Theo báo cáo của Ủy ban, năm 2016, cả nước có 10.144.400 NCT, chiếm 10,94% dân số, trong đó có có 1.892.900 người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 18,6% tổng số NCT). Số NCT sống ở khu vực nông thôn là 6.636.000 người (chiếm 65,7%); tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo khoảng 22%.
Đại diện Bộ Y tế cho biết xu thế trên thế giới là chuyển công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT từ trong bệnh viện sang cộng đồng. Hiện Bộ Y tế đang triển khai thí điểm mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện, dài hạn cho NCT tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang đem lại hiệu quả tốt. Một số tỉnh, thành phố đã nâng mức trợ cấp cho NCT cao hơn mức quy định chung của cả nước. Một số tỉnh thực hiện việc trợ cấp xã hội cho NCT nghèo, hoàn cảnh khó khăn từ 75 tuổi trở lên.
Đã xuất hiện những cách làm hay trong hỗ trợ NCT tại địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu phấn đấu 100% NCT không còn sống trong nhà dột nát; sáng kiến tặng bò sinh sản cho hộ gia đình nghèo có NCT để phát triển kinh tế... Nhiều tỉnh triển khai thực hiện tốt các mô hình thể dục, dưỡng sinh, văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ liên thế hệ nhằm chăm sóc và phát huy vai trò của NCT; xã hội hóa các trung tâm dưỡng lão, chăm sóc NCT.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn tồn tại tình trạng mức sống của NCT tại nhiều tỉnh, thành còn thấp, một bộ phận phải lao động kiếm sống, ở nhà tạm. Đặc biệt ở vùng khó khó khăn, dân tộc thiểu số, NCT có tuổi thọ thấp nên số lượng người được hưởng chính sách trợ cấp xã hội còn ít. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực NCT còn gặp nhiều khó khăn, nhất là chính sách, cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư các cơ sở chăm sóc NCT.
Về công việc triển khai trong năm 2017, các thành viên Ủy ban cho rằng cần khẩn trương nghiên cứu, đổi mới chính sách trợ giúp xã hội đối với NCT, đặc biệt ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác khám chữa bệnh, lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe; lồng ghép việc chăm sóc, phát huy vai trò của NCT trong các phong trào của cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội…
Trung ương Hội NCT Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức “Tháng hành động vì NCT Việt Nam”, thực hiện các cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò NCT”; “Mắt sáng cho NCT”; “NCT tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới”; nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ; đánh giá tổng kết và hướng dẫn xây dựng, phát triển Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT…
Chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng cho rằng vấn đề già hóa dân số được nhận thức ngày càng rõ trong các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng, xã hội, bảo đảm NCT tiếp tục được chăm sóc toàn diện, dài hạn, phát huy vai trò, đóng góp tích cực về xã hội và kinh tế.
“Nói đến NCT, đầu tiên là sức khỏe. Có hai việc đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT. Trước hết, ngành Y tế cần phải ra quy trình chuẩn, hướng dẫn hệ thống chăm sóc lão khoa trong các cơ sở y tế. Thứ hai, quan trọng hơn là phải triển chăm sóc sức khỏe y tế cho NCT tại cơ sở, cộng đồng, đặc biệt tại vùng nông thôn, miền núi”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết cơ quan chức năng đang tích cực chuẩn bị triển khai kế hoạch lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân gắn với mục tiêu BHYT và chăm sóc sức khỏe toàn dân, mà đối tượng được thụ hưởng đầu tiên là NCT và trẻ em.
Bên cạnh đó, ngành VHTT&DL, các địa phương cần nghiên cứu phát động các phong trào rèn luyện sức khỏe, đồng diễn thể dục dưỡng sinh của NCT, đưa nội dung này vào ngày hội văn hóa các cấp.