Sinh ở Hà Nội, đăng ký khai sinh ở quê
Anh Nguyễn Phúc Vinh và chị Nguyễn Thanh Vân đều quê ở Nam Định, nhưng sinh sống và công tác ở Hà Nội đã hơn 5 năm. Vì chưa có tiền tích lũy nên sau khi kết hôn, anh chị vẫn thuê nhà để ở. Bận việc, cùng với ỷ lại việc chủ nhà cho thuê đã báo đăng ký tạm trú cho mình tại công an phường nên anh Vinh, chị Vân không làm xác nhận tạm trú.
Đến khi sinh con, anh Vinh ra phường nơi hai vợ chồng tạm trú để ĐKKS thì bị từ chối vì thiếu xác nhận tạm trú, cán bộ hộ tịch khuyên anh chị về quê ĐKKS cho con. Hai vợ chồng rất băn khoăn vì ĐKKS cho con ở quê đồng nghĩa với việc sẽ rất khó khăn cho việc học hành sau này khi bé đủ tuổi đi học. Trong khi đó, ông bà ở quê đã già yếu nên không thể gửi con cho ông bà chăm lo chuyện ăn học được…
Theo quy định tại Điều 8 và Điều 13 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và Thông tư 01/2008/TT-BTP, việc ĐKKS cho trẻ em phải được thực hiện tại UBND xã, phường, thị trấn nơi người mẹ đăng ký thường trú.
Trường hợp người mẹ không có nơi đăng ký thường trú thì việc ĐKKS cho trẻ em được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú.
Trường hợp người mẹ có nơi đăng ký thường trú, nhưng thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú thì UBND cấp xã nơi người mẹ đăng ký tạm trú cũng có thẩm quyền thực hiện việc ĐKKS cho trẻ em.
Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha thì UBND cấp xã nơi trẻ đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc ĐKKS.
Dưới góc độ các điều luật là vậy, còn dưới góc độ thực thi luật pháp thì câu chuyện của anh Vinh, chị Vân đúng như lời nhận xét: “Khó khăn đến từ sự thực thi chưa chu đáo ở địa phương”. Bởi thay vì khuyên công dân vượt bao nhiêu đường đất về quê ĐKKS cho trẻ, cán bộ hộ tịch có thể ĐKKS cho trẻ đảm bảo hợp lý, hợp tình.
Công tác khai sinh vẫn bị thờ ơ
Các quy định về thủ tục hành chính trong việ ĐKKS đã có nhiều thay đổi quan trọng nhằm đảm bảo quyền khai sinh cho trẻ được thuận tiện. Nhưng dường như sự thờ ơ của những người liên quan đã khiến quyền lợi của các em bị ảnh hưởng
Ở góc độ cha mẹ, gia đình, nhiều người còn thiếu hiểu biết nghiêm trọng về quyền trẻ em nói chung và quyền được ĐKKS của trẻ em nói riêng.
Ghi nhận từ một đợt khảo sát tại Lai Châu cho thấy, ông Lý Cá Chờ mặc dù là cán bộ y tế bản Ghà Gì, xã Bum Tở, Mường Tè, Lai Châu nhưng vẫn hồn nhiên: “Gia đình có 4 con, chưa đứa nào làm giấy khai sinh. Trẻ em nó không có quyền gì, nó còn bé, chỉ ăn chơi rồi đánh cãi nhau thôi”.
Đối với nhiều người, kể cả ở miền xuôi, thành thị, ĐKKS đơn giản chỉ để biết ngày, tháng, năm sinh, để trẻ được đi học. Từ chỗ bàng quan này mà họ cũng không biết ĐKKS cần thủ tục gì, gặp ai để ĐKKS cho trẻ.
Đơn cử như ở Hà Nội, mặc dù tại các UBND phường, xã đã dán thông báo đầy đủ để người dân biết và những thủ tục này đã được đưa lên mạng để người dân tiện tra cứu, nhưng cảnh người dân phải đi lại nhiều lần vẫn diễn ra thường xuyên.
Có trường hợp người dân còn quên lấy giấy chứng sinh, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ… dẫn đến tổng thời gian cấp giấy khai sinh kéo dài, phải 3, 4 lần đi lại mới có được giấy khai sinh cho con.
Ở góc độ cán bộ hộ tịch, bên cạnh việc thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ thì sự thiếu chu đáo trong thực thi pháp luật, hướng dẫn người dân cũng khiến cho việc ĐKKS cho trẻ gặp khó khăn.
Thực tế cho thấy, tại nhiều UBND xã, phường, thị trấn, cán bộ không dành nhiều thời gian giải thích một cách cụ thể, chi tiết cho người dân ngay từ đầu trong việc điền vào các biểu mẫu, khiến người dân phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần, gây mất thời gian cho cả người dân và cán bộ.
Đó là chưa kể đến trường hợp phức tạp như: ĐKKS cho trẻ bị bỏ rơi, ĐKKS cho trẻ ngoài giá thú, đăng ký có yếu tố nước ngoài… bản thân cán bộ cũng loay hoay, thậm chí trong nhiều trường hợp còn đặt ra các câu hỏi không phù hợp, nhạy cảm…