Trong ánh lửa rừng rực, một thanh niên trên 20 tuổi đang ngồi trên boong bị hất bắn xuống nước. Ánh lửa nhoáng nhoàng, anh thanh niên chỉ kịp đưa mắt nhìn con tàu vỡ đôi, đang chìm dần. Phải chăng vì lý do gì đó, con tàu chở vàng được lệnh tự đánh đắm?
Chàng trai trẻ người Nhật được ngư dân Việt Nam cứu đưa vào bờ. Sau này trở về Nhật, chàng thanh niên năm xưa mới ngoài 20 tuổi, hơn 30 năm sau, hôm nay, rất có thể chính là ông già gần 60 tuổi trên con tàu Kaiko 23 này. Ông có nhiệm vụ gì? Không có gì khác là xác định chính xác tọa độ con tàu chở vàng bạc châu báu bị đắm năm xưa...
Khó khăn
Tuy nhiên, sau ba tháng bắt đầu nảy sinh những khó khăn trục trặc trong khâu tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống cho thủy thủ trên tàu. Một hôm, Tony gặp tôi, ngỏ ý mong muốn được đi Bình Thuận và Sài Gòn. Tôi hỏi lý do, ông ta đáp là có việc riêng. Công tác hậu cần đảm bảo cho tàu trục vớt ngày càng bi bét. Tôi phải trực tiếp về Quy Nhơn xin tiếp tế.
Cảng vụ Quy Nhơn cho biết: tàu chuyên dụng bị hỏng thiết bị lạnh, họ bố trí một ca nô chở thay. Rau xanh, cá, thịt… đựng trong các giỏ tre phơi trên boong. 20 giờ tối hôm trước rời cảng Quy Nhơn, 10 giờ hôm sau mới ra đến vùng biển Sa Huỳnh. Thịt cá ôi thiu hết.
Khoảng cuối 9/1985, phía Nhật xin đưa tàu về cảng Quy Nhơn lấy thực phẩm. Ba đêm neo đậu tại cảng để mua lương thực thực phẩm, nhưng việc tiếp nước ngọt thì rất khó khăn. Có đêm, đường ống bơm nước bị vỡ 3 lần. Tại sao? Có phải là một sự ngẫu nhiên thường tình? Sự cố thông thường hay là phá hoại? Nếu có nước thì có thể tin hoàn toàn bảo đảm nước sạch?
Giả sử, xảy ra tình huống hàng loạt thủy thủ đau bụng đi ngoài thì dự án chắc chắn sẽ đình trệ. Cùng thời điểm này, lần thứ hai, Tany gặp tôi, ngỏ ý xin đi Sài Gòn. Thậm chí ông ta còn nhờ tôi bí mật bố trí cho một chuyến đi Bình Thuận, vừa đi vừa về trong một đêm. Thế là Tany đã chơi bài ngửa.
Ảnh minh họa |
Vì sao y tha thiết đi Sài Gòn, Bình Thuận đến thế? Gặp ai, giải quyết việc gì? Có cơ sở mật nào ý cài cắm ở đó chăng hay xin chỉ thị của ai? Tôi chợt nhớ đến chuyện đôi vợ chồng già sống trên bãi biển Bình Thuận, liệu có mối liên hệ nào giữa họ với nhau không? Tôi gợi ý Tany xin ý kiến ông Kỳ. Ông ta cười hóm hỉnh: ông Kỳ làm sao bằng ông được! Mọi việc tôi đều báo cáo cơ quan. Đề nghị của Tony không được giải quyết.
Tai nạn bất ngờ
Một hôm, bất ngờ Tany mời tôi đi ăn trưa cùng hai cộng sự thân tín của ông ta. Bữa ăn có vẻ căng thẳng. Tany nói: chúng tôi rất tiếc phải báo tin rằng: Dự án phải dừng lại ở đây. Ít ngày sau, được phía Việt Nam chấp nhận, tôi, Tany và anh Ân (phiên dịch) đi ô tô ra Đà Nẵng để lên máy bay về Hà Nội. Người lái xe ô tô là của công an Nghĩa Bình (Quảng Ngãi - Bình Định bây giờ), một thanh niên trẻ, khỏe, tháo vát.
Xe lao nhanh, gần đến Chu Lai, bỗng từ phía sau bụi cây ven đường, một chiếc xe đạp không người lái lao ra. Người lái xe ô tô đánh mạnh tay sang trái, ô tô lao qua đống cát của một nhà dân đang xây dựng, đâm sầm vào một gốc cây, đầu xe ô tô bẹp dúm dó. Lái xe ô tô gãy tay, tôi, Tany và anh Ân đều bị thương. Người thì va đập chảy máu, người thì xây xát. Chúng tôi hú hồn, thoát chết. Chẳng lẽ lại là một sự ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt? Nếu có, thì kẻ nào sắp đặt? Tôi thật sự hoang mang.
Cho đến bây giờ, sau hơn 30 năm, nghĩ lại những ngày ấy, tôi không khỏi rùng mình. Đặc biệt vì sao dự án phải dừng lại nửa chừng vẫn chưa có lời giải thấu đáo. Người Nhật chủ động đề xuất dự án và cử một lực lượng hùng hậu, hội đủ những yêu cầu cần thiết: có phương tiện, có kỹ thuật, có tiềm lực kinh tế và chính trị.
Thậm chí có ý kiến cho rằng: người lính Nhật viết bức thư kể chuyện con tàu phát nổ, đã viết ở phần trên, nay cũng có mặt trên con tàu trục vớt làm nhiệm vụ xác định chính xác tọa độ con tàu đắm năm xưa. Hoặc chuyện đôi vợ chồng già kiên quyết bám lều tranh trên bãi biển Bình Thuận cũng là do phía Nhật cài lại để đón đợi người Nhật đến trục vớt kho báu. Có thể nói, phía Nhật đã chuẩn bị rất kỹ cho việc quay trở lại của họ từ rất sớm.
Nhiều năm sau, ở Hà Nội vô tình gặp lại một người Nhật từng tham gia trên tàu trục vớt kho báu năm xưa. Nhắc lại chuyện cũ, ông ta nói: Ai có thể quên, chứ người Nhật không quên chuyện trục vớt tàu đắm tại vùng biển miền Trung Việt Nam. Phía Việt Nam, người cao nhất là thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến rõ ràng.
Các bộ ngành quan trọng, mũi nhọn đều tham gia. Vậy, nếu nói có ai đó hoặc thế lực nào cản trở thì rất khó thuyết phục. Còn có ý kiến lại cho rằng: Nhật đã bí mật đưa tàu ngầm vào móc hết vàng bạc rồi. Hoặc giả, khi thay tàu nhỏ bằng tàu lớn, họ đã “tiện tay dắt dê” chở hết vàng bạc về nước.
Ảnh minh họa |
Kho báu: Có hay không?
Cá nhân tôi, với tư cách người trực tiếp tham gia trên tàu trục vớt, tôi thấy những suy luận trên không có cơ sở. Bởi vì, các lực lượng thuộc hải quân, biên phòng và hải quan Việt Nam giám sát rất chặt chẽ. Khi con tàu nhỏ được đưa trở về Nhật, hải quan và biên phòng cảng của ta đã kiểm tra kỹ mọi ngóc ngách trên tàu. Số vàng bạc lớn như thế không phải là cái kim để có thể giấu đáy bể được. Vì vậy, theo tôi có mấy nguyên nhân sau đây:
Về khách quan, thời tiết trên biển năm ấy không thuận lợi, nhiều ngày gió lớn, bão to, biển động khiến tiến độ trục vớt gặp nhiều khó khăn. Nhiều thủy thủ bị ốm, bệnh. Con tàu đắm đã bị ngư dân lặn vớt hiện vật, phá hủy vô tội vạ. Bản đồ tọa độ các con tàu đắm là tài liệu quý nhưng không phải hoàn toàn chính xác. Một phần do dòng hải lưu xô đẩy, phần khác 126 con tàu đắm trải rộng trên khu vực rộng hàng chục vạn km2, trong đó 5 con tàu chở vàng bạc là những tiêu điểm rất nhỏ nhoi, thì việc mất thời gian xác định lại cũng là lẽ đương nhiên.
Về chủ quan, đây là nguyên nhân chính. Công tác tổ chức quản lý dự án chưa được các cơ quan liên quan chú trọng đúng mức, triển khai đồng bộ và chặt chẽ. Trong khi dự án cần một cơ chế điều hành tập trung ở tầm vĩ mô, hoàn toàn có đủ thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh.
Cũng rất cần một kế hoạch tổng thể do một cơ quan có đủ thẩm quyền chỉ đạo điều phối. Trong dự án lớn có thể có những dự án nhỏ, nếu cần (ví dụ như dự án: đảm bảo công tác hậu cần phục vụ trục vớt). Một dự án có ý nghĩa lớn nhưng quy mô tổ chức và nhân sự chưa xứng tầm. Như trên đã trình bày, người đứng đầu chính phủ rất ủng hộ, nhưng hình như đâu đó vẫn còn có tư tưởng chiếu lệ, hoài nghi… được thì tốt, không được cũng không sao. Sự phối hợp thống nhất giữa các lực lượng từ trung ương đến địa phương, trong và ngoài nước hình như chưa thật chặt chẽ.
Hơn 30 năm qua, ấn tượng về chuyến công tác đặc biệt này với vô vàn may rủi, buồn vui in đậm trong tôi rất khó quên. Một chuyến đi có nhiều chuyện không biết vô tình hay hữu ý mà lại có nhiều tình tiết trùng hợp ngẫu nhiên đến kỳ lạ làm người ta phải suy nghĩ. Vì thế, kỷ niệm sâu đậm cứ chập chờn cháy trong tôi đến tận hôm nay lại bùng lên mạnh mẽ. Hơn 100 con tàu đắm còn đó, kho báu còn đó, hàng tỷ USD còn đó. Nếu như…/.