Không thể không… “tự nguyện”
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, nhà trường không tổ chức dạy thêm đối với học sinh học 2 buổi/ngày và học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống). Sau giờ lên lớp, giáo viên không được dạy thêm cho học sinh mình đang giảng dạy chính khóa (trừ khi có sự đồng ý của hiệu trưởng).
Hiệu trưởng sau khi tiếp nhận đơn của phụ huynh, phải phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học. Các lớp học thêm bồi dưỡng này phải đảm bảo học lực của học sinh tương đương nhau. Như vậy, chỉ cần có đơn tự nguyện xin học của phụ huynh là hoàn toàn có thể dạy thêm.
Theo phản ánh của một số phụ huynh, dưới các hình thức “tự nguyện” này, một số trường tiểu học ở Hà Nội đang có khá nhiều kiểu dạy thêm khác nhau: Dạy thêm dưới hình thức mở các câu lạc bộ; các trung tâm của trường, những trường tan học sớm cũng tổ chức trông trẻ và dạy thêm khi phụ huynh chưa kịp đón con…
Điều đáng nói là, khi nhà trường tổ chức dạy thêm và có thông báo với phụ huynh, không phụ huynh nào không đăng ký "tự nguyện" học bởi nhiều “ràng buộc” vô hình.
Một phụ huynh có con học cấp 2 quận Đống Đa cho biết: Đầu năm họp phụ huynh cô giáo thông báo nhà trường tổ chức tới 5 bộ môn học thêm, thế nhưng nhiều phụ huynh chỉ muốn đăng ký 2 môn chính là văn, toán liền bị cô giáo tỏ thái độ. Điều này khiến cho nhiều người bức xúc.
Còn theo anh H - một phụ huynh có con học tiểu học ở quận Long Biên thì lo lắng, con anh sau học thêm cuối giờ do trường tổ chức thì lại được cô gợi ý về nhà cô học thêm. Chỉ trong một tuần cô giáo đã gọi điện tới 3 lần “nhắc” anh đưa con đến nhà cô học. Học xong về đến nhà cũng khoảng 9 giờ tối thì cháu đã mệt nhoài lăn ra ngủ.
Ông Giác - phụ huynh bức xúc: “Không hiểu tại sao trước đây chúng tôi không đi học thêm mà học vẫn tốt, chỉ có bạn nào yếu thì thầy cô phụ đạo, còn giờ thì học giỏi hay dốt đều phải đi học thêm tất.
Khổ nhất là học sinh tiểu học dù đã cấm nhưng vẫn phải quay cuồng học thêm. Không đi học thì sợ cô trù, hoặc có những kiến thức cô không dạy trên lớp mà lại “để dành” dạy ở lớp học thêm. Nếu em nào không đi học thì không làm được bài kiểm tra và bị điểm kém”.
Một phụ huynh than thở, con trai anh học lớp 7 một trường ở Hà Nội bị ép “tự nguyện” học thêm 3 buổi chiều/tuần mà “không làm gì được”: “Con mình học thêm ngay tại trường, các lớp khác cũng vậy. Chính mình phải làm đơn xin học dù muốn hay không”, anh kể và nhấn mạnh: Không chỉ tốn tiền mà quá phí phạm thời gian. Mà đã gọi là “tự nguyện” học thêm thì phụ huynh phải được chủ động chọn lựa những thầy cô phù hợp, Còn ở đây, không muốn học nhưng nếu bỏ sẽ không yên với cô, với trường…
Tràn lan, khó quản
Trước thực trạng này, ngay đầu năm học mới bắt đầu, Sở GD-ĐT TP.Hà Nội đã thành lập 20 đoàn thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi và quản lý dạy thêm đầu năm học 2013-2014. Sau đợt thanh tra, ông Hoàng Cơ Chính - Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đợt đầu kiểm tra, Hà Nội có 87 trường THPT (đạt 82,08%) và 224 trường THCS (đạt 38,2%) đã được cấp phép dạy thêm học thêm (DTHT) trong nhà trường...
Tuy nhiên vẫn có một số cơ sở giáo dục triển khai việc cấp phép DTHT vẫn chưa kịp thời. Nhất là, có một số trường đã thu vượt quá mức trần, chi không đúng tỷ lệ phần trăm. Dự toán, kế hoạch thu chi cho các hoạt động DTHT chưa rõ như Trường THCS Phụng Thượng, Phúc Thọ. Trường THPT Trung Giã - Sóc Sơn thì tăng tiết DHHT chưa được giải thích cho người học, tăng vượt trần.
Các đoàn thanh tra đã yêu cầu các Phòng GD - ĐT và các đơn vị trực thuộc rà soát tồn tại, thực hiện tốt kiến nghị; xử lý, kỷ luật nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm việc thu - chi, DTHT không đúng quy định, báo cáo kết quả với UBND TP.
Theo ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội, việc DTHT là theo nhu cầu nên hiện tại chúng ta không thể chấm dứt tình trạng này. Các văn bản của Bộ GD-ĐT Hà Nội đã đưa ra nhiều quy định “chặt” hơn như quy định mức trần về DTHT để ngăn chặn tình trạng DTHT trái phép.
Theo quy định, giáo viên hưởng lương ngân sách không được dạy thêm; học sinh tiểu học 2 buổi không học thêm. Hà Nội đã đưa ra mức trần thu dạy thêm thống nhất trên toàn TP.
Tuy nhiên, để chấm dứt được DTHT tràn lan thì việc quản lý DTHT cần kiểm tra nghiêm ngặt, làm rõ trách nhiệm cá nhân và xử lý nghiêm, đồng thời tập trung làm sao để DTHT bảo đảm chất lượng và theo đúng nhu cầu của phụ huynh.