Vượt khó giữa rừng sâu
Cái Tàu nằm sâu trong vùng U Minh (tỉnh Cà Mau), vùng đất trũng thấp phèn chua nước mặn, khó khăn thiếu thốn. Thế nhưng khi nói về những thành tích đạt được, các cán bộ chiến sỹ đã không giấu được niềm tự hào khi tỷ lệ phạm nhân vi phạm kỷ luật, quy chế trại giam trong 6 tháng đầu năm 2016 của trại rất thấp.
Đằng sau thành công ấy, ngoài công sức chung của tập thể lãnh đạo cán bộ chiến sỹ, không thể không kể đến những cán bộ quản giáo, những người từng giờ, từng ngày trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, cải tạo, trò chuyện, động viên với từng trường hợp trong số hơn 2300 phạm nhân nơi đây. Như trường hợp Thượng uý Nguyễn Hải Âu, cán bộ quản giáo làm nhiệm vụ tại phân trại K1.
Chàng thượng úy trẻ sinh năm 1983, quê ở huyện Thới Bình, Cà Mau, trong một gia đình giàu truyền thống với nhiều người thân công tác trong ngành công an. Anh tâm sự, ngày bé khi thấy bác, chú làm công an, anh “khoái lắm”. Rồi ước mơ cứ lớn dần đến khi anh quyết định theo ngành.
Thượng uý Nguyễn Hải Âu, cán bộ quản giáo Phân trại K1 Trại giam Cái Tàu |
Thượng uý Âu tâm sự, trước khi trở thành cán bộ quản giáo vào cuối năm 2009, anh đã trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau trong trại giam. Tuy nhiên khi lần đầu làm nhiệm vụ quản lý, giáo dục phạm nhân, anh vẫn không khỏi bỡ ngỡ. Bởi trước một cán bộ trẻ, không ít trường hợp phạm nhân tỏ thái độ chống đối, vi phạm kỷ luật, gây khó khăn cho công việc giáo dục, cải tạo…
“Lúc đầu làm cán bộ quản giáo, mình chỉ có kiến thức lý thuyết, kinh nghiệm nếu có cũng chỉ là nghe kể, nhìn cứ như anh chàng sinh viên thực tập. Trong khi phạm nhân đủ mọi lứa tuổi, với những hành vi phạm tội và tính cách khác nhau. Cảm hoá được một phạm nhân đã khó rồi, trong khi số lượng phạm nhân trong đội đến vài chục người…”, Thượng uý Âu tâm sự.
Phạm nhân khi vào trại không phải ai cũng đều tự nguyện sửa đổi tâm tính, quyết tâm cải tạo. Đã vậy, môi trường trại giam vốn nhiều khắt khe và vất vả, dễ khiến phạm nhân chán nản, nóng nảy, phát sinh nhiều vấn đề với cán bộ quản giáo, gây mâu thuẫn trong đội. Những buồn bực, bất mãn ấy phạm nhân thường không nói ra mà tìm cách phá rối trong quá trình học tập, lao động.
Theo người quản giáo trẻ, khi đó, việc giáo dục, cải tạo phạm nhân không còn đơn thuần là sự vất vả về thể lực mà là áp lực phải giải quyết những bài toán hóc búa về tâm lý. Đến bây giờ, Thượng uý Âu vẫn chẳng thể quên được cảnh khi thì ngồi hàng giờ vắt óc suy nghĩ về hành vi, nội tâm phạm nhân, khi thì chạy ngược chạy xuôi tìm gặp các “tiền bối” để hỏi trường hợp này phải làm sao, trường hợp kia giải quyết thế nào…
“Phạm nhân cũng là con người, mọi việc làm đều xuất phát từ suy nghĩ, tâm tính, chỉ có điều tâm lý phạm nhân vô cùng phức tạp, đôi lúc nhìn bề ngoài rất khó “bắt mạch” đúng bệnh. Nếu đã không thể tìm ra căn nguyên thì rất khó giải quyết tận gốc vấn đề. Thế nhưng khi đã thấu hiểu tâm tư, nỗi niềm của phạm nhân, mọi việc sẽ có hướng giải quyết dễ dàng hơn", anh chia sẻ.
Sau thời gian 7 năm làm công tác quản giáo, Thượng uý Âu cũng như bao đồng nghiệp khác, đều trông như già trước tuổi. Tuy nhiên, người cán bộ khi thấm thía sự gian nan vất vả bấy nhiêu thì cũng yêu mến công việc bấy nhiêu, đặc biệt là khi khoảng cách giữa phạm nhân và cán bộ bây giờ được rút ngắn, giống như giữa thầy với trò, giữa những người thân với nhau.
Tình người vượt lên tất cả
Như hầu hết các cán bộ quản giáo, bề ngoài trông có vẻ lạnh lùng và khô khan, tuy nhiên ít ai ngờ rằng bí quyết thành công của Thượng uý Nguyễn Hải Âu đó chính là tình cảm yêu thương, sự gần gũi với phạm nhân.
“Khi nhận đội, mình phải biết người này hoàn cảnh gia đình thế nào, phạm tội gì, mức độ hành vi ra sao, sự ăn năn hối lỗi… từ đó mới có thể gần gũi, trò chuyện với từng người một. Trong quá trình lao động, cải tạo cũng phải quan tâm theo dõi, nếu có gì bất thường thì tìm hiểu nguyên nhân, động viên, uốn nắn kịp thời…”, Thượng uý Âu tâm sự.
Cùng chung suy nghĩ với đồng nghiệp, Thượng uý Đặng Văn Bảo (SN 1983) người đã gắn bó với công việc quản giáo được 10 năm nay chia sẻ: “Phạm nhân cũng là con người bình thường, có yêu, ghét, giận hờn, lỡ lầm mà gây nên tội lỗi. Khi đó, họ cần có sự đồng cảm, thấu hiểu để vượt qua cú sốc và tự ti mặc cảm về bản thân mình".
Tuổi 33, Thượng úy Đặng Văn Bảo làm công việc quản giáo đã 10 năm nay |
Để chứng minh cho điều ấy, Thượng úy Bảo kể cho chúng tôi một mạch tên tuổi, hành vi phạm tội, hoàn cảnh của cả thảy 23 phạm nhân trong đội anh đang quản lý. 23 trường hợp là 23 câu chuyện buồn mà ai nghe kể cũng hiểu rằng nếu không phải sự quan tâm, chia sẻ, cán bộ quản giáo làm sao có thể thấu rõ được như thế.
“Như có trường hợp anh phạm nhân Nguyễn Văn L. ở Cà Mau, phạm tội Hiếp dâm, cưới tài sản. Anh này có thân nhân nhưng không thăm nuôi, thấy mọi người được thăm nuôi thì tủi thân, tự ti, mất động lực phấn đấu. Lúc ấy, mình phải như một người thân, thường xuyên an ủi động viên rồi làm giấy cam kết để tạo điều kiện xếp loại, giúp anh ấy sớm được ra trại, trở về làm lại cuộc đời”, Thượng uý Bảo kể.
Hết mình giúp đỡ các phạm nhân phục thiện, điều khiến các cán bộ quản giáo trẻ tâm đắc nhất đó là các phạm nhân, các “học trò” bất đắc dĩ mình từng gắn bó sau ngày tự do đã trở thành người hoàn lương. Càng vui hơn khi trong số ấy, không ít trường hợp trở về một thời gian thì quay lại đơn vị để gặp lại những người “thầy” trẻ từng tận tình giúp đỡ mình.
Một trong những trường hợp Thượng uý Âu cứ ấn tượng mãi là phạm nhân Võ Văn N., (SN 1980, người ở TP.Sóc Trăng) phạm tội "giết người", nạn nhân lại là anh em họ hàng trong nhà, bị thương tật hơn 60%. Vì hành vi gây ra, anh N. chịu mức án 10 năm nhưng vì cải tạo tốt nên được giảm án xuống còn hơn 5 năm.
N. có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, năm 2014, khi được đặc xá trở về thì vài tháng sau đã quay lại trại Cái Tàu để thăm “thầy” Âu và các cán bộ chiến sỹ. Lúc ấy anh Âu đang ở nhà nên anh này xuống thành phố Cà Mau mời anh uống cà phê. Gặp lại anh Âu, N. vui vẻ khoe về niềm vui sum họp, bản thân anh cuộc sống đã ổn định với nghề điêu khắc tượng, làm phù điêu của mình.
Nhắc lại kỷ niệm cũ ngày còn trong trại, N. xúc động cảm ơn các cán bộ quản giáo vì đã giúp anh ngộ ra nhiều điều. “Chuyện đã 2 năm rồi, tôi nhớ N. không phải vì những lời cảm ơn mà vì anh ấy đã hoà nhập cộng đồng, có được công việc ổn định, tự lo được bản thân, lo được gia đình và sống có ích cho xã hội”, Thượng uý Âu tâm sự.
Chung như đồng nghiệp, Thượng uý Bảo cũng gặp nhiều trường hợp tương tự, phạm nhân sau ngày được tự do quay lại đơn vị để thăm hỏi, khoe về cuộc sống mới. Mỗi lần như vậy, anh Bảo rất mừng, bởi họ đã tự lo được cho bản thân mình, nghĩa là những cố gắng của anh đã không uổng phí. Họ cũng chính là tấm gương cho các bạn tù đang còn thụ án ở trại.
Từ bỡ ngỡ, lo lắng rồi đến yêu thích muốn gắn bó với công việc “ươm mầm” thiện lương, khi được hỏi về điều mong muốn nhất, Thượng úy Bảo và Thượng úy Âu đều cho biết, đó là được thấy phạm nhân sớm ngày ra trại và các anh sẽ không bao giờ phải cải tạo họ một lần nữa. Bên cạnh đó, các anh mong muốn cộng đồng xã hội đón nhận họ trở về, giúp họ làm người lương thiện.