Đẩy mạnh phân cấp
Tại chỉ thị mới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả và hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng đã được Chính phủ, Thủ tướng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt trong thời gian qua.
Trong đó, đẩy mạnh và hoàn thiện thể chế, cơ chế phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành với chính quyền địa phương nhằm bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, nhất là người đứng đầu.
Triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn; trong đó, tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và các quy định thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, không cần thiết, trọng tâm là các thủ tục hành chính đang gây trở ngại, kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh và các thủ tục hành chính khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết, đảm bảo nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho nhân dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương; giảm tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ; nghiêm túc thực hiện việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn. Thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh tác phong, lề lối và thái độ làm việc của công chức tại bộ phận một cửa các cấp; xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ nhân dân.
Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo các quy định của Chính phủ, Thủ tướng. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn về xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo quy định của Chính phủ. Ưu tiên nguồn lực, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Nhiều kết quả tích cực
Một trong những nội dung Thủ tướng yêu cầu là tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành; đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, chỉ số hài lòng của người dân với chất lượng dịch vụ giáo dục, y tế công lập phù hợp với chương trình tổng thể và với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đánh giá toàn diện, khách quan, công bằng, kịp thời, phản ánh đầy đủ, đa chiều kết quả triển khai CCHC tại các bộ, ngành, địa phương.
Liên quan đến chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, theo tìm hiểu, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương triển khai nhiều hoạt động chấm điểm, xác định chỉ số CCHC năm 2020.
Trên cơ sở kết quả khảo sát 36.600 người dân, tổ chức, cho thấy các chỉ số đã chỉ ra nhiều kết quả, xu hướng cải cách tích cực: Giá trị trung bình của chỉ số CCHC năm 2020 của các bộ đạt 87.56%, tăng 1.93% so với năm 2019; các tỉnh đạt 83.72%, cao hơn 2.57% so với giá trị trung bình năm 2019; 58/63 địa phương và 15/17 bộ có tỷ lệ điểm đánh giá tăng so với năm 2019; 6/6 vùng kinh tế đều có giá trị trung bình chỉ số CCHC đạt trên 80%, trong đó, dẫn đầu là vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đạt 85.88%.
Trong năm 2020, tiếp tục có nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong CCHC được thí điểm, nhân rộng và lan tỏa đến nhiều bộ, tỉnh; mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt 85.48%, cao nhất trong 4 năm gần đây.
Một số địa phương đã triển khai đánh giá và công bố kết quả chỉ số CCHC năm 2020 của các sở, ngành, huyện. Các địa phương triển khai sớm là: Hà Nam, Kiên Giang, Bắc Giang, Đồng Tháp, Bắc Ninh, Hòa Bình, Cao Bằng, Tây Ninh, Bắc Kạn, Hà Giang, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, Gia Lai, Lào Cai, Cần Thơ, Long An... Từ tháng 4/2021 đến nay, có thêm một số địa phương đã công bố là TP HCM, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Yên Bái, Cà Mau…