹ phản công mạnh ở khu vực Nam Thái Bình Dương.
Năm 1944, Yamashita được thăng hàm Đại tướng và được bổ nhiệm làm Tổng chỉ huy Quân khu 14, chịu trách nhiệm đẩy lùi đà tiến của quân đội Mỹ ở Philippines. Ít ngày sau khi Yamashita tới Manila, tướng MacArthur và quân đội Mỹ đã tới Leyte và sẵn sàng cho việc đánh bại quân đội Nhật ở đây. Trong lúc đó, Yamashita nhận thấy Manila không có giá trị chiến lược nên đã chuyển trụ sở tới Baguio ở phía Bắc Manila. Trong thời gian này, binh lính Nhật bị cho là đã cướp bóc tràn lan.
Tháng 5/1945, khi đội quân của MacArthur tiến đến gần Baguio, Yamashita một lần nữa lùi về Bangbang, nằm ở phía Bắc và chiến đấu cho đến ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh. Ngày 2/9/1945, khi Nhật hoàng phát đi thông điệp đầu hàng, Yamashita ra đầu hàng quân Đồng minh ở Keangan, Luzon, Philippines.
Ông ta sau đó bị xét xử tại Tòa án quân sự Mỹ ở Manila về tội ác chiến tranh, bị cáo buộc “cố ý lên kế hoạch thảm sát và loại bỏ phần lớn dân thường của tỉnh Batangas, dẫn đến kết quả là hơn 25.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở đây đã bị ngược đãi và bị sát hại”. Kết thúc phiên tòa, Yamashita đã bị buộc tất cả các tội danh trên và bị kết án tử hình.
Tòa án Tối cao Mỹ sau đó giữ nguyên phán quyết có tội với Yamashita với lý do ông ta đã không thực hiện hết trách nhiệm của mình trên cương vị chỉ huy quân đội, kiểm soát hoạt động của các binh lính dưới quyền và để xảy ra việc binh lính gây tội ác tàn bạo.
Tướng Nhật Yamashita |
Tòa này cũng cho rằng những hành vi phạm tội ác chiến tranh này có thể đã tránh được nếu chỉ huy đơn vị thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Đơn kháng án của Yamashita bị bác bỏ. Đơn xin khoan hồng của ông ta gửi tới Tổng thống Mỹ cũng đã bị từ chối. Ngày 23/2/1946, Yamashita đã bị thi hành án tử hình bằng hình thức treo cổ ở trại Los Banos.
Bí ẩn “Kho báu Yamashita”
Nhắc đến Yamashita, sẽ là vô cùng thiếu sót khi không nói đến những tình tiết liên quan đến truyền thuyết về sự tồn tại của một kho báu khổng lồ ở Philippines. Những đồn đoán cho rằng, vào đầu những năm 1945, khi nhận thấy đế chế của mình sắp sụp đổ, đế quốc Nhật đã chỉ đạo quân đội tăng cường hoạt động cướp bóc, vơ vét tài sản trên khắp châu Á.
Phần lớn số tài sản cướp được đã được đưa từ Trung Quốc, qua Hàn Quốc về Nhật nhưng một phần bị kẹt lại tại Philippines vì quân Nhật không thể chuyển tài sản về qua đường biển do tuyến đường này đã bị tàu ngầm Mỹ phong tỏa.
Trong những tháng cuối cùng của Chiến tranh thế giới II, đế quốc Nhật sau khi bàn bạc đã quyết định sẽ giấu vàng thỏi và tài sản đã cướp bóc được vào những đường hầm và những hang động để đảm bảo khối tài sản khổng lồ này không rơi vào tay của quân đồng minh, về sau tìm cách lấy lại. Yamashita chính là người được giao thực hiện nhiệm vụ chôn giấu khối tài sản khổng lồ.
Các tù binh khi đó đã được đưa tới đào đất và xây dựng những hệ thống đường hầm ở khắp Philppines. Nhiều người trong số này đã bị sát hại và bị chôn cùng với những tài sản được cất giấu để đảm bảo bí mật về vị trí của kho báu.
Khi những đường hầm đã được hoàn tất, những kỹ sư trưởng của những căn hầm đó đã được ăn một bữa tiệc chia tay ở độ sâu 67m dưới lòng đất tại đường hầm số 8 ở những dãy núi trên đảo Luzon. Tuy nhiên, đến nửa đêm, Yamashita và một quan chức Nhật có mặt tại đó được cho là đã lẻn ra ngoài, kích nổ những khối thuốc nổ ở lối ra của những đường hầm đó, chôn sống những kỹ sư xây hầm để đảm bảo bí mật về kho báu của họ.
Những tình tiết nói trên cho đến nay không hề có bằng chứng chứng minh. Chỉ có một người tên Ben Valmores tuyên bố là nhân chứng sống đã chứng kiến khoảnh khắc những lối vào của hầm chứa kho báu bị kích nổ.
“Kho báu” được cho là đã bị chôn giấu vẫn được gọi là “kho báu Yamashita”. Thông tin lưu truyền lại cho rằng kho báu này đã được giấu 175 điểm trên khắp Philippines. Theo những đồn đoán, tại những địa điểm này có từ 4.000 đến 6.000 tấn vàng thỏi, cùng vô số đá quý và các kim loại quý khác.
Có nhiều giả thuyết về số phận “kho báu” được đưa ra. Trong đó, có thông tin cho rằng sau khi Yamashita đầu hàng, tình báo Mỹ đã phát hiện sự tồn tại của kho báu và tìm cách lấy đi. Binh lính Mỹ đã tra tấn lái xe của ông ta là Kojima Kashii để buộc người này phải tiết lộ các vị trí chôn kho báu.
Vào đầu tháng 10/1945, Kojima đã đầu hàng và đưa lính Mỹ tới hơn 10 điểm chôn giấu kho báu ở phía Bắc Manila. Theo luồng giả thuyết này, người Mỹ đã quyết định đưa việc thu hồi được kho báu thành bí mật quốc gia. Số vàng được đã được bí mật đưa tới 172 tài khoản tại các ngân hàng ở 42 nước.
Cũng có đồn đoán cho rằng thợ săn kho báu Rogelio Roxas đã đào được một phần của kho báu, bao gồm một bức tượng Phật lớn bằng vàng cùng nhiều thỏi vàng và đá quý khác. Tuy nhiên, số tài sản này và cả phần kho báu mà nhóm của Roxas tìm được sau đó đã bị cựu Tổng thống Phillippines Ferdinand Marcos lấy đi. Bằng chứng của việc này là việc Roxas về sau đã đâm đơn kiện ông Marcos cũng như việc cựu Tổng thống Philippines sở hữu khối tài sản ước tính lên đến 10 tỉ USD khi bị lật đổ.
Song, các chuyên gia đều cho rằng có rất ít bằng chứng chứng minh kho báu như vậy tồn tại. “Dù đã có rất nhiều người bỏ công săn tìm kho báu, huy động tất cả những thứ mà họ có nhưng cho đến nay chẳng có ai tìm được gì cả”, Giám đốc Viện Lịch sử quốc gia Philippines Ambeth Ocampo cho hay.
Còn sự thật là tin vào sự tồn tại của kho báu, rất nhiều người đã đổ xô đến đào bới ở những địa điểm lịch sử, những nghĩa trang có chôn cất người Nhật, những căn cứ thời chiến, tòa nhà chính phủ… với hy vọng gặp vận may. Những cuộc đào bới này cũng đã dẫn tới các thảm kịch, khi một số người đã thiệt mạng do gặp tai nạn khi đào hầm trong lòng đất.