Luật sư Đoàn Trung Hiếu (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng gửi giữ tài sản được định nghĩa như sau: Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
Trong đó, theo khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự, hợp đồng có thể được giao kết bằng lời nói, hành vi hoặc văn bản.
Có thể thấy, nếu đi đến các cửa hàng mà có vé gửi xe hoặc có nhân viên, chủ cửa hàng, nhân viên bảo vệ trông giữ xe cho khách thì đều có thể xem là giao kết hợp đồng gửi giữ dưới hình thức là giao kết bằng lời nói, hành vi cụ thể.
Tuy nhiên, thực tế thì không phải mọi cửa hàng đều có người trông giữ xe. Đồng thời, cũng không có quy định nào bắt buộc cửa hàng phải trông giữ xe cho khách hàng. Do đó, trông giữ xe không phải nghĩa vụ bắt buộc mà mỗi cửa hàng phải thực hiện. Việc mất xe khi đến cửa hàng là một việc không ai mong muốn.
Tuy nhiên, để xét về trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì có thể xét 2 trường hợp sau đây:
Trường hợp 1, khi cửa hàng không có điều kiện bố trí nhân viên trông giữ xe cho khách, không có nhân viên bảo vệ hướng dẫn khách đỗ xe, đậu xe cho khách hoặc không có thông báo về việc sẽ nhận trông, giữ xe cho khách trong thời gian khách ăn, uống tại cửa hàng thì giữa khách hàng và cửa hàng không tồn tại thỏa thuận gửi giữ tài sản.
Đặc biệt, có một số cửa hàng còn dán thông báo “Khách hàng tự bảo quản đồ đạc, mũ bảo hiểm, phương tiện… Nếu mất, cửa hàng không chịu trách nhiệm”.
Do đó, trong trường hợp này, nếu khách bị mất xe thì chủ cửa hàng sẽ không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bởi theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Dân sự, nếu có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Trong trường hợp này, do không hình thành thỏa thuận gửi giữ giữa chủ cửa hàng và khách hàng nên cửa hàng không có nghĩa vụ phải trông xe cho khách. Do đó, nếu mất xe thì chủ cửa hàng cũng không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Trường hợp 2, nếu 2 bên có thỏa thuận gửi giữ tài sản thì căn cứ khoản 2 Điều 556 Bộ luật Dân sự, khách hàng (bên gửi tài sản) có quyền:
Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Đồng thời, bên phía cửa hàng (người giữ tài sản) cũng phải có nghĩa vụ nêu tại khoản 4 Điều 557 Bộ luật Dân sự: Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
Căn cứ quy định này, có thể thấy, khi xảy ra việc mất xe mà giữa khách hàng và cửa hàng có thỏa thuận gửi giữ (có vé xe hoặc có bảo vệ trông xe, có nhân viên trông xe, dắt xe hoặc không yêu cầu khách hàng phải tự bảo quản xe…) thì bên phía cửa hàng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng.
Trong trường hợp còn tồn tại hợp đồng gửi giữ tài sản thì khi xe bị mất, các bên có quyền thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thiệt hại. Việc xác định mức bồi thường trong trường hợp này dựa vào giá trị của chiếc xe bị mất.
Theo đó, có một số cách mà người bị mất xe và cửa hàng có thể tham khảo để xác định mức bồi thường trong trường hợp này: Thuê tổ chức thẩm định giá, có thể tham khảo giá tại một số hãng bán xe cũ, tính giá trị xe còn lại như cách tính lệ phí trước bạ xe cũ.
Trong trường hợp của bạn, nếu có đủ căn cứ chứng tỏ giữa bạn và nhân viên cửa hàng có giao kết về quan hệ gửi giữ tài sản thì bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu cửa hàng bồi thường thiệt hại cho bạn.
Hai bên có thể thương lượng về mức bồi thường, trong trường hợp 2 bên không thương lượng, trao đổi được với nhau thì bạn có quyền khởi kiện dân sự ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu cửa hàng phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bạn.