Phương án đã được trao đổi, thương lượng
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi các thành viên Chính phủ để xin ý kiến về khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTL) xung quanh phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2020 và báo cáo xác định mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ năm 2020 để nhằm giúp Chính phủ xây dựng, ban hành Nghị định về nội dung trên.
Trước đó, sau hai phiên họp được cho là đã “trao đổi, thương lượng”, HĐTL đã chốt phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2020 để trình Chính phủ. Theo đó, mức tăng lương tối thiểu được chọn là 5,5% so với năm 2019. Trong đó, mức tăng lương tối thiểu vùng 1 là 4,42 triệu đồng, tăng 240.000 đồng so với năm 2019; vùng 2 là 3,92 triệu đồng, tăng 210 triệu đồng; vùng 3 là 3,43 triệu đồng, tăng 180.000 đồng, vùng 4 là 3,07 triệu đồng, tăng 150.000 đồng.
Báo cáo của HĐTL gửi Chính phủ cho biết, trước khi chốt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng khoảng 6,52% so với năm 2019. Trong khi tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động Trung ương - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đề nghị tăng 1-2% so với mức tăng tối thiểu vùng năm 2019.
Theo VCCI, tăng ở mức 1-2% là để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng suất, chất lượng lao động, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, đồng thời ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài và xử lý rủi ro suy giảm tăng trưởng có tính chu kỳ. Mức tăng thấp từ VCCI cũng được cho là đã cải thiện tiền lương cho người lao động theo tỷ lệ đóng góp từ nguồn lao động vào tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, do khoảng cách hai bên đưa ra quá chênh lệch và để chốt được phương án cuối cùng, trong quá trình thương lượng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất phương án giảm từ 6,52 xuống còn 5,6%, 5,5%. Tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung ương tăng từ 1-2% lên 2,5-3%, 4%. “Sau quá trình thảo luận, thương lượng, HĐTL đã thống nhất bỏ phiếu theo phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2020 với mức tăng từ 150 nghìn đồng đến 240 nghìn đồng tùy theo từng vùng, bình quân khoảng 5,5 % so với mức thực hiện năm 2019”, báo cáo của HĐTL cho biết.
Được biết, đã có 11/13 thành viên HĐTL đã bỏ phiếu kín để chốt phương án nói trên nhằm tạo cơ sở để hoàn thiện báo cáo, khuyến nghị Chính phủ xây dựng, ban hành Nghị định chính thức.
Đã “cân, đo, đong, đếm”?
Trong báo cáo khuyến nghị gửi Chính phủ, HĐTL cho rằng, phương án được chốt vừa đảm bảo được yêu cầu của Nghị quyết 27/NQ-TW của Ban chấp hành T.Ư về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong doanh nghiệp, vừa cải thiện được đời sống người lao động và phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, phương án đã chốt sẽ giúp đạt được mục tiêu “năm 2020, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” nêu tại Nghị quyết 27/NQ-TW với các chỉ tiêu: Bình quân các vùng cao hơn mức sống tối thiểu 0,3%, trong đó vùng I, vùng II, vùng III đảm bảo 100% mức sống tối thiểu, vùng IV cao hơn mức sống tối thiểu 3%.
Cũng theo HĐTL, phương án đã chốt cũng được cho là đã bù đủ trượt giá năm 2019 (dự kiến khoảng 4%) để đảm bảo tiền lương thực tế cho người lao động và cải thiện đời sống cho người lao động khoảng 1,5%. Đồng thời phương án trên cũng đã tính đến điều kiện việc làm, thất nghiệp, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp ngành thủy sản, dệt may, doanh nghiệp khu vực tư nhân…, góp phần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Hiện mức lương tối thiểu vùng I là 4.180.000 đồng/tháng; vùng II là 3.710.000 đồng/tháng; vùng III là 3.250.000 đồng/tháng và vùng IV là 2.920.000 đồng/tháng. Năm 2014 tăng bình quân 15,2%; năm 2015 tăng bình quân 14,2%, năm 2016 tăng bình quân 12,4%; năm 2017 tăng bình quân 7,3%; năm 2018 tăng bình quân là 6,5%; năm 2019 tăng bình quân 5,3%.