Đẩy trách nhiệm tránh thai cho vợ - chồng sai hay đúng?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLVN) - Đầu năm 2020, thông tin ca sĩ Hoàng Bách quyết định triệt sản để vợ đỡ khổ trong chuyện sinh nở nếu chẳng may mang thai ngoài ý muốn đã trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Bởi lâu nay đẩy hết trách nhiệm tránh thai cho vợ là cách làm của phần lớn quý ông Việt Nam.

“Trách nhiệm mặc định” của người vợ (!)

Quyết định chia sẻ vấn đề tránh thai với vợ đến với nam ca sĩ sau khi anh trực tiếp vào phòng sinh, chứng kiến vợ sinh con lần thứ ba vất vả, đau đớn. Trước đó hai vợ chồng ca sĩ khi biết tin mang bầu con thứ ba đều ngỡ ngàng, áp lực đè nặng bản thân một thời gian dài vì nhận thức việc sinh một đứa trẻ ra đời đồng nghĩa với việc phải nuôi dạy, lo cho con một cuộc sống tốt nhất trong khả năng có thể.

Ban đầu vợ ca sĩ Hoàng Bách có ý định sẽ triệt sản sau khi sinh con thứ ba, nhưng sau khi nam ca sĩ vào phòng sinh vượt cạn cùng vợ về, anh quyết định sẽ làm việc này thay vợ. “Có nhiều điều chúng ta coi là rất bình thường, là đương nhiên, như việc sinh sản của phụ nữ. Nhưng nếu đã một lần ở trong phòng sinh cùng vợ, chỉ một lần thôi, chứng kiến giây phút đau đớn đến tận cùng, nguy hiểm đến tận cùng ấy của người phụ nữ để ban tặng cho ta một đứa con... bạn sẽ thấy những điều tôi làm là quá nhỏ bé” – nam ca sĩ chia sẻ.

Hành động của ca sĩ Hoàng Bách được tất cả phụ nữ ủng hộ và đánh giá cao, nhưng ngược lại không phải người đàn ông nào cũng đồng tình. Xưa nay, trong mối quan hệ vợ chồng ở các gia đình Việt, nhiệm vụ này gần như được mặc định là trách nhiệm của người vợ. Câu chuyện xảy ra ở một trạm y tế xã tại Quảng Ninh đã minh chứng cho điều này. 

Sau khi sinh con được 3 tháng, chị Hạnh đề nghị chồng sử dụng bao cao su để tránh thai nhưng anh không nghe và cho rằng việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình là của phụ nữ. Thấy chồng nói vậy, chị Hạnh biết là không thể thay đổi được suy nghĩ của chồng.

Bản thân chị đang cho con bú nên không muốn dùng thuốc tránh thai, đặt vòng thì cơ thể chị không thích ứng buộc phải tháo ra. Thế nên khi con được gần tuổi thì chị Hạnh lại có thai. Biết vợ có thai, chồng chị muốn vợ đi phá, nhưng chị thương con nên không muốn. Hai vợ chồng dùng dằng mãi, khi chị Hạnh đến trạm y tế gặp bác sĩ thì thai đã lớn. Vừa khóc, chị Hạnh vừa kể lại câu chuyện chồng muốn phá thai…

Từ chối tránh thai là hình thức bạo lực gia đình

Hàng năm có tới 1/3 trong số các trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn Đây là con số được đưa ra tại lễ kỷ niệm lần thứ 13 Ngày Tránh thai Thế giới (26/9) vừa được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế tổ chức với thông điệp “Chủ động tránh thai, chủ động tương lai”.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, theo ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ thì việc vợ chồng hiểu được tránh thai là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Vì phòng tránh thai giúp hạn chế số con, không sinh quá nhiều để có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, qua đó nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. 

Tránh thai là quyền lợi và trách nhiệm của cả vợ và chồng không phải là thông điệp của riêng ngành Y tế mà điều này cũng đã được luật hóa trong nhiều đạo luật liên quan đến hôn nhân gia đình và bình đẳng giới hiện hành. Một trong 9 mục tiêu cụ thể của Dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 là bình đẳng giới trong gia đình.

Luật Bình đẳng giới có quy định bình đẳng giới trong gia đình là vợ chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp… Tương tự, Luật Hôn nhân – Gia đình cũng nhấn mạnh việc vợ và chồng phải có nghĩa vụ thực hiện kế hoạch hóa gia đình thông qua điều luật về những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân, gia đình.

Từ góc nhìn của pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình thì một trong những hình thức bạo hành tinh thần trong gia đình là từ chối không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc bao cao su khi quan hệ tình dục…

Luật định đã rõ ràng như thế, nhưng trong thực tế, đẩy hết trách nhiệm tránh thai cho vợ đã và đang là cách làm của phần lớn quý ông Việt Nam. Nhiều ông chồng khi thấy vợ đi phá thai trách móc vợ là không biết tính toán, tránh thai là việc của đàn bà chứ có phải là việc của đàn ông. Về phần mình hầu hết chị em phụ nữ lại có suy nghĩ là các ông chồng không để ý chuyện tránh thai cũng chả sao, chứ mình thì phải để ý, vì có tội vạ gì cũng chỉ đàn bà phải chịu. 

Do đó, cách đây hơn chục năm, điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong việc áp dụng các biện pháp hiện có tỷ lệ tham gia của nam giới chỉ chiếm hơn 10% và tin rằng hiện tại con số cũng không tăng thêm nhiều là mấy. Hệ quả của sinh nhiều con hoặc phá thai là tai biến, thậm chí tử vong, viêm nhiễm đường sinh dục... đều chỉ phụ nữ phải chịu đựng. 

Từ góc độ của nhà tâm lý học, trao đổi với truyền thông, nhà nghiên cứu tâm lý học Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty tư vấn An Việt Sơn, bày tỏ quan điểm của mình  rằng, nhiều phụ nữ Việt vẫn có tâm lý cam chịu và chiều chồng. Bởi vậy, chúng ta thường bắt gặp người phụ nữ đảm đang lo lắng cho chồng từ miếng ăn, giấc ngủ, chiếc quần, chiếc áo.

Với họ, chuyện phòng the cũng không phải ngoại lệ, khi bản thân phải gánh vác trách nhiệm lo lắng vấn đề tránh thai. Theo ông Nguyên An Chất, quan hệ tình dục giữa hai vợ chồng cần có sự giao thoa, hòa hợp giữa hai người. Với đàn ông, chuyện thụ hưởng trong quan hệ tình dục vợ chồng luôn dễ dàng hơn phái nữ bởi chị em còn bị tác động rất lớn bởi yếu tố tâm lý, trong đó có cả câu chuyện tránh thai.

“Do đó, tôi nghĩ đàn ông nên là đối tượng chủ yếu sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn để phụ nữ có cơ hội để hưởng thụ. Quan trọng hơn, đó còn là sự sẻ chia - yếu tố giúp mối quan hệ của các cặp đôi bền vững lâu dài. Đàn ông nên đóng vai trò là người đưa một nửa của mình “lên đỉnh núi” thay vì đứng trên núi nhìn xuống như lâu nay” - nhà nghiên cứu tâm lý học Nguyễn An Chất nhấn mạnh.

“Cám ơn chồng vì quyết định mạnh mẽ, dứt khoát của anh!”

Quay lại với câu chuyện của nam ca sĩ Hoàng Bách, anh không đơn độc trong quyết định chia sẻ vấn đề tránh thai với vợ. Thanh Thảo - vợ ca sĩ Hoàng Bách cho biết hai vợ chồng đã cùng nhau từ khâu tham khảo ý kiến, bàn bạc cho tới khâu quyết định và thực hiện.

“Hạnh phúc gia đình không bị ảnh hưởng sau quyết định này. Cám ơn chồng vì quyết định mạnh mẽ, dứt khoát của anh!”, Thanh Thảo nói. Còn với câu chuyện của người phụ nữ tên Hạnh ở Quảng Ninh, khi thấy chị khóc vì lo lắng thai quá to không phá được, các bác sĩ động viên chị cứ yên tâm và khuyên chị ngày mai cùng chồng đến gặp họ.

Sau khi nghe bác sĩ phân tích tác hại của việc phá thai to, chồng chị đã thay đổi ý định và đồng ý không để vợ phá thai. Nhân tiện các bác sĩ nói để hai vợ chồng chị hiểu rằng việc kế hoạch hóa gia đình là trách nhiệm của cả hai vợ chồng chứ không riêng gì của người vợ…

Trách nhiệm của cả vợ và chồng trong vấn đề kế hoạch hóa gia đình cũng được đề cập tới trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL ban hành. Theo Bộ tiêu chí, 4 tiêu chí ứng xử trong gia đình là Tôn trọng – Bình đẳng – Yêu thương – Chia sẻ và không phải ngẫu nhiên mà Luật Hôn nhân và Gia đình đề cập đến vấn đề bình đẳng đầu tiên, bởi bình đẳng chính là điều kiện quan trọng nhất để hai cá nhân quyết định cùng chung sống và xây dựng một gia đình.

Bảo vệ quyền bình đẳng của vợ chồng trong mọi mặt đời sống đòi hỏi cả hai cá nhân cần nỗ lực để thực hiện mọi quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Việc thực hiện bình đẳng được thể hiện trong mọi khía cạnh của đời sống hôn nhân như cùng chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái; được thỏa mãn những nhu cầu cá nhân như giải trí, học tập, tham gia hoạt động xã hội, cộng đồng; được bàn bạc, trao đổi, tham gia vào quá trình ra quyết định trong gia đình cũng như bình đẳng, tôn trọng trong đời sống tình dục hay kế hoạch hóa gia đình.

Tin cùng chuyên mục

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng bệnh sởi

(PLVN) - Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.

Đọc thêm

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh minh họa: SKĐS)
(PLVN) -  Thời gian qua, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh đã trở thành mối lo ngại ở nhiều trường học tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bất an và để lại hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe của học sinh.

Tăng thuế thuốc lá để giảm thiệt hại 108.000 tỷ đồng mỗi năm

Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

(PLVN) - Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Việc tăng thuế sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe...

Mắc uốn ván từ khoang miệng

Bệnh nhân mắc uốn ván từ khoang miệng. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - 10 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân L.V.S (nam, 40 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Sau 6 ngày dùng thuốc bệnh nhân bắt đầu khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông S. mắc uốn ván.

Suy hô hấp cấp vì mắc sởi

Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, giảm sốt, mức độ tiêu chảy giảm nhiều. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam, 56 tuổi ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh nhập viện trong tình trạng khó thở, sốt cao, phát ban ở vùng đầu, mặt và cổ sau chuyển biến suy hô hấp cấp.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh

TP Cần Thơ đẩy mạnh quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh trên địa bàn. (Nguồn: Sở GD&ĐT TP Cần Thơ)
(PLVN) -  Việc hầu hết các em học sinh (HS) khi gặp vấn đề tâm lý không biết phải gặp ai, làm gì để giúp các em vượt qua là phản ánh rõ nét cho thấy công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều khoảng trống.

Cứu cô gái 26 tuổi viêm cơ tim biến chứng nguy kịch

Cứu cô gái 26 tuổi viêm cơ tim biến chứng nguy kịch
(PLVN) - Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯ CT) mới cứu sống bệnh nhân 26 tuổi bị viêm cơ tim biến chứng choáng tim – suy đa cơ quan bằng kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể - PV).

Thận trọng khi ăn hạt sen

Hạt sen bổ nhưng một số người nên thận trọng khi ăn (Ảnh: Internet)

(PLVN) - Hạt sen là một loại nguyên liệu được yêu thích trong ẩm thực Việt Nam bởi hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, một số người thận trọng khi ăn hạt sen - cần hạn chế hoặc không ăn loại hạt này để tránh những vấn đề sức khỏe không mong muốn.

Để tai nạn thương tích không còn là gánh nặng

Trẻ em - đối tượng rất dễ bị tai nạn thương tích. (Ảnh: BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ)
(PLVN) - Tai nạn thương tích là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,1 triệu trường hợp bị tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.