Đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) đồng tình với việc đưa các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp (như thuế, hải quan, kho bạc) vào đối tượng áp dụng Luật Kế toán là hoàn toàn xác đáng; tuy nhiên, đề nghị cân nhắc bổ sung thêm đối tượng áp dụng Luật Kế toán là cá nhân kinh doanh để bảo đảm đồng bộ với pháp luật về thuế và thương mại.
Về đối tượng của kế toán, ĐB đề nghị cân nhắc bổ sung thêm đối tượng là quyền sử dụng đất, quyền khai thác mỏ (có thời hạn) đối với cơ quan quản lý nhà nước thì thuộc về tài sản công, còn đối với các doanh nghiệp (DN) được Nhà nước trao quyền, hoặc nộp tiền để có quyền sử dụng, quyền khai thác theo quy định thì đây là tài sản của DN...
ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) cho rằng, thực tế nhiều tổ chức, cá nhân vẫn đang cung cấp dịch vụ kế toán nhưng không có chứng chỉ, không đăng ký dịch vụ kế toán (như kế toán thuế...), trong khi Dự thảo quy định: “Nghiêm cấm cung cấp dịch vụ kế toán không đúng quy định”. Theo Dự thảo, có 2 hình thức kế toán là kế toán tài chính và quyết toán nhưng thực tế vẫn tồn tại hình thức kế toán ngoài luật, như kế toán thuế, thực tế hầu hết các DN làm báo cáo tài chính là báo cáo thuế. “Vậy tồn tại loại kế toán này có vi phạm luật không?” - ĐB Thúy đặt câu hỏi.
ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) dẫn chứng trường hợp một DN ở TP.HCM “tá hỏa” khi nhận được đề nghị truy thu số thuế còn lớn hơn giá trị hợp đồng, nhưng khi làm việc với cơ quan thuế thì hóa ra quy định thế giới giữa các con số hàng nghìn, triệu, tỷ ghi bằng dấu phẩy, nhưng Việt Nam lại ghi bằng dấu chấm. ĐB đề nghị cần phải quy định theo thông lệ quốc tế.
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) dẫn Dự thảo và phân tích: Để được hoạt động dịch vụ kế toán, cá nhân người là kế toán viên phải thực hiện hai bước: thực hiện các thủ tục để được cấp chứng chỉ hành nghề kế toán, sau đó phải thực hiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán. “Quy định này là quá phức tạp và mất nhiều thời gian với người hành nghề dịch vụ kế toán, thậm chí có thể trở thành rào cản cho hoạt động dịch vụ kế toán…”- ĐB nhận xét. ĐB đề nghị chỉ cần có chứng chỉ hành nghề kế toán, hoặc xin cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kế toán là đủ để hành nghề dịch vụ kế toán...
Đối với DN kinh doanh dịch vụ kế toán, nhiều ý kiến cho rằng các quy định tại Dự thảo cũng có những rào cản, hạn chế tương tự. Theo ĐB Hà Sỹ Đồng, một DN có thể đăng ký kinh doanh nhiều ngành, nghề khác nhau, nếu cứ quy định thế này thì tất cả các ngành nghề kinh doanh của DN đó người đứng đầu đều phải có?. Hơn nữa, theo Luật DN mới thì một DN có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật.
“Việc quy định người đại diện theo pháp luật phải là kế toán viên hành nghề có được hiểu là tất cả những người đại diện theo pháp luật đều phải là kế toán viên hành nghề không? Nếu vậy thì hết sức vô lý, vì người đại diện theo pháp luật có thể mỗi người phụ trách một mảng việc khác nhau của DN, nên không thể và không cần thiết phải cùng là kế toán viên hành nghề…”- ĐB Đồng phân tích.
Ngoài ra, quy định về mức vốn của người có chứng chỉ hành nghề dịch vụ kế toán phải chiếm trên 50% vốn điều lệ của công ty TNHH 2 thành viên trở lên cũng không cần thiết. Bởi vì việc góp vốn và việc điều hành, quản trị cũng như thực hiện nghiệp vụ là hoàn toàn khác nhau.
“Chỉ cần yêu cầu DN đó phải có ít nhất 3 nhân viên hoặc cán bộ quản lý là kế toán viên hành nghề, không nhất thiết phải có mức vốn góp tối thiểu và không nhất thiết phải là người đại diện theo pháp luật hoặc Giám đốc/Tổng Giám đốc của DN đó. Vì theo Luật DN và Dự thảo này, trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật đã được nêu rõ và ràng buộc chặt chẽ. Họ không nhất thiết phải là kế toán viên hành nghề – nhưng vẫn có trách nhiệm cao nhất đối với hoạt động dịch vụ kế toán của doanh nghiệp mình…”- ĐB Hà Sỹ Đồng đề nghị.