Tuyên truyền sáng tạo, lan tỏa để chính sách đi vào cuộc sống
Ths Dương Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông BHXH Việt Nam - cho biết, tính đến ngày 28/2/2018, số người tham gia BHXH là 13,79% triệu người, bảo hiểm thất nghiệp là 11,69 triệu người, BHYT là 80,55 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 85,9% dân số cả nước.
Tuy nhiên, kết quả trên vẫn còn khoảng cách rất lớn so với mục tiêu của Bộ Chính trị đề ra là phấn đấu đến năm 2020 có 50% dân số tham gia BHXH, 35% số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và mới đây nhất là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ phấn đấu đến năm 2020 phải đạt 90% dân số có BHYT, bởi tỉ lệ người tham gia BHYT, BHXH chưa cao.Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, công tác truyền thông chính sách BHYT, BHXH cần phải có những giải pháp nhằm đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác truyền thông trong thời gian tới.
Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí cả nước đã bám sát thực tế đời sống để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, trọng tâm là Luật BHXH, Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua đó, đối tượng tham gia các loại hình bảo hiểm này được mở rộng và không ngừng tăng lên về số lượng. Tuy nhiên, từ thực tế tuyên truyền về BHXH, BHYT cũng còn những hạn chế, đôi khi còn thụ động, lúng túng, xử lý theo tình huống, công tác phối hợp trong hệ thống chưa thật sự chặt chẽ, thiếu đồng bộ.
Trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học “Truyền thông về chính sách BHXH, BHYT: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả” được tổ chức mới đây, Ths Trần Ngọc Hà - Trưởng ban Văn hóa – xã hội (Báo Pháp luật Việt Nam) - cho rằng, hiệu quả truyền thông là làm thay đổi và nâng cao nhận thức về quyền, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể các cấp và mọi người dân trong việc thực thi, chấp hành các quy định của Luật BHXH, Luật BHYT. Do đó, việc đổi mới và đa dạng các hình thức truyền thông sẽ tạo điều kiện và giúp các ngành, các địa phương, chủ sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tính nhân văn của chính sách BHYT, BHXH trong hệ thống chính sách an sinh xã hội ở nước ta.
Từ lẽ đó, cần phải có những đổi mới mạnh mẽ hơn trong công tác truyền thông cả về hình thức lẫn nội dung, cần tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT đặc biệt là BHXH Việt Nam với các cơ quan thông tấn báo chí theo hướng cởi mở, nhanh chóng, hợp tác và cầu thị.
Nên có các chiến lược truyền thông tập trung vào các đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận thông tin BHYT, BHXH, cần quyết liệt hơn trong việc truyền thông sâu rộng về chính sách BHXH tự nguyện.
Các cơ quan báo chí nên tận dụng thế mạnh của báo chí điện tử, truyền hình để lan truyền rộng rãi hơn các nội dung về BHYT, BHXH, đồng thời nhà báo cần mở rộng nguồn tin trong tiếp cận thông tin, ngoài các nguồn tin chính sách nên tăng cường tiếp cận thông tin từ thực tiễn,...
Nhiều điểm mới trong chính sách BHYT
Cũng tại hội thảo khoa học, Ths.BS Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Thực hiện Chính sách BHYT, BHXH Việt Nam - cho biết, trong thời gian tới có nhiều chính sách mới liên quan đến BHYT được thay đổi, Bộ luật Hình sự sẽ được thực hiện từ năm 2018 đối với những tội danh gian lận BHXH, BHYT, trốn đóng BHXH, BHYT.
Trước đây, tội danh gian lận BHYT, BHXH chưa được quy định thành tội trong luật hình sự, những vi phạm về hành chính trong thực hiện BHYT được quy định tại Nghị định 176 của Chính phủ từ năm 2013, đến nay đã được luật hóa, những tội này ngoài bị phạt hành chính tùy theo mức độ vi phạm còn có thể bị phạt tù, cải tạo không giam giữ. Hiện nay việc đưa vào trong Bộ luật Hình sự những hành vi này là rất cần thiết và mang tính răn đe cao bởi tội trốn đóng ảnh hưởng rất nhiều đến chính sách, đến người lao động.
Đồng thời, giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh theo hướng kết cấu thêm những phần chi phí như chi phí quản lý, đến năm 2020 sẽ kết cấu thêm chi phí khấu hao tài sản cố định, hiện nay chúng ta đã kết cấu được 4 yếu tố còn 3 yếu tố nữa chưa kết cấu.
Cơ quan BHXH Việt Nam đã cùng Bộ Y tế đang chuẩn bị ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 37, trong đó điều chỉnh một số giá dịch vụ y tế mà trước đây xây dựng chưa phù hợp có định mức kinh tế kỹ thuật chưa phù hợp, có mức giá cao hơn thực tế cung ứng dịch vụ tại các cơ sở để điều chỉnh giảm xuống như một số dịch vụ về nội soi, ngày giường bệnh, tiền khám bệnh, một số dịch vụ liên quan đến y học cổ truyền, phục hồi chức năng, xét nghiệm sẽ được điều chỉnh giảm,...
“Từ năm 2019 sẽ thực hiện việc chi trả thuốc ARV đối với bệnh nhân HIV đây là một trong bước tiến mới, chúng ta đã dần dần từng bước thoát ly khỏi những viện trợ của các tổ chức quốc tế đối với việc điều trị HIV/AIDS. Quỹ BHYT sẽ phải tạo thêm những gánh nặng chi trả, tuy nhiên chính phủ đã cân nhắc rất kỹ việc chi trả thuốc cho bệnh nhân HIV/AIDS, đây hoàn toàn mang tính an sinh xã hội lớn. Tiến tới thuốc phòng chống Lao quỹ BHYT cũng sẽ chi trả, những chính sách mới như vậy, đang tạo nên những quyền lợi rất tốt cho người tham gia BHYT, tạo nên sự phát triển bền vững”, ông Lê Văn Phúc cho biết thêm.