TS Hùng nhận định:
-Vụ này không thể đổ cho khách quan được vì nó liên quan trực tiếp đến cán bộ điều tra, chỉ đạo điều tra mà cụ thể là năng lực, trách nhiệm và cả đạo đức của người làm án nữa. Đầu tiên, có thể xuất phát từ một yếu tố mà người ta vẫn nói là “niềm tin nội tâm”, dù bị can không có tội nhưng ĐTV vẫn tin người đó có tội, vì thế phải tìm mọi cách để “gò”, để buộc người ta, nên yếu tố ép cung xuất hiện.
|
TS Phạm Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội |
Có thể về mặt nghề nghiệp, ĐTV biết điều đó là không được phép và hiểu hậu quả của nó rất ghê gớm, nhưng cái niềm tin đó cộng với sức ép phải điều tra, phải làm nhanh để khép lại vụ án hay cũng có thể vì thành tích, chiến công, được thăng chức, thăng hàm này nọ… nên người ta cố tìm mọi cách để kết tội.
Trong khi theo nguyên tắc, nếu không chứng minh được có tội hoặc dù chứng cứ 50/50 đi chăng nữa thì phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội cho bị can chứ không thể ép như thế. Mặt khác, sách vở nhà trường cũng dạy các ĐTV không được dùng lời khai làm chứng cứ duy nhất buộc tội.
- Nhưng ở đây, trách nhiệm không chỉ thuộc về cơ quan điều tra vì sau đó, tại tòa và suốt 10 năm qua, ông Chấn và gia đình liên tục có đơn kêu oan gửi các cơ quan tố tụng?
- Đúng là đơn từ của gia đình ông Chấn gửi nhiều nơi, nhưng hầu hết các cơ quan chỉ kiểm tra trên hồ sơ, vì thực tế cũng có những vụ rõ ràng có tội nhưng người ta vẫn cứ nại ra một số lý do, thêm vào đó cơ quan pháp luật nhiều khi nghĩ rằng người ta kêu vì người ta nghĩ thế, còn cơ quan tố tụng thì vẫn có niềm tin chắc chắn là có tội và thường rất tin chứng cứ điều tra.
Đơn thư của người kêu chỉ là một phía, không đủ chứng minh hay lật ngược vấn đề nên đôi khi các cơ quan tư pháp chỉ xem xét một phần nào đó thôi, chứ chưa thấu đáo. Thực tế, hồi công tác trên cơ quan VKSNDTC, tôi thấy đơn kêu, đơn tố gửi đến rất nhiều nhưng thực tế oan thì ít. Vụ việc như của ông Chấn là rất hy hữu.
- Theo ông, sẽ phải xử lý như thế nào trước những cáo buộc Cảnh sát điều tra Bắc Giang có hành vi bức cung từ ông Chấn?
- Vụ này rõ ràng có bức cung. Tuy nhiên, để đặt vấn đề trách nhiệm hình sự đối với hành vi này thì cần chứng minh, chứ không thể dựa vào suy luận. Trong trường hợp này có thể coi những phản ánh của ông Chấn là có căn cứ bởi không phải tự nhiên trước ông ta nhận tội, nhưng sau đó ông ta lại nói bị buộc tội oan, vì thế cần làm kỹ.
Tuy nhiên, theo thông tin thì người điều tra chính vụ này đã chết. Thế nên rất có thể ông ta là chính vì có thể người ta sẽ dồn hết cho ông này?. Nhưng, nói vậy không có nghĩa là chịu, bởi chắc chắn sẽ vẫn còn những chi tiết có thể lật lại để chứng minh, chẳng hạn: vì sao lúc đầu ông Chấn không nhận tội rồi lại nhận, sau đó lại kêu oan; rồi phải làm việc với những ĐTV khác cùng tham gia lấy cung; tìm lại những người đã ở cùng với ông Chấn trong trại...
Dù còn chờ kết quả xác minh nhưng tôi nhận định vụ này có ép cung, bởi theo logic thông thường, không ai không giết người rồi lại “tự nguyện” khai mình thực hiện hành vi đó để đổi lấy 10 năm đầy nước mắt trong trại giam như vậy cả.
- Ngoài chức năng thực hành quyền công tố, VKS còn làm nhiệm vụ kiểm sát hoạt động điều tra. Vì thế, có ý kiến đề nghị người của Viện cần có mặt trong các cuộc lấy cung để giám sát, tránh sự lộng quyền của ĐTV?
- Với quyền hạn luật định, VKS khi nhận được tố cáo phản ánh về hành vi bức cung hay dùng nhục hình thì có quyền phúc cung, kiểm tra lại bản cung hoặc vào thẳng trong trại giam gọi hỏi lại, kiểm tra lại để làm rõ nếu có nghi ngờ kết quả điều tra.
Nếu vi phạm thì tất cả các quyết định của cơ quan điều tra có thể bị Viện hủy bỏ. Tôi cho rằng trong vụ án oan này, ngoài cơ quan điều tra, tòa án thì cũng có phần trách nhiệm của VKS, bởi nếu “anh” làm hết trách nhiệm trong phạm vi quyền hạn thì cũng có thể sự việc ngày đó sẽ khác.
- Quyền hạn VKS rõ ràng như vậy, nhưng tại sao số vụ bức cung hay dùng nhục hình bị phát hiện, khởi tố lại rất ít? Phải chăng có sự nể nang giữa các cơ quan Nội chính?
- Bức cung, dùng nhục hình để lại hậu quả nghiêm trọng thì không có nhiều nhưng tình trạng ĐTV có thái độ làm việc, nói năng hống hách, miệt thị, xúc phạm… nghi can, bị can thì không phải là hiếm mà nếu chỉ ở mức vậy thôi thì cũng khó và ít xử lý hình sự được.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng anh em làm việc với nhau sau khi có thông tin phản ánh việc này, việc kia vi phạm, nhưng Công an họ đề nghị cho được xử lý nội bộ nên thôi, không lại mang tiếng là “ta đánh ta”.
Đó là câu chuyện có thể có trước kia thôi chứ bây giờ công tác cải cách tư pháp đang được đẩy mạnh nên phải rất thận trọng, ngoài ra còn có nhiều kênh giám sát khác như thông tin, đài báo, dư luận xã hội… nên có gì ngay lập tức người ta tung hết lên thì khó mà bảo là để im cho “đóng cửa bảo nhau” hay xử lý nội bộ như trước nữa.
- Cảm ơn ông!
Không một vụ bức cung nào được khởi tố trong 10 năm qua
Trao đổi với PLVN, TS.Phạm Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội nói: “Thống kê của Cục Điều tra tội phạm và Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (VKSNDTC) từ năm 2003 đến nay, mặc dù có những tin báo tố giác tội phạm liên quan đến hành vi bức cung nhưng Cơ quan điều tra của Viện chưa khởi tố, điều tra vụ án nào về tội “Bức cung”.
Riêng về tội “Dùng nhục hình”, mặc dù một số vụ việc đã xem xét khởi tố, điều tra nhưng số vụ việc đã được khởi tố chưa phản ánh được đầy đủ tình hình thực tế…
Thực tế này cho thấy nhiều vụ án, bị cáo khai tại phiên tòa là do bị bức cung, dùng nhục hình nên phải khai không đúng sự thật tại cơ quan điều tra và xin khai lại với nội dung hoàn toàn khác, nhưng thường bị người ta bác đi với lý do “không có chứng cứ chứng minh” điều đó”.